Hội Nam Y Việt Nam: Hội thảo sức khỏe “Sinh lý và Bệnh lý lão khoa”
Sáng 21/12/2024, tại Trường tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) Hội Nam Y Việt Nam đã tổ chức hội thảo sức khỏe “Sinh lý và Bệnh lý lão khoa” do TTND.GS.TS Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam - chia sẻ thông tin. Tham dự hội thảo có BS Nguyễn Hoàng Sơn- Phó Chủ tịch Hội Nam Y Việt Nam; Ths Nguyễn Văn Tài- Chánh Văn phòng Hội Nam Y Việt Nam... cùng đông đảo hội viên Hội Nam Y Việt Nam. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
![]() |
Hội thảo cung cấp cho các đại biểu và học viên những nội dung khái quát nhất, những thông tin hữu ích về người cao tuổi cũng như sinh lý và bệnh lý lão khoa từ góc nhìn y học hiện đại và y học cổ truyền.
![]() |
TTND.GS.TS Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. |
Theo quan điểm y học, người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. Trong y học, người cao tuổi được phân thành các nhóm: từ 60 đến 75 tuổi được gọi là tuổi bắt đầu già, trên 75 đến 90 tuổi là người già và trên 90 tuổi là người già sống lâu.
Sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho hệ thống y tế toàn cầu. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh các hội chứng lão khoa có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp. |
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh. Năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số, tuổi thọ trung bình là 73 tuổi, với 8,65 triệu người cao tuổi. Năm 2017 đã có 10,1 triệu người cao tuổi, tuổi thọ trung bình 73,4 tuổi. Người trên 80 tuổi ( rất già) tăng từ 0,54 triệu người năm 1979 lên 2 triệu người năm 2017.
Dự báo cho tới 2032 dân số cao tuổi sẽ nhiều hơn dân số trẻ em. Và xuất hiện hiện tượng già hoá tăng ở lứa tuổi rất già và nữ hoá dân số cao tuổi.
![]() |
Hội thảo tổ chức cả hình thức trực tuyến. |
Người cao tuổi chiếm tới gần 10% dân số, người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, người cao tuổi được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.
Hiện nay người cao tuổi thường giữ vai trò trọng trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở: như tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận. người cao tuổi còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương, của dòng họ. Đóng góp về lao động của người cao tuổi cho gia đình và xã hội là vô cùng to lớn nhất là của các cụ bà, nhưng phần lớn lại là “những việc không tên”, không được đánh giá cao như trông cháu, nội trợ trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam. Đây không chỉ là một hình thức lao động nặng nhọc mà còn là một loại hình lao động phức tạp đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, những đóng góp này chưa được xã hội chính thức ghi nhận, đánh giá đúng mức. Như vậy người cao tuổi không những giải quyết được các vấn đề của bản thân mà còn có thể góp sức vào sự phát triển của gia đình và xã hội. Nếu không nhận thức và khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của người cao tuổi là sự lãng phí rất lớn của xã hội.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến. |
Trên thế giới, tỷ lệ người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh lại có xu hướng giảm. Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm người cao tuổi đang tạo ra một thách thức lớn cho ngành y học. Sức khỏe của người cao tuổi thường suy giảm, thể lực và trí óc không còn như trước, và sự lão hóa thường dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nhóm người này cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt.
Tại Việt Nam, nơi đang chứng kiến quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và phát triển hệ thống y tế điều trị các bệnh liên quan đến tuổi già càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, người bệnh và các chuyên gia y tế.
Việc nâng cao nhận thức các hội chứng lão khoa và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh hơn để đảm bảo rằng mỗi người cao tuổi đều được hưởng một cuộc sống chất lượng và đầy ý nghĩa.