Còn rất nhiều dư địa để thị trường trái phiếu phát triển
Hiện nay vai trò của thị trường trái phiếu nếu như so tổng thể với thị trường tài chính của chúng ta, thì quy mô dư nợ trái phiếu so với tài chính chiếm khoảng 13%. Trong khi đó ở Thái Lan là khoảng 27%, Philippines là 22%, Trung Quốc khoảng 25%.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Ảnh: VGP
Đánh giá về thị trường trái phiếu của Việt Nam trong mối tương quan với thị trường vốn, tài chính ở các nước trong khu vực, tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ rõ có 3 điểm khác biệt cần lưu ý.
Thứ nhất, Thị trường TPDN ở nước ta còn non trẻ, bắt đầu chính thức 10 năm trở lại đây, nhộn nhịp chủ yếu từ 2016, 2017 đến bây giờ.
Thứ hai, quy mô thị trường TPDN còn nhỏ, tương đương 11% GDP. So với Trung Quốc khoảng 36%, Hàn Quốc khoảng 89%, Singapore 26% và Thái Lan 27%. Rõ ràng chúng ta nhỏ bé hơn bất kỳ nước nào trong khu vực.
Thứ ba, chính là tính đặc thù đặc biệt của chúng ta rất khác so với khu vực về cơ sở nhà đầu tư, về hình thức phát hành giữa riêng lẻ với công chúng. Chính vì thế, ông Lực cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng, bởi vì còn rất nhiều dư địa để định hướng phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới.
Ông Lực lấy ví dụ, hiện nay vai trò của thị trường trái phiếu nếu như so tổng thể với thị trường tài chính của chúng ta, thì quy mô dư nợ trái phiếu so với tài chính chiếm khoảng 13%. Trong khi đó ở Thái Lan là khoảng 27%, Philippines là 22%, Trung Quốc khoảng 25%. Rõ ràng chúng ta còn dư địa có lẽ là tăng gấp đôi quy mô của thị trường này.
Ví dụ Chiến lược tài chính của Bộ Tài chính có yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu nói chung, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và TPDN sẽ phải tương đương 47% GDP đến 2025. Ông Lực rất mong chúng ta sẽ phát triển theo hướng đó, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng TPDN của chúng ta.
"Tôi xin lưu ý thêm là tổ chức phát hành phải nâng cao chất lượng của mình, theo đó quản trị doanh nghiệp phải nâng tầm lên, hướng vào tính công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường". Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng…
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch, trong đó gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu; chỉ đạo đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành từ ngày 19/7/2023… Nhờ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những phát triển vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành cũng như gia tăng số nhà đầu tư, đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Tuy nhiên, nhìn ở bình diện khác, mặc dù đã được cải thiện nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có vấn đề về minh bạch thông tin, việc tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; việc thực hiện các cam kết với nhà đầu tư; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, tình hình thế giới có nhiều bất ổn, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… Nhiều vấn đề trong những nội dung này đã được nhấn mạnh tại Công điện 1177/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 23/11.