Học phí khối ngành y dược điều chỉnh như thế nào trong năm học 2024-2025?
Từ năm học 2023 - 2024, các trường đại học (ĐH) thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 và Nghị định 97 của chính phủ nên học phí cao hơn so với thời điểm trước. Trong đó, nhóm ngành y dược có mức học phí cao nhất, cùng với việc các trường ĐH được tự chủ, ở các trường công lập, sinh viên học Y khoa có khi phải nộp học phí đến gần 10 triệu đồng/tháng.
Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền |
Nhiều trường công bố tăng học phí
Học phí Trường ĐH Y Hà Nội năm học 2024 - 2025 ngành Y học Cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Y khoa học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; một số ngành khác có học phí là 41,8 triệu đồng/năm học/sinh viên. Thấp hơn là ngành Y học dự phòng 27,6 triệu đồng/năm học/sinh viên, ngành Y tế Công cộng, Dinh dưỡng có học phí là 20,9 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Tâm lí học thu học phí thấp nhất, 15 triệu đồng/năm học/sinh viên.
![]() |
Ảnh minh họa. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Năm học tới, ngành Răng - Hàm - Mặt Trường ĐH Y Dược TP HCM có mức thu cao nhất lên đến 84,7 triệu đồng/năm học/sinh viên; ngành Y khoa là 82,2 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Ngành Răng - Hàm - Mặt Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thu học phí cao nhất 183 triệu đồng/năm học/sinh viên. Tại Trường đại học Văn Lang, học phí ngành Y khoa học phí dự kiến 169,6 triệu đồng/năm học/sinh viên và ngành Răng - Hàm - Mặt học phí dự kiến 211,6 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Răng - Hàm - Mặt; Y Khoa của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2024 là 180 triệu đồng/năm học/sinh viên đối với chương trình cử nhân và 220 triệu đồng/năm học/sinh viên đối với chương trình tiếng Anh.
Mức học phí được các trường thông báo sẽ điều chỉnh tăng hằng năm từ 8% - 10% theo quy định.
Học phí ngành Y khoa năm học 2024-2025 của 24 trường như sau:
TT | Trường | Học phí năm học 2024-2025 (đơn vị: triệu đồng) |
1 | Đại học Y Hà Nội | 55,2 |
2 | Đại học Y Dược TP HCM | 82,2 |
3 | Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội | 55 |
4 | Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam | 27,6 |
5 | Đại học Y Dược Hải Phòng | 45 |
6 | Đại học Y Dược Thái Bình | 41,3 |
7 | Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương | 38,64 |
8 | Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng | 27,6 |
9 | Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng | 31,1 |
10 | Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch | 55,2 |
11 | Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM | 60 |
12 | Đại học Y Dược Cần Thơ | 49,15 |
13 | Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An) | 31 |
14 | Đại học Tây Nguyên (Đăk Lăk) | 27,6 |
15 | Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) | 60 |
16 | Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội | 66,28 |
17 | Đại học Phenikaa (Hà Nội) | 90 |
18 | Đại học Đại Nam (Hà Nội) | 96 |
19 | Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) | 152 |
20 | Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) | 210 |
21 | Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) | 61,5 |
22 | Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) | 80 |
23 | Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) | 94,4 |
24 | Đại học Văn Lang (TP HCM) | 160-200 (chưa tính kỳ hè) |
Làm sao thu hút nhân tài?
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhìn nhận y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Đối với y tế, Việt Nam mới chỉ nói đến vấn đề về quá tải các bệnh viện hay là tình trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp. Thỉnh thoảng có đề cập đến vấn đề tình trạng thiếu bác sĩ cục bộ ở 1 số địa phương hay là 1 số các cơ sở y tế công lập.
Để có 1 bác sĩ đa khoa, mất 6 năm đào tạo tại trường ĐH sau đó là thêm 18 tháng thực hành tại bệnh viện. Trong khi đó hiện nay, trường ĐH nói chung, các trường ĐH Y Dược nói riêng hầu hết là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy chế tự chủ, học phí cao cộng thêm với thời gian đào tạo dài nhất nên đây là gánh nặng và cũng là nỗi lo đối với những học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn có mong muốn được trở thành bác sĩ.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, chi phí đào tạo tăng không phải là yếu tố chủ quan mà là do chính sách tự chủ tài chính các trường đang triển khai. Học phí học ngành y trên thực tế đang cao hơn so với một số ngành khác. “Đây không phải là vấn đề lạ bởi ở nhiều quốc gia trên thế giới mức học phí của ngành y cũng cao hơn các ngành học khác”, ông Thượng cho hay.
Theo ông Thượng, học phí tăng nhưng vẫn đang tạo ra được sức hấp dẫn của ngành y đối với cộng đồng và người theo học, qua thực tiễn các trường tự chủ tài chính, số lượng người đăng ký học ngành y vẫn rất đông. Điều này cho thấy nhu cầu muốn được tham gia ngành y, dấn thân của người học vẫn rất lớn, nhiều gia đình vẫn có đủ khả năng cho con theo học.
Để hỗ trợ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa hiện nay Bộ Y tế đang có chính sách duy trì đào tạo theo địa điểm. Để hỗ trợ sinh viên y khoa ngay trong quá trình đào tạo, ngành y tế TP HCM đang xây dựng đề án “Tài năng trẻ của ngành y tế” trong đó có các phương án hỗ trợ cho bác sĩ nội trú, bác sĩ học xong chương trình đào tạo 6 năm sau đó thi vào nội trú. Sở Y tế sẽ trình lên lãnh đạo TP HCM để xem xét cơ chế phù hợp nhằm thu hút bác sĩ.
Hiện nay, ngành y tế đang triển khai chương trình thí điểm đưa bác sĩ về thực hành tại các bệnh viện đa khoa gắn liền với trạm y tế. Ngoài việc được trải nghiệm thực tiễn, gắn liền với cộng đồng, các bác sĩ sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí trong quá trình thực hành. Giải pháp này không chỉ giảm bớt áp lực về tài chính cho các bác sĩ mới ra trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành y.