Một số bài tập giảm đau mỏi vai gáy tại nhà
SKV – Đau mỏi vai gáy là hiện tượng phổ biến, rất nhiều người mắc phải trong đời sống hiện đại hôm nay.
Đau mỏi vai váy là rối loạn cơ-xương thường gặp ở người làm việc công sở. Nguyên nhân là họ phải thường xuyên phải ngồi nhiều, gò bó ở một tư thế trong thời gian dài khiến cơ bắp bị co cứng, tăng tải trọng lên cột sống, vùng cổ, thắt lưng khiến đĩa đệm giữa các đốt sống bị thoái hóa sớm và thoát vị, chèn vào thần kinh.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Starsmec, khuyến cáo mọi người nên dành thời gian để vận động thường xuyên, tránh để đau mỏi vai gáy diễn tiến nặng. Dưới đây là 1 số bài tập đơn giản mà giới công sở tập luyện ngay mà không mất quá nhiều thời gian hoặc yêu cầu phức tạp, gồm:
1. Bài tập tại chỗ
![]() |
Ảnh minh họa |
Bài tập này dành cho những người “lười” vận động vẫn có thể thực hiện các động tác đơn giản để giảm đau mỏi vai gáy:
– Động tác 1: Massage gáy trong vòng 5 phút.
– Động tác 2: Ngồi thẳng lưng, mắt hướng phía trước. Đặt tay phải lên đỉnh đầu và nhẹ nhàng kéo sang bên phải, thả lỏng hai vai. Giữ tư thế này từ 20-30 giây rồi trở lại tư thế ban đầu và lặp lại động tác này với bên còn lại.
– Động tác 3: Ngồi thẳng lưng, mắt hướng về phía trước. Cúi đầu xuống và dừng lại khi phần cơ ở gáy hơi căng nhưng không để căng quá mức. Sau đó, ngửa cổ ra đằng sau và dừng lại khi phần cơ ở cổ hơi căng. Mỗi tư thế lặp đi lặp lại 5 lần, giữ nguyên trong vòng 10 giây.
– Động tác 4: Ngồi thẳng lưng, mắt hướng phía trước. Nghiêng đầu về bên phải nhằm làm căng vùng cơ cổ bên trái, không căng quá mức. Giữ tư thế này từ 10 – 20 giây, từ từ trở lại tư thế ban đầu và thực hiện tương tự khi nghiêng sang trái.
– Động tác 5: Ngồi thẳng lưng, hai tay chống nạnh, sau đó cúi đầu xuống sao cho phần cằm chạm vào ngực, từ từ xoay đầu theo chiều kim đồng hồ, sau đó xoay theo chiều ngược lại, mỗi chiều 15 lần.
2. Bài tập tư thế nhân sư
![]() |
Ảnh minh họa |
Bài tập này giúp giải phóng áp lực đè nặng lên các nhóm cơ ở lưng, vai và gáy. Cách thực hiện:
– Nằm sấp, chân duỗi thẳng.
– Đặt hai khủy tay song song phía trước, nâng từ từ đầu và ngực lên đảm bảo bụng không rời khỏi sàn, giữ chặt lưng, mông và đùi.
– Ưỡn ngực, cằm hướng ra phía trước, hít sâu
– Giữ tư thế trong vòng 10 – 20 giây, lặp lại 5 lần.
3. Bài tập tư thế con mèo
![]() |
Ảnh minh họa |
Bài tập này giúp cột sống cổ linh hoạt hơn, giảm căng thẳng và đau nhức. Cách thực hiện:
– Chống hai tay và đầu gối xuống sàn, giữ hai vai thẳng với cổ tay, phần hông thẳng với đầu gối. Duỗi thẳng hai bàn chân.
– Hít sâu, hóp bụng, cúi đầu hướng về rốn, cằm cố gắng chạm ngực. Uống cong lưng hướng lên trên trần nhà hết mức có thể.
– Hít thở sâu và chậm, giữ tư thế trong vài nhịp thở.
– Từ từ thở ra chậm, trở lại tư thế ban đầu.
– Thực hành tư thế này từ 5 – 6 lần.
4. Bài tập tư thế mặt bò
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhiều nhóm cơ có thể hưởng lợi ích từ tư thế mặt bò, bao gồm cả các cơ ở vai, cổ. Cách thực hiện:
– Ngồi thẳng lưng, gập chân trái đặt dưới mông bên phải, cố gắng cho gót chạm mông, gập chân phải đặt lên đùi trái.
– Hít sâu, đưa tay trái vòng ra đằng sau, vươn tay phải qua vai, cố gắng kéo căng để 2 tay chạm vào nhau ở sau lưng.
– Giữ lưng thẳng, mặt hướng về phía trước, mở rộng ngực.
– Giữ nguyên tư thế này từ 20 – 30 giây, sau đó đổi bên, lặp đi lặp lại 5 lần.
5. Bài tập tư thế luồn kim
![]() |
Ảnh minh họa |
Bài tập giúp giãn cơ vùng cổ và vùng vai, hỗ trợ lưu thông khí huyết. Cách thực hiện:
– Chống hai tay và đầu gối xuống sàn.
– Nâng tay trái lên khỏi mặt sàn rồi luồn qua không gian giữa tay phải và chân phải, vai đẩy xuống hết mức có thể đến khi chạm sàn nhà, tay phải hướng thẳng về phía trước cố gắng chạm xuống sàn.
– Giữ hông thẳng, phần thân trên hướng về bên phải.
– Giữ nguyên tư thế này từ 20 – 30 giây.
– Bạn thoát khỏi tư thế này bằng cách ấn bàn tay phải xuống sàn, nâng cơ thể lên và trở về tư thế ban đầu, lặp lại các bước tương tự với phía còn lại.
Trên đây là một số bài tập giảm đau cổ vai gáy tại nhà hiệu quả. Bạn đừng đợi đến khi tình trạng đau nặng mới tìm đến bác sĩ mà ngay từ bây giờ hãy bảo vệ sức khỏe của mình. Hãy thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc.
Chung Phạm
https://suckhoeviet.org.vn