Giới thiệu tài liệu Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ
Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (28/3), tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa giới thiệu tài liệu "Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ".
Tài liệu nhằm cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng để cha mẹ có thể thực hành hỗ trợ cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ (rối loạn tự kỷ) tại gia đình. Đây là cuốn thứ 3 trong số 4 cuốn tài liệu hình ảnh được xuất bản thuộc bộ tài liệu "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam", được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, tái bản trong những năm qua.
![]() |
Buổi giới thiệu tài liệu "Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ" - https://suckhoeviet.org.vn/ |
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, tài liệu cung cấp các chiến lược thực tế, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh văn hóa Việt Nam, giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ khi trẻ có hành vi không phù hợp. Những kiến thức này được cung cấp dưới dạng các tình huống thực tế mà nhóm chuyên gia đã hỗ trợ thành công nên khả thi để cha mẹ thực hành hàng ngày.
Tài liệu dày 115 trang với 2.000 bản in để trao tặng các trung tâm can thiệp rối loạn phổ tự kỷ và các phụ huynh có con là trẻ tự kỷ. Đặc biệt, trong tài liệu có nhiều kiến thức, kỹ năng, hành vi được minh họa bằng hình ảnh nên rất dễ hiểu đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và những người quan tâm khác.
Tài liệu cũng được trình bày theo các phần, được sắp xếp theo một trình tự logic giúp cha mẹ hiểu, chuẩn bị tâm lý bình tĩnh khi con có hành vi không phù hợp, quan sát trẻ để tìm được chức năng hành vi, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp dựa trên chức năng của hành vi theo các chiến lược có bằng chứng khoa học.
Theo thông tin từ ban soạn thảo, tài liệu "Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ" là một hoạt động nằm trong dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" thực hiện từ năm 2018 tới nay. Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ nhanh chóng hòa nhập xã hội và phát triển tốt hơn khi có sự thấu hiểu của cộng đồng.
Dự án đã góp phần đào tạo nâng cao năng lực cho 100 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và giới thiệu trẻ em tự kỷ; phổ biến kiến thức cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tự kỷ; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam. Trên 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.