Tháng 7 – tháng của sự tri ân, của lòng biết ơn một thời xa vắng
SKV - Mỗi độ tháng 7 về, khi mùa hạ đem theo cái nắng oi ả dội lên từng tấc đất Việt Nam, mỗi người dân lại không khỏi xúc động, nhớ về những ngày lịch sử, những năm tháng mà cha anh ta đã chiến đấu, hi sinh để cho chúng ta một nền độc lập như hôm nay. Nhắc tới sự hi sinh đó, Quảng Trị - vùng đất của chiến tranh và khát vọng, nơi bom đạn của quân thù giày xéo hàng trăm ngàn lần đã ghi lại công ơn của biết bao anh hùng liệt sĩ trong đó có chị Lê Thị Tuyết.
Người con gái anh hùng
![]() |
Phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Tuyết |
Chị Lê Thị Tuyết, sinh năm 1949 ở thôn Duân Kinh (xã Hải Xuân, H.Hải Lăng). Bố chị là ông Lê Quang Chư cũng là liệt sĩ thời chống Pháp. Mang trong mình dòng máu kiên trung như cha, chưa đến tuổi cập kê chị đã thoát ly theo cách mạng. Chị từng tham gia hoạt động hợp pháp, bất hợp pháp cùng anh em cán bộ xây dựng cơ sở bí mật móc nối đường dây liên lạc nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Đến khoảng 1967, chị Tuyết là y tá của huyện đội Hải Lăng. Ngày ấy, dấu chân chị in khắp rú Thi Ông và những vùng trằm lầy lội bên dòng Vĩnh Định, chăm lo cho các thương binh sau những cuộc nổ súng.
Cho đến tháng 7/1968, chị Tuyết bị địch bắt. Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn rùng mình trước sự tra tấn của giặc dành cho người y tá kiên trung này. Chúng đã trói chị vào gốc mít rồi lần lượt xẻo tai, cắt vú, mổ bụng moi gan nhưng chị Tuyết vẫn như đá sỏi, không chịu hé một lời. Mười tên lính ngụy đã ăn một phần thi thể chị Tuyết ngay trước mặt bà Huê, ngay bên sông Vĩnh Định còn loang bọt xà phòng ớt phồng rộp giữa vạt bùn oằn xéo.
Trời chiều chưa tắt nắng, để con sông chứng kiến hết gian truân một ngày của một con người nguyện đánh đổi từng giọt máu tuổi 19 để hoàn thành bổn phận cả đời. Chị ở đó, 2 ngày 2 đêm, chỉ cách nhà mẹ đẻ vài trăm mét. Sang ngày thứ 3 sau khi bọn lính rút đi, bà con láng giềng buộc củi kéo quanh đầu chị để đề phòng bọn chúng gài lựu đạn rồi mới dám đào thi hài chị đưa đi mai táng. Đến gần 3 ngày sau khi chị hy sinh, khi bọn lính rút đi, người thân và dân làng mới có thể đưa thi thể chị về mai táng.
“Có những cái chết đã trở thành bất tử”
Chị đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng ở lứa tuổi 20, máu xương của chị và các anh hùng, liệt sỹ đã hoá thành hồn thiêng sông núi. Cái chết của chị đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Có những cái chết đã trở thành bất tử”. Sau cái chết của chị, khắp nơi trong vùng đã phát động phong trào “Học tập và noi theo gương anh dũng Lê Thị Tuyết”. Sự hy sinh của chị đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân một ý niệm sâu sắc và tinh thần dũng cảm tuyệt vời, một ý chí kiên cường bất khuất trước quân thù, lòng thủy chung, son sắt, giữ trọn lời thề danh dự với đồng chí, đồng đội “Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai”.
![]() |
Công lao của chị luôn sống mãi trong lòng Tổ quốc, nhân dân |
Tấm gương hy sinh của chị Lê Thị Tuyết đã tạo nên “cơn địa chấn” khích lệ, cổ vũ cho quân dân huyện Hải Lăng như được tăng thêm sức mạnh, sôi sục vùng lên lập những chiến công rực rỡ trong bám trụ địa bàn, tiếp tục anh dũng chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Để ghi nhận sự hy sinh anh dũng và những đóng góp của chị, ngày 23 tháng 7 năm 1997, chị Lê Thị Tuyết được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngàn đời nhớ ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ
Chiến tranh đã đi qua gần nữa thế kỉ, thời gian có thể đã phần nào phủ mờ quá khứ, đẩy những năm tháng lịch sử ấy chỉ còn là vang bóng một thời nhưng trong tiềm thức của mỗi người con Quảng trị sẽ không thể nào quên được hình ảnh người con gái anh hùng Lê Thị Tuyết.
Thế hệ trẻ hôm nay lớn lên trong thời bình, chỉ còn nghe thấy chiến tranh qua lời kể của những người đi trước, thì tuổi 20 với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ấy vẫn hừng hực cháy lên vẫn để lại trong ta biết bao nỗi niềm khôn nguôi.
Biết ơn, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đời mình vì độc lập của dân tộc, việc quan tâm, gìn giữ, cải tạo mộ phần cho họ là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, chính quyền và thế hệ đời sau bởi đó là nghĩa cử cao đẹp, là truyền thống uống nước nhớ nguồn cần phát huy, nhân rộng tới muôn đời sau. Gần đây, Đoàn phật tử do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn cùng tu sửa đài tưởng niệm, khu mộ (hoàn thành đầu tháng 6/2024) và dâng hương lễ Liệt sĩ Anh Hùng Lê Thị Tuyết - xã Hải Lăng - Tỉnh Quảng trị.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đại diện dâng hương và bày tỏ cảm xúc trước Liệt sĩ Anh Hùng Lê Thị Tuyết |
![]() |
Đoàn phật tử cùng tu sửa đài tưởng niệm, khu mộ |
Thời gian càng qua đi, những kí ức sẽ càng phai dần nhưng thế hệ đời sau sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm mình những người thanh niên năm ấy đã hi sinh cả đời mình để cho chúng ta cho được cuộc đời hôm nay. Bằng những hành động nhỏ nhất như thắp một nén hương tưởng nhớ về họ trong dịp 27/7, hãy thực hiện bằng tất cả sự chân thành, biết ơn và lòng kính trọng vô bờ.
Phạm Chung
https://suckhoeviet.org.vn/