Kon Tum: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
SKV - UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Công văn số 2342/UBND-HTKT về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và đã đạt được kết quả tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) từ đầu năm đến nay có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Theo đó, từ ngày 15 tháng 12 năm 2023 đến ngày 14 tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ TNGT, làm 61 người chết, 58 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2023, tăng cả 03 tiêu chí (tăng 27 vụ, tăng 12 người chết, tăng 18 người bị thương).
Nổi lên là tình hình TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao: 46 vụ (chiếm 56,80%), 40 người chết (chiếm 65,57%), 27 người bị thương (chiếm 46,55%). Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT (hệ thống đường giao thông, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, công tác quản lý nhà nước về TTATGT…) chưa thực sự vững chắc để đảm bảo cho mục tiêu kiềm chế TNGT một cách bền vững, lâu dài.
![]() |
Lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát các phương tiện do lứa tuổi học sinh điều khiển. Ảnh: Trang TTĐT Công an tỉnh Kon Tum. |
Để chủ động trong công tác bảo đảm TTATGT; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả, sát với tình hình thực tế từng đơn vị, địa phương nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới và bảo đảm TTATGT trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch hè, mùa mưa bão năm 2024, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương phải nhận thức, nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT đã đề ra từ những tháng đầu năm 2024; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố cần tập trung: đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội; kết hợp với nhà mạng viễn thông, tuyên truyền qua tin nhắn, trên các bảng điện tử khuyến cáo người tham gia giao thông chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT; lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp vận tải... tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT từ tỉnh đến cơ sở.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, gửi văn bản triển khai thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 12 tháng 7 năm 2024. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện của các đơn vị, địa phương; định kỳ theo quy định hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.