Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững
SKV - Ngày 28/10 tại Hà Nội, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích (PCTNTT) với chủ đề: “Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững”.
Hội nghị có sự tham dự của gần 200 đại biểu là các nhà lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu hàng đầu đến từ các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đang tham gia trong lĩnh vực PCTNTT, cùng với các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO Geneva), Trường Đại học Johns Hopkins, và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam.
![]() |
Hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia hội nghị. suckhoeviet.org.vn |
Tại hội nghị khoa học lần này, 32 báo cáo khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã được trình bày trong phiên toàn thể và 04 phiên chuyên đề, tập trung vào:
(1) Phòng chống thương tích do giao thông đường bộ;
(2) Sơ cấp cứu và phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích;
(3) Phòng chống đuối nước và các tai nạn thương tích trẻ em;
(4) PCTNTT khác tại cộng đồng.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu khai mạc hội nghị. www.suckhoeviet.org.vn |
Tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tổn thất lớn về người và tài sản của xã hội. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 4,4 triệu người tử vong vì tai nạn thương tích, chiếm gần 8% tổng số tử vong toàn cầu. Các nguyên nhân chính bao gồm tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, và bạo lực. Tình trạng này không chỉ gây ra mất mát lớn về sinh mạng mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội đáng kể, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Do đó, phòng chống thương tích và bạo lực là một trong những chỉ số quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 30.000 người tử vong do TNTT, chiếm 7,1% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân hàng đầu.
Bà Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Các chính sách tiêu biểu bao gồm: Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7/2021); Kế hoạch phòng chống TNTT của các bộ, ngành, địa phương; Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13 với các quy định chi tiết về sơ cứu và hệ thống cấp cứu ngoại viện; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024; Luật Phòng bệnh đang được xây dựng với đề xuất các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích. Những chính sách và hoạt động này đã, đang và sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tai nạn thương tích tại Việt Nam.
Về phòng chống đuối nước trẻ em, Chương trình quốc gia Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và giảm 20% vào năm 2030. Trong giai đoạn 2018-2022, với hỗ trợ từ Quỹ Từ thiện Bloomberg, Chính phủ đã triển khai dự án phòng chống đuối nước trẻ em tại Trung ương và 12 tỉnh, thành phố, với kinh phí 3,2 triệu đô-la Mỹ. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tập huấn 2.250 cán bộ về phòng chống đuối nước trẻ em; đào tạo 908 hướng dẫn viên bơi an toàn và 1.096 hướng dẫn viên kỹ năng an toàn; dạy bơi an toàn cho 44.398 trẻ từ 6-15 tuổi; đào tạo kỹ năng an toàn cho 52.250 trẻ; và hướng dẫn 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên mầm non về phòng chống đuối nước trẻ em.
Bà Mai Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phối hợp liên ngành trong phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng. Bộ Y tế đã tham gia ký kết Kế hoạch liên ngành về Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và 9 bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan và tăng cường các can thiệp cụ thể như dạy bơi, loại bỏ nguy cơ thương tích tại nhà, trường học, nơi công cộng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức.
![]() |
Bà Đoàn Thị Thu Huyền đưa ra các khuyến nghị tại chuyên đề về phòng chống đuối nước trẻ em. www.suckhoeviet.org.vn |
Bà Đoàn Thị Thu Huyền đưa ra các khuyến nghị tại chuyên đề “Phòng chống đuối nước và các tai nạn thương tích trẻ em” trong khuôn khổ hội nghị. Bà nhấn mạnh rằng phòng chống đuối nước trẻ em là vấn đề liên ngành và trách nhiệm chính thuộc về gia đình và người chăm sóc trẻ. Bà Huyền cũng nhấn mạnh rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, và đoàn thể trong các biện pháp can thiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân phối hợp với các trường học để đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho học sinh trong các tháng hè.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Nho Huy của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã xây dựng và đang trình Chính phủ đề án “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035”, nhằm tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần giảm tỷ lệ học sinh tử vong do đuối nước.