Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia
SKV - Ngày 25/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Báo cáo đưa ra các phân tích toàn diện về tác động kinh tế, xã hội, và đề xuất phương án tối ưu, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân sách nhà nước, ngành sản xuất và người tiêu dùng.
![]() |
Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”. www.suckhoeviet.org.vn |
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của đông đảo đại diện đến từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan, cùng các chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp chế, thuế, thương mại, chuỗi giá trị ngành hàng và các doanh nghiệp trong ngành đồ uống.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 1/4/2009, đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung. Các điều chỉnh này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế và tăng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, mỗi lần sửa đổi cũng khiến các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là ngành bia, chịu ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay, mức thuế suất đối với mặt hàng bia đang được áp dụng ở mức 65%.
Ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đồng thời điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và bổ sung vào chương trình năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Tại nhiều hội thảo và cuộc họp về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các cơ quan nhà nước, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp đã nhấn mạnh sự thiếu hụt các đánh giá định lượng toàn diện về tác động của việc tăng thuế TTĐB đối với ngành bia trong thời gian tới. Điều này bao gồm những ảnh hưởng đến các đối tượng trực tiếp và gián tiếp, các ngành liên quan, người tiêu dùng, nền kinh tế, ngân sách nhà nước, lao động, môi trường đầu tư kinh doanh, ngành dịch vụ du lịch và sức khỏe cộng đồng.
Báo cáo đã cập nhật những thông tin tổng quan về ngành bia, khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong việc đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế trực tiếp và các hoạt động kinh tế liên quan, như phân phối, bán lẻ, và xuất nhập khẩu. Trung bình hàng năm, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp gần 60.000 tỷ đồng vào ngân sách. Giá trị sản xuất ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó ngành bia có đóng góp đáng kể không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa và lịch sử.
Ngành bia tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, ngành cũng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp trong ngành luôn chú trọng phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị minh bạch) thông qua các chiến dịch sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức xã hội và thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
![]() |
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê. www.suckhoeviet.org.vn |
Trình bày kết quả báo cáo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê, cho biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu kết hợp cùng số liệu chính thống, đáng tin cậy. Báo cáo đã phân tích định lượng tác động của 3 phương án tăng thuế TTĐB đối với ngành bia, bao gồm hai phương án của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thuế TTĐB (PA1 và PA2) và một phương án do Hiệp hội VBA đề xuất (PA3).
Bảng: Kết quả phân tích định lượng đánh giá tác động của 3 phương án tăng thuế
![]() |
Kết quả phân tích cho thấy phương án 3 (lùi thời điểm thực hiện đến 2027, tăng 5% theo lộ trình 2 năm/lần đến 2031) là lựa chọn tối ưu hơn, vừa đảm bảo tăng thu ngân sách nhà nước vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến ngành bia và 21 ngành khác trong nền kinh tế. Phương án này ít ảnh hưởng đến GDP, tăng trưởng kinh tế, và đảm bảo tính bền vững trong thu nhập của người lao động.
Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia được kỳ vọng trở thành nguồn tham khảo quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng chính sách thuế phù hợp. Chính sách này hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững và tăng thu ngân sách nhà nước.