Thái Nguyên: Gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã trở thành phong trào rộng khắp thu hút sự tham gia của toàn xã hội với những giải pháp hay, sáng tạo. Đặc biệt, Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng...
![]() |
Thái Nguyên có nhiều sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP với chất lượng thơm ngon. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, xác định việc phát triển các sản phẩm OCOP được tỉnh Thái Nguyên xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động ban hành các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm...
Là vùng đất có tiềm năng du lịch, hội tụ nhiều di sản văn hóa, với 277 làng nghề, làng nghề truyền thống và 240 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tỉnh Thái Nguyên đã gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Điển hình, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng trên địa bàn xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ mô hình thí điểm “Mô hình xã nông thôn mới thông minh Tức Tranh” và “Mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên”.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên năm 2024; kế hoạch hỗ trợ kinh phí xây dựng Website sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm tham gia vào chu trình OCOP; kế hoạch Hỗ trợ biển hiệu cho các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã năm 2024; đề nghị các huyện nộp hồ sơ hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2023;
Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những tháng cuối năm, Thái nguyên tiếp tục tổ chức kiểm tra tiến độ, kết quả và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới năm 2024 theo kế hoạch đã xây dựng. Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2024; triển khai kế hoạch tập huấn bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới và người dân, tổ chức Hội thảo, sơ kết đánh giá hiệu quả bước đầu của Dự án liên kết chuỗi giá trị từ nguồn vốn xây nông thôn mới năm 2023, 2024; phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.