Ngành y dược đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững
Ngày 25/9, hội thảo "Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược" diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do báo Đầu tư tổ chức.
Hội thảo đã tạo diễn đàn mở trao đổi những góc nhìn, phân tích khách quan về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành y dược Việt Nam; các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành y dược trong giai đoạn mới, những động lực mới, vai trò của các bên liên quan, cũng như những bài học kinh nghiệm từ các nước.
![]() |
Ảnh minh họa - https://suckhoeviet.org.vn/ |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, năm 2024 là một năm then chốt của ngành y tế với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng nhằm định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới đây, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế. Bộ Y tế xác định, trong những năm của nhiệm kỳ này, khối lượng công việc rất lớn, bao gồm việc sửa đổi, bổ sung 3 luật. Đó là Luật Khám chữa bệnh sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, dự thảo Luật Dược sửa đổi Luật Dược năm 2016. Trong đó, 2 dự thảo Luật về Bảo hiểm y tế và Dược dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.
Đây là 3 luật cốt lõi nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân toàn diện, đặc biệt để người dân được tiếp cận sớm với thuốc tốt, thuốc mới và giá phù hợp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế kỳ vọng, nếu được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Dược sửa đổi sẽ góp phần định hướng thu hút đầu tư các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
Về thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu làm thuốc mà với hóa dược, Việt Nam đang nhập khẩu 80%. Tuy nhiên, chúng ta có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu, nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy cũng đạt chuẩn quốc tế. Nguồn nhân lực, con người trong ngành sản xuất thuốc cũng rất sẵn sàng.
Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, ngành dược phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên cả 3 lĩnh vực, đó là nâng cấp cơ sở sản xuất và dây chuyền; đổi mới sáng tạo trong sản xuất ứng dụng công nghệ trong thử nghiệm lâm sàng và phải đổi mới sáng tạo việc cung ứng, sử dụng thuốc và các sinh vật.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân, tăng cường khả năng chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.
Song để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.