Đắk Lắk: Đặc sắc chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm vũ điệu Ban Mê
SKV- Tối 19/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp cùng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Mốt tổ chức Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm mang tên “Vũ điệu Ban Mê”. Chương trình diễn ra trong khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại, thành phố Buôn Ma Thuột, dưới không gian huyền ảo, kỳ bí, đầy màu sắc và âm thanh kết hợp với chương trình nghệ thuật và trình diễn thời trang qua các bộ sưu tập thời trang thời thượng kết hợp với thổ cẩm các dân tộc như: Ê Đê, Bana, Jarai… do nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh thực hiện.
Phát biểu khai mạc chương trình "Vũ điệu Ban Mê", ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Trưởng ban Tổ chức, chia sẻ nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cũng như bảo tồn trang phục và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống mang tên "Vũ điệu Ban Mê." Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển, và 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp tái hiện các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, làm gốm và các nghi lễ linh thiêng, huyền bí của đồng bào dân tộc Ê Đê giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đưa khán giả như trở về thời kỳ xa xưa của đồng bào Tây Nguyên.
![]() | ||||
|
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là nét văn hoá không thể thiếu của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là cách để tạo ra những món đồ dùng hằng ngày mà còn thể hiện sự sáng tạo và nghệ thuật tạo hình tinh tế, chứa đựng cả tâm hồn của họ và là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.
Thổ cẩm Tây Nguyên mang trong mình vẻ đẹp tinh tế đầy sức hút và đặc trưng của đồng bào các dân tộc, phản ánh sự gắn kết cực kỳ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Mỗi sản phẩm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo của những người nghệ nhân,không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.
Thành phố Buôn Ma Thuột là nơi hội tụ nét văn hóa độc đáo của hơn 40 dân tộc anh em, với nhiều di sản văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể. Thông qua chương trình với sắc màu thổ cẩm các dân tộc ở thành phố Buôn Ma Thuột kết hợp các trang phục thời trang thời thượng khác một cách khéo léo, tinh tế, vừa tạo sự hòa nhập văn hóa giữa các dân tộc, vừa góp phần gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, quảng bá trang phục truyền thống và xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là cơ hội để giới trẻ, người dân địa phương và du khách có thể hiểu hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc của các dân tộc thiểu số địa phương.
![]() |
ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Trưởng ban Tổ chức lễ hội tặng hoa chúc mừng các nghệ nhân. |
![]() |
Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, uỷ ban nhân dân TP Buôn Ma Thuột chụp hình lưu niệm cùng với các nghệ nhân trong Lễ hội. |