Hà Nội phát hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết
SKV - Trong những ngày qua, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh tại Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại về sự bùng phát của dịch. Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường, nhiều giải pháp can thiệp đã được ngành Y tế thành phố và các đơn vị liên quan triển khai.
![]() |
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh tại Hà Nội |
Ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 5/7 đến ngày 12/7, toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, từ ngày 5/7 đến ngày 12/7, Hà Nội còn ghi nhận thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 06 quận, huyện, bao gồm: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 30 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện nêu trên. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyên môn của CDC Hà Nội, các địa phương đã tổ chức 24 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng, chống dịch tại 77.462 hộ gia đình và 499 khu vực khác (trường học, công cộng…); xử lý gần 11.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế, thực hiện báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống.
Sở Y tế thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao. Riêng đối với UBND huyện Đan Phượng, tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch không để ổ dịch kéo dài lan rộng trên địa bàn.
Nguy cơ lan rộng và những cảnh báo phòng ngừa
Thủ đô Hà Nội với mật độ dân số cao cùng tình trạng thiếu nước sạch, nhà thuê trọ tràn lan, các công trình xây dựng dang dở... ít nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi trú ngụ, phát triển, trở thành mối nguy hiện hữu cho tình trạng dịch bệnh hoành hành. Do đó, để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chủ động diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mội người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, tránh tình trạng khi các đoàn công tác của cơ quan y tế đến khoanh vùng, xử lí ổ dịch thì các hộ vắng mặt, hoặc có mặt ở nhà nhưng không hợp tác, ngăn cản không có cán bộ dịch tễ vào diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết với lí do như "Sợ phun hóa chất sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe những người trong gia đình”...
Trong thời gian cao điểm của dịch, những người có triệu chứng sốt cao nghi mắc sốt xuất huyết cần phải khai báo ngay với chính quyền địa phương để được khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời. Mặt khác, phải chủ động đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt là không tự ý điều trị tại nhà.
Diễn biến lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn sốt, bệnh nhân sẽ bị sốt cao đột ngột, liên tục; Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; Da xung huyết.; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt (Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam)… Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Song sẽ có các hiện tượng nguy hiểm sau: Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau; Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít...Giai đoạn hồi phục, sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.
Điều trị sốt xuất huyết như thế nào?
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Bạn có thể điều trị triệu chứng nếu sốt cao ≥ 39 độ C: cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Lưu ý không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bạn có thể bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …) hoặc nước cháo loãng với muối. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa người bệnh nhập viện điều trị.
Phạm Thủy
https://suckhoeviet.org.vn/