Phát triển tiềm năng dược liệu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam
Hội Đông y tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo chuyên đề báo cáo kết quả khảo sát dược liệu và đề xuất một số giải pháp về khai thác, chế biến, bảo quản dược liệu nhằm phát triển tiềm năng dược liệu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.
Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 9.610ha cây dược liệu, phần lớn tập trung ở huyện miền núi với các loài cây đặc trưng như sâm Ngọc Linh, ba kích, sa nhân, giảo cổ lam, đinh lăng, quế, hoàng đằng, hà thủ ô… Nguồn dược liệu phong phú không chỉ được sử dụng trong chữa bệnh mà còn từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Trong năm 2024, Hội Đông y tỉnh Quảng Nam khảo sát điều tra cây dược liệu tại 6 huyện miền núi gồm Nam Giang, Đông Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước. Qua chuyến khảo sát, đoàn đã ghi nhận 81 cây dược liệu hiện có tại địa phương, hầu hết đều phát triển tự nhiên. Bên cạnh đó, đoàn cũng phát hiện hơn 20 cây dược liệu tự nhiên được người dân và lương y di thực về trồng tại nhà để làm thuốc chữa bệnh.
![]() |
Quảng Nam có tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu - https://suckhoeviet.org.vn/ |
Đoàn khảo sát nhận định, trữ lượng cây dược liệu hiện có tại 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam còn thấp, phát triển không đồng đều, một số cây gần cạn kiệt do khai thác rừng và do người dân hái thuốc nhiều. Do đó cần quan tâm đến việc nuôi trồng, bảo tồn phát triển các giống dược liệu. Đặc biệt, cần hoạch định chiến lược đưa cây dược liệu trở thành hàng hóa trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Tại hội thảo, đại diện Hội Đông y các địa phương đã trình bày tham luận về bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm trên địa bàn huyện Nam Giang; nghiên cứu bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu chủ lực, tạo ra sản phẩm có giá trị và dược liệu chủ lực tại huyện Hiệp Đức; mô hình phát triển cây dược liệu vùng Tiên Phước…
Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển tiềm năng dược liệu ở miền núi Quảng Nam như ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu, bảo tồn, phát triển quy mô lớn, xây dựng chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khai thác bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên dược liệu, tránh khai thác bừa bãi; liên kết doanh nghiệp để tạo nguồn dược liệu ổn định cho sản xuất…