Lợi nhuận doanh nghiệp dược phân hóa, nơi vượt kế hoạch năm nơi thua lỗ đậm
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược phẩm cho thấy sự phân hóa sau ba quý đầu năm 2023. Trong khi các "ông lớn" tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, thì nhóm công ty quy mô nhỏ lại ghi nhận lợi nhuận đi ngang thậm chí giảm sút.
Cập nhật đến ngày 20/10, hơn 10 doanh nghiệp ngành dược đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Trong số đó có tới hơn một nửa ghi nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ và lợi nhuận sụt giảm.
![]() |
Kết quả kinh doanh tại nhóm doanh nghiệp dược. |
Đơn cử tại Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) đạt 479 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Khấu trừ cho giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp gần 47 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 8%. Doanh thu hoạt động tài chính đi ngang trong khi chi phí tài chính tăng đột biến 81% ghi nhận 6,6 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng, đồng thời chi phí bán hàng tăng. Sau khi trừ các khoản chi phí, DHT lãi sau thuế quý 3/2023 hơn 18,7 tỷ đồng, giảm tới 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 1.525 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Lợi nhuận sau thuế tăng 15% đạt 72 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện 95% kế hoạch doanh thu năm (1.600 tỷ đồng) và vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận năm (80 tỷ đồng).
Cùng hoàn cảnh, quý III/2023, CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (Mã: VDP) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 214 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính và bán hàng suy giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng khiến Vidipha báo lãi sau thuế chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Tính chung 3 quý đầu năm, Dược phẩm Trung ương Vidipha thu về 732 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 59 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ.
Doanh thu quý III/2023 của CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3) cũng báo giảm 16% so với cùng kỳ, ghi nhận 91 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng đều được tiết giảm so với quý III/2022. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 312 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 75 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tương tự, quý III/2023, doanh thu tại CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã: DP1) giảm nhẹ 4% đạt gần 541 tỷ đồng song lãi sau thuế lại tăng tới 129% so với cùng kỳ, đạt hơn 32,6 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng và chi phí bán hàng, chi phí quản lý được tiết giảm. Sau 3 quý đầu năm, doanh nghiệp dược này báo lãi sau thuế tăng tới 131% so với cùng kỳ, đạt 83 tỷ đồng và doanh thu hơn 1.534 tỷ đồng.
Tình hình ảm đảm hơn là trường hợp CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (mã: DP2) ghi nhận doanh thu quý III giảm 37% xuống còn 37,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 4,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 lỗ gần 4 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng 21% đạt 149 tỷ đồng song doanh nghiệp dược này vẫn báo lỗ sau thuế gần 14 tỷ đồng, mức lỗ này đã giảm nhẹ so với mức lỗ cùng kỳ năm trước là 20 tỷ đồng.
CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (MKP) cũng không khấm khá hơn khi doanh thu thuần quý III/2023 giảm tới 17% xuống còn hơn 208 tỷ đồng. Công ty thu được hơn 59 tỷ đồng lãi gộp, nhưng vẫn giảm 14% so cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, MKP lãi sau thuế gần 2,5 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 6%. Trong 9 tháng đầu năm, MKP chỉ đem về hơn 651 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ và công ty chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn gần 7,5 tỷ, giảm sâu 71%.
Kinh doanh lạc quan nhất trong nhóm doanh nghiệp dược phải kể tới Dược phẩm Imexpharm (IMP).
![]() |
Theo đó, quý III/2023 doanh thu thuần đạt 467 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 181 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 5%. Trừ các chi phí, Imexpharm lãi sau thuế gần 70 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý 3 cao kỷ lục của Dược phẩm Imexpharm kể từ khi niêm yết trên HOSE từ tháng 12/2006.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Imexpharm đạt gần 1.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kỳ, thực hiện được 79% kế hoạch năm; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 286 tỷ đồng và 227 tỷ đồng, tăng 45%, đạt 82% kế hoạch lãi trước thuế được ĐHĐCĐ 2023 thông qua.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng diễn biến thị trường những tháng cuối năm sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2023 của các doanh nghiệp niêm yết.
Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố KQKD lạc quan trên diện rộng.
Xét về tăng trưởng so với quý 3/2022, các nhóm ngành Dầu khí, Dược phẩm, Công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực ở mức hai chữ số trong Q3/2023.
Ngược chiều, các ngành Thủy sản, bất động sản, Phân bón, Bán lẻ, Điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với Q3/2022. Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ cải thiện so với quý trước, mức độ cải thiện vẫn sẽ khá hạn chế.