Hà Nội thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2030
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 162/KH-UBND ngày 28/5/2024 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2030.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2030 của UBND thành phố Hà Nội nhằm triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm củng cố kiện toàn hệ thống Chương trình chống lao tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh lao.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh lao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời, củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thông cơ sở phòng, chống bệnh lao trên địa bàn. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng.
![]() |
Người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm bệnh lao. (Ảnh minh họa) - https://suckhoeviet.org.vn/ |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân. Giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 2 người/100.000 người dân. Giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh Lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Hướng tới mục tiêu để người dân Hà Nội được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Kế hoạch nêu các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu về: cơ chế chính sách, truyền thông giáo dục sức khỏe, hoạt động chuyên môn, kỹ thuật: hoạt động phát hiện và chẩn đoán sớm người bệnh lao; quản lý điều trị hiệu quả bệnh nhân lao; dự phòng lao tiềm ẩn; hoạt động xét nghiệm vi khuẩn lao, các hoạt động trên đối tượng đặc thù: lao/HIV, lao kháng thuốc, lao trẻ em, quản lý bệnh lao trong các mô hình đặc biệt (phòng chống lao tại các khu vực đông người: trại tạm giam, trại giáo dưỡng, các trung tâm bảo trợ…); các hoạt động hợp tác; cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật; nhân lực và tổ chức mạng lưới; kiểm tra, giám sát.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan thường trực tham mưu, chủ trì phối hợp các Sở, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò hoạt động phòng chống lao. Cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các ngành, đoàn thể.
Đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, các bệnh viện thành phố và bệnh viện huyện có tham gia khám chữa bệnh lao, trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công tác chống lao. Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao thành phố Hà Nội đến năm 2030 đến các đơn vị. Hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn.
Đôn đốc các quận huyện triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao thành phố Hà Nội đến năm 2030 tại địa phương và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện với UBND thành phố. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư Nhà nước, địa phương và các nguồn tài trợ.
Cung cấp thông tin về hoạt động triển khai và kết quả thực hiện cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và cơ quan báo chí; đồng thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tuyên truyền.