Tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ đột quỵ
Không khí ô nhiễm gây ra các bệnh về đường hô hấp, ho kéo dài và nếu đường thở nhiễm khuẩn sẽ lâu lành hơn. Nhưng có một điều đáng lo ngại khác, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhất là ở nam giới và người dưới 65 tuổi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 7 triệu cái chết mỗi năm trên toàn cầu liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, con số này là 60.000 người. Hà Nội và TPHCM là những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất châu Á.
WHO cũng ghi nhận bụi mịn là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, phổi mạn tính, ung thư, sinh non... Phơi nhiễm ngắn hạn với bụi PM10 có thể làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp mạn tính, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Nghiên cứu mới tại Anh cho thấy ô nhiễm không khí có thể khiến tim ngừng đập, tăng đột quỵ hay hen suyễn ở cả trẻ em và người lớn. Trong những ngày nồng độ ô nhiễm tăng cao, trung bình có thêm khoảng 124 ca nhập viện vì tim ngừng đập, 193 ca hen suyễn. Các bệnh nhân mắc tình trạng lưu thông của máu bị đình trệ do kỳ tâm thu của tim rối loạn - một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng 36.000 người Anh mỗi năm.
![]() |
Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. (Ảnh: internet) - https://suckhoeviet.org.vn/ |
Trong khi đó, tạp chí Stroke (tạp chí Đột quỵ) cũng vừa công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc không khí ô nhiễm và đột quỵ do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện. Các nhà khoa học đã đánh giá 86.635 trường hợp nhập viện khoa cấp cứu vì đột quỵ thuộc 10 bệnh viện ở 3 thành phố lớn, đồng thời thu thập mức độ bụi mịn (PM 2.5), nitơ dioxide (NO2) và sulfur dioxide (SO2) của không khí.
Kết quả cho thấy hít thở không khí có NO2 và SO2 làm tăng nguy cơ nhập viện cấp cứu do đột quỵ ngay sau khi phơi nhiễm. Ở nam giới, việc tiếp xúc với bụi mịn PM 2.5 cũng làm tăng nguy cơ. Trong đó, nguy cơ tăng rõ rệt ở những người dưới 65 tuổi.
Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhằm giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, nhất là ở những người trẻ tuổi và nam giới.
Đột quỵ xảy ra do sự tắc nghẽn mạch máu. Các cục máu đông hình thành trong não và làm gián đoạn lưu lượng máu, làm tắc nghẽn động mạch và khiến mạch máu bị vỡ, dẫn đến chảy máu. Điều này dẫn đến các tế bào não chết đột ngột do thiếu oxy.
Đột quỵ cũng có thể dẫn đến trầm cảm và mất trí nhớ. Khi không khí ô nhiễm, các hạt mịn thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Thực hiện một số lời khuyên sau sẽ giúp mỗi cá nhân bảo vệ sức khỏe trước tác động của bụi mịn:
Đeo khẩu trang phòng ô nhiễm không khí: đeo khẩu trang chống bụi mịn (N95 hoặc loại tương tự) khi ra khỏi nhà có thể giúp giảm lượng bụi mịn hít vào đường hô hấp.
Tránh ra khỏi nhà trong thời gian ô nhiễm nặng: hạn chế ra khỏi nhà trong khoảng thời gian chất lượng không khí kém: 7 - 8 giờ và 18 - 19 giờ.
Điều chỉnh lịch trình và hoạt động vận động: hạn chế hoạt động vận động nặng ngoài trời trong thời gian ô nhiễm cao, đặc biệt là đối với những người có vấn đề sức khỏe như bệnh hô hấp.
Sử dụng máy lọc không khí: đặt máy lọc không khí trong nhà có thể giúp giảm lượng bụi mịn và các chất ô nhiễm khác trong không khí.
Giữ nhà cửa sạch sẽ: quét dọn nhà cửa thường xuyên để giảm lượng bụi bẩn trong nhà.
Thăm khám bác sĩ khi cần thiết: nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng như khó thở, đau ngực hoặc các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến ô nhiễm không khí, hãy thăm khám ngay lập tức.