SeABank lãi "khủng", sắp trả cổ tức tỷ lệ 14%
Trong quý II/2024, lãi trước thuế của SeABank đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, SeABank lãi trước thuế 3.238 tỷ đồng, tăng 61%. Ngoài ra, ngân hàng này cũng chuẩn bị trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ gần 14%.
Quý II, lợi nhuận của SeABank tăng 83% so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, riêng quý II/2024, thu nhập lãi thuần tăng 82% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.741 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh như lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt hơn 303 tỷ đồng, tăng cấp 9,2 lần so với cùng kỳ 2023; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ, đạt gần 99 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 39 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 lãi hơn 67 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 22% xuống còn 191 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác giảm tới 91% so với cùng kỳ, đạt gần 8 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần trong quý II/2024 tăng tới 114%, đạt gần 2.356 tỷ đồng. Trong quý, Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro cao gấp 4 lần so với cùng kỳ, lên hơn 623 tỷ đồng. Dù tăng mạnh chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế tại SeABank đạt hơn 1.732 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 1.382 tỷ đồng, đều tăng tới 83% so với cùng kỳ.
![]() |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận thuần tại SeABank đạt gần 4.151 tỷ đồng, tăng 64%. SeABank dành ra hơn 912 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tăng tới 76% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế còn hơn 3.238 tỷ đồng và hơn 2.583 tỷ đồng lãi sau thuế, đều tăng 61% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Các chỉ số về hiệu quả hoạt động đều có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như ROE ở mức 16,38% và ROA đạt 1,88%. Nhờ việc linh hoạt chuyển hướng kinh doanh, tập trung vào công nghệ số và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, 6 tháng đầu năm 2024 SeABank tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định so với cùng kỳ năm 2023.
Nợ xấu cải thiện, tổng tài sản tại SeABank đạt gần 280.658
Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản tại SeABank đạt gần 280.658 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng của SeABank đạt 185.959 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của SeABank tăng 5% so với đầu năm, lên hơn 247.889 tỷ đồng, chiếm phần lớn là 149.453 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng và hơn 80.855 tỷ đồng tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác.
Đặc biệt, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại SeABank tăng mạnh lên 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,4% tổng huy động.
Điểm đáng lưu ý chính là chất lượng tài sản tại SeABank. Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng nợ xấu tại SeABank ghi nhận gần 3.551 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,94% đầu năm xuống 1,91%.
Xét về cơ cấu các nhóm nợ xấu tại nhà băng này, cho thấy, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đều có xu hướng giảm lần lượt 8% và 13% so với đầu năm, ghi nhận hơn 353 tỷ đồng và gần 755 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.442 tỷ đồng, chiếm tới 69% tổng nợ xấu.
![]() |
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại SeABank (nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024). |
Hiện tại, SeABank cũng đang triển khai phương án phát hành 329 triệu cổ phiểu để trả cổ tức năm 2023, phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tương đương tổng tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông gần 14%, qua đó tăng vốn điều lệ Ngân hàng từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng.