Tình hình tài chính tại Mcredit đang dần cải thiện?
Trong 4 năm (2019-2022), lợi nhuận sau thuế tại Mcredit duy trì trên mức 200 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, tình hình tài chính tại Mcredit đang cải thiện khá nhiều khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm nhanh.
Được thành lập từ năm 2016, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (thuộc MB Group) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản).
Sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ và hệ sinh thái các công ty có liên quan với Tập đoàn MB là những lợi thế tạo nên sức bật cho Mcredit ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Việc nằm trong hệ sinh thái của MB đã mang lại cho Mcredit những lợi thế về chi phí vốn và mạng lưới bán hàng rộng lớn.
![]() |
Trong 4 năm (2019-2022), lợi nhuận sau thuế tại Mcredit duy trì trên mức 200 tỷ đồng mỗi năm, điển hình năm 2022 lên tới gần 1.000 tỷ đồng (đạt Top 2 về lợi nhuận, chỉ thua Home Credit). Nhờ tăng trưởng trong những năm qua, Mcredit đã đạt Top 3 thị trường về dư nợ cho vay. Theo báo cáo tài chính của MB, dư nợ cho vay của Mcredit cuối năm 2022 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.
Năm 2023, lợi nhuận tại Mcredit giảm so với năm trước nhưng vẫn duy trì trên mức 200 tỷ đồng, đó là tình trạng khó khăn chung của thị trường, nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng giảm do mất việc, hoãn việc, giãn việc. Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Mcredit đã thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, giãn nợ… để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng. Với tinh thần cho vay nhân văn và thu hồi nợ nhân văn, Mcredit chủ động liên hệ để lắng nghe ý kiến từ khách hàng, chia sẻ khó khăn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại số tiền trả nợ, miễn giảm trong giai đoạn khách hàng gặp khó khăn. Số tiền lãi miễn giảm trong năm 2023 của Mcredit là rất lớn.
Do lợi nhuận năm 2023 giảm sâu khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Mcredit từ 40,65% tụt xuống còn 8,2%. Đặc biệt, tuy lợi nhuận giảm song tình hình tài chính tại Mcredit cải thiện khá nhiều.
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Mcredit đạt 3.008 tỷ đồng, tăng so với mức 2.827 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 6,65 lần (năm 2022 là 8,59 lần), tương ứng nợ phải trả hơn 20.900 tỷ đồng; còn dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm xuống còn 0,43 lần (năm 2022 là 0,97 lần), ứng với dư nợ trái phiếu còn khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện Mcredit còn lưu hành 2 lô trái phiếu gồm: lô trái phiếu MSFCLH2224004 có giá trị 500 tỷ đồng, sắp đáo hạn vào ngày 11/07/2024 tới đây và lô trái phiếu mã MSFCLH2225002, có giá trị 300 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 29/04/2025. Cả 2 lô trái phiếu trên có lãi suất 6,7%/năm. Ngày 6/6 vừa qua, lô trái phiếu mã MSFCLH2224003 có giá trị 100 tỷ đồng vừa đến kỳ đáo hạn.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của ngân hàng MB, bà Vũ Thị Hải Phượng - Phó Chủ tịch HĐQT MB, đồng thời là Chủ tịch HĐTV Mcredit từng có chia sẻ về chiến lược thu hồi nợ của Mcredit trong bối cảnh nhiều công ty tài chính thời gian qua bị cơ quan chức năng điều tra do vi phạm pháp luật trong khi đòi nợ.
Theo bà Phượng, thu hồi nợ xấu sẽ là công việc ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chất lượng xử lý nợ của Công ty. Mcredit dưới sự chỉ đạo của MB đã chuyển đổi chiến lược thu hồi nợ thành "thu hồi nợ nhân văn" , củng cố năng lực, thu hồi nợ bằng chính các nhân sự của Mcredit. Từ 100 nhân sự thu hồi nợ, giờ đây Mcredit đã nâng con số này lên trên 1,000, trong đó 400 là nhân sự của công ty và 600 là cộng tác viên.
Với “thu hồi nợ nhân văn”, mục tiêu của Mcredit là xây dựng hệ thống tư vấn cho khách hàng thực hiện việc “có vay - có trả"” và xây dựng “tín nhiệm cá nhân” để có cơ hội tiếp cận tài chính tương lai và phát triển bền vững.