FPT: Lợi nhuận nghìn tỷ song nợ vay nhảy vọt hơn 19.000 tỷ đồng, nợ người lao động hơn 3.500 tỷ đồng
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của CTCP FPT (Mã: FPT) là việc tổng nợ vay tăng vọt hơn 6.700 tỷ đồng chỉ trong vòng 9 tháng, tương đương tăng 54%, lên mức hơn 19.000 tỷ đồng và nợ người lao động hơn 3.500 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2023, CTCP FPT (Mã: FPT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.927 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3% so với 9 tháng đầu năm 2022. EPS 4 quý gần nhất đạt 4.745 đồng.
Tính riêng quý III, FPT ghi nhận 13.761 tỷ doanh thu, 1.739 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 23% và 20% so với quý III/2022.
Năm 2023, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng. Với kết quả trên, tập đoàn đã thực hiện được lần lượt 73% và 75% hai chỉ tiêu sau 9 tháng.
Bóc tách từng mảng kinh doanh chính của FPT trong 9 tháng đầu năm, khối Công nghệ (bao gồm Dịch vụ CNTT trong nước và Dịch vụ CNTT nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 22.517 tỷ đồng và 3.128 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 25,7% và 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về khối Giáo dục, nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng Giáo dục của FPT tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.435 tỷ đồng.
![]() |
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của FPT, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của FPT tăng 20% so với đầu năm, ghi nhận hơn 62.112 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 7.153 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh 46% so với đầu năm, lên mức 19.618 tỷ đồng; Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn hơn 9.800 tỷ đồng;…
Ở chiều ngược lại, trên cơ cấu nguồn vốn của FPT có 2 khoản phải trả ‘khổng lồ’ gồm tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) tính đến 30/9/2023 ghi nhận hơn 19.109 tỷ đồng, tăng thêm 6.727 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng, tương đương tăng tới 54% so với đầu năm (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn hơn 18.900 tỷ đồng). Và nợ phải trả người lao động hơn 3.589 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
![]() |
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của FPT cho biết, các khoản vay nợ ngân hàng bao gồm vay bằng VNĐ, USD và JPY (Yên Nhật Bản). Đáng chú ý trong đó, FPT vay hơn 336,5 triệu USD, tương đương hơn 7.983 tỷ đồng (trong khi hồi đầu năm chỉ vay hơn 81,3 triệu USD, tương đương gần 1.893 tỷ đồng); Ngoài ra, FPT vay hơn 10,78 triệu JPY, tương đương hơn 2.024 tỷ đồng, giảm 38% so với đầu năm và vay VND hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm.
Số vay nợ này khiến FPT phải trả hơn 626 tỷ đồng phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng nói, BCTC của FPT không thuyết minh cụ thể những ngân hàng, tổ chức tài chính nào đang cho doanh nghiệp vay.
![]() |
![]() |
![]() |
Chi tiết nợ vay tại CTCP FPT (nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2023) |
Ngoài ra, FPT còn đầu tư 3.223 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Tập đoàn phải trích lập gần 1.372 tỷ đồng dự phòng.
Tính đến 30/9/2023, FPT sở hữu 8 công ty con trực tiếp, hai công ty liên kết trực tiếp là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT và CTCP Synnex FPT.
Trên thị trường, cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch quanh vùng giá 91.000 đồng/cp, tăng khoảng 47% từ đầu năm.