Đức tặng 100.000 liều vaccine đậu mùa khỉ cho các nước châu Phi
Chính phủ Đức sẽ tặng 100.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) từ kho dự trữ quân sự để hỗ trợ các nước châu Phi khống chế sự bùng phát dịch bệnh này.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm nay ở châu Phi có gì khác? WHO khởi động kế hoạch chiến lược toàn cầu kiềm chế bệnh đậu mùa khỉ |
Người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết nước này sẽ cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các nguồn tài chính linh hoạt thông qua nhiều công cụ khác nhau để đối phó với bệnh mpox, cũng như hỗ trợ các đối tác của mình tại châu Phi thông qua Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI).
![]() |
Đức tặng 100.000 liều vaccine đậu mùa khỉ cho các nước châu Phi. Ảnh minh họa. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Đức có khoảng 117.000 liều vaccine Jynneos, đang được quân đội dự trữ sau khi chính phủ nước này mua vào năm 2022. Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng cho biết họ sẽ giữ một lượng tối thiểu để bảo vệ các quan chức đi công tác. Theo quan chức này, cần phải đưa ra quyết định riêng khi đặt hàng lại vaccine.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người. Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Kế hoạch này nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Mpox là bệnh do virus lây lan qua tiếp xúc gần và thường biểu hiện nhẹ, nhưng có thể gây tử vong. WHO ngày 14/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh mpox bùng phát ở các nước châu Phi. Hiện mpox đang lây lan ở CHDC Congo và các nước láng giềng với chủng đặc hữu Clade 1 và một biến thể mới được gọi là Clade 1b gây quan ngại toàn cầu do có khả năng dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. |