Quy định cụ thể về kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đề xuất quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống, được phép kinh doanh thêm trên thương mại điện tử.
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế Sửa đổi Luật Dược: Cần kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc |
Liên quan đến một số quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên Internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo phương thức truyền thống, được phép kinh doanh thêm trên thương mại điện tử.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
![]() |
Quy định cụ thể về kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử. Ảnh minh họa/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây không phải quy định mới trong dự thảo Luật lần này mà đã được quy định trong Luật Dược năm 2016. Tuy nhiên, trong Luật Dược năm 2016 chưa có điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này.
Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi cùng…
Lý giải xung quanh quy định này, TS. Dược sĩ Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay: “Đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một là phương thức bán hàng mới, được thực hiện song song với bán hàng truyền thống. Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ các quy định chung. Ta dễ dàng có thể nhận thấy, phương thức kinh doanh mới này có nhiều tác động đến hình thức bán lẻ hơn là bán buôn do có liên quan đến việc tương tác với khách hàng”.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, trách nhiệm của cơ sở bán lẻ thuốc là phải cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.
Liên quan đến vấn đề quảng cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thuốc kê đơn không được quảng cáo; thuốc không kê đơn được quảng cáo và phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó.
Vì vậy, chúng ta có thêm một hoạt động nữa là xác nhận nội dung quảng cáo, dẫn đến phát sinh thêm 1 thủ tục hành chính. Trong khi đó, Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, phải rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính này. Còn nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp, bảo đảm theo quy định, chứ không phải "muốn đưa nội dung gì cũng được".
Về oxy y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, quan điểm về quản lý oxy y tế hiện nay có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, đưa oxy y tế vào lĩnh vực trang thiết bị và đề nghị đưa vào Luật Trang thiết bị để xây dựng trong thời gian tới. Thứ hai, coi oxy y tế là thuốc và đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo Bộ trưởng, việc quản lý oxy y tế phải có sự chỉ định của bác sĩ với liều lượng nhất định. Vì vậy, Ban soạn thảo đã đề xuất việc quản lý oxy y tế vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, để có căn cứ hướng dẫn, nhằm minh bạch trong quản lý cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ oxy y tế.
Liên quan đến giá thuốc, Bộ trưởng thông tin, vấn đề này đã quy định trong Luật Dược 2016. Thực tế, trong thời gian vừa qua, giá thuốc ở nước ta rất thấp so với CPI hằng năm và được Đông Nam Á đánh giá có giá thuốc tăng thấp nhất.