Quả gấc chứa nhiều dưỡng chất, vitamin tốt cho cơ thể. Các nhà khoa học Mỹ cùng một số hãng dược phẩm lớn ví gấc là loại quả đến từ "thiên đường" và là thần dược cho sức khỏe. |
Quả gấc (Momordica cochinchinensis), còn được gọi là quả mít con, quả bầu đắng, bầu ngọt, hoặc Cochinchin Gourd, là một loại quả có gai màu cam sáng được tìm thấy chủ yếu ở trong khu vực Đông Nam Á. Nó chỉ được thu hoạch trong vòng hai tháng mỗi năm (tháng 12 và tháng 1) và thường được sử dụng vào những dịp đặc biệt ở Việt Nam cũng như trong các loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc.
Quả gấc có rất ít vị (có người mô tả nó có vị hơi giống quả bơ và nhiều người cũng đồng ý với ý kiến này) - không ngọt đi kèm với hương vị rất nhẹ và kết cấu nhão. Phần vỏ bên ngoài của gấc không ăn được nên chúng ta cần lưu ý chỉ ăn phần cùi mềm bao quanh các hạt to bên trong quả. Hạt cũng có thể ăn được và được sử dụng trong các loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc.
Trong thành phần quả gấc có chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất trong quả gấc phải kể đến là carotene – tiền thân của vitamin A. Carotene chứa nhiều trong phần màng đỏ bao quanh hạt gấc và dầu gấc.
Ngoài ra, quả gấc cũng chứa nhiều lycopen, vitamin E và vitamin F. Điều này biến dầu gấc trở thành nguồn nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, dược phẩm như: Sản xuất các loại thực phẩm chức năng chống suy dinh dưỡng, chống lão hóa, sản xuất các loại màu thực phẩm tự nhiên và tham gia vào nền công nghiệp mỹ phẩm.
Trong 100g thịt gấc có chứa 15 mg carotene và 16 mg lycopen. Khi gấc càng chín thì hàm lượng carotene sẽ giảm hoặc ngược lại. Trong quả gấc còn có chất Lycopen thực vật góp phần chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc, nổi sẩn... Ngoài ra, nó còn có công dụng trong việc dưỡng da, bảo vệ da, giúp cho da luôn hồng hào tươi trẻ và mịn màng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các hợp chất của carotene, lycopen, vitamin E (cotopherol) có trong dầu gấc giúp làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, nhất là ung thư vú. Trong Y học cổ truyền, hạt gấc có thể thay thế cho mật gấu để điều trị các trường hợp chấn thương, sưng đau, bệnh quai bị.
Lợi ích sức khỏe của quả gấc
Bảo vệ và tăng cường sức khỏe mắt
Gấc là một trong những nguồn beta-carotene tự nhiên phong phú nhất, một tiền chất của vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực tốt, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu. Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ gấc thường xuyên có thể giúp làm chậm sự phát triển của đục thủy tinh thể, một tình trạng mờ đục của thủy tinh thể mắt.
Các chất chống oxy hóa trong gấc, bao gồm beta-carotene, lycopene và zeaxanthin cũng có tác dụng giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của các gốc tự do, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng - một nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn tuổi.
Hỗ trợ điều trị thiếu máu
Do hàm lượng sắt dồi dào được tìm thấy trong trái cây này, cũng như vitamin C và axit folic, nên gấc có khả năng chống lại bệnh thiếu máu. Người ta khuyến cáo rằng nên tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu và tùy theo tình trạng bệnh để xác định có nên bắt đầu tiêu thụ loại quả này hay không.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Quả gấc là một nguồn tuyệt vời các chất chống oxy hóa, bao gồm lycopene, beta-carotene và vitamin E. Một trong những lợi ích nổi bật của các chất chống oxy hóa trong gấc là khả năng làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) - loại cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và gây tắc nghẽn, đồng thời tăng mức cholesterol tốt (HDL) - loại cholesterol giúp vận chuyển cholesterol xấu ra khỏi động mạch. Nhờ đó, gấc giúp duy trì sự cân bằng cholesterol trong máu, giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gấc có thể có tác dụng điều hòa huyết áp. Các hợp chất hoạt tính trong gấc có thể giúp giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và giảm áp lực lên thành mạch, từ đó giúp ổn định huyết áp.
Hỗ trợ sức khỏe não bộ
Não bộ là một cơ quan hoạt động liên tục và tiêu thụ một lượng lớn oxy, khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các gốc tự do - những phân tử không ổn định có thể gây hại cho tế bào.
Vitamin E trong gấc hoạt động như một "vệ sĩ" cho các tế bào não, bằng cách trung hòa các gốc tự do và ngăn chặn chúng gây tổn thương oxy hóa. Điều này giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi sự thoái hóa và duy trì chức năng nhận thức của não bộ.
Ngăn ngừa ung thư
Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong gấc, bao gồm beta-carotene, lycopene và vitamin C, có khả năng trung hòa các gốc tự do, giảm nguy cơ tổn thương tế bào và phát triển ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng gấc có thể có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Các hợp chất hoạt tính trong gấc có thể can thiệp vào các quá trình sinh học quan trọng của tế bào ung thư, làm chậm sự phát triển và lan rộng của chúng. Tuy nhiên, mặc dù những kết quả nghiên cứu ban đầu rất hứa hẹn, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để khẳng định đầy đủ tác dụng chống ung thư của gấc.
Chống lão hóa và làm đẹp da
Gấc chứa lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, ngăn ngừa lão hóa sớm và giảm nếp nhăn. Vitamin E trong gấc giúp dưỡng ẩm và làm mềm da, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, mang lại làn da tươi trẻ và rạng rỡ. Gấc cũng chứa một lượng nhỏ collagen, một protein quan trọng giúp duy trì độ đàn hồi và săn chắc của da.
Một số bài thuốc từ quả gấc
Dầu gấc
Quả gấc chín, cắt đôi, lấy hết phần thịt đỏ và thịt vàng, tách hạt lấy màng đỏ bao quanh hạt; phơi nắng khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Khi thấy thịt gấc se lại, không còn bết dính, cắt nhỏ. Đun nhỏ lửa với dầu dừa, hay dầu ô-liu, hoặc dầu ăn. Thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để phần dầu gấc được chiết xuất ra. Đun đến khi cả 2 hỗn hợp đều keo lại, nhìn dầu đã tan hết là được. Chờ dầu nguội, cho vào hũ, đậy kín, bảo quản dùng dần.
Dầu gấc đỏ tươi, không cháy. Dầu gấc trộn xà lách, cơm xôi, cho vào cháo… chữa suy dinh dưỡng trẻ em, chữa khô giác mạc, quáng gà, phòng ngừa đục thủy tinh thể; giảm tác dụng phụ của các chất hóa học gây ung thư. Dùng cho bệnh nhân sau khi cắt bỏ khối u, sau hóa trị liệu, sau xạ trị; giảm các chất độc hại cho người làm việc trong môi trường ô nhiễm; phòng ngừa viêm gan, xơ gan, ung thư gan, phòng ngừa thoái hóa tế bào thần kinh, bệnh Alzheimer; giảm cholestesterol, chống xơ vữa động mạch; bảo vệ da, giúp vết thương mau lành.
Hạt gấc
Hạt gấc khoảng 30 hạt, sao tồn tính (để lửa già, chảo thật nóng, cho hạt gấc vào đảo đều, đến khi bên ngoài cháy già, bẻ ra bên trong còn màu vàng cũ là được). Cho vào cối giã nhỏ ngâm với 500 ml rượu trắng. Dùng rượu hạt gấc bôi vào chỗ sang chấn có tác dụng tốt gần như mật gấu. Rượu hạt gấc chữa sang chấn đụng dập trong những trường hợp ngã, vết thương tụ máu.
Hạt gấc sống, hoặc đã qua đồ xôi, chặt đôi đem mài với ít rượu, hoặc giấm thanh dùng ngoài, bôi, xoa vào chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị, chữa sán khí (hạ nang sưng rắn, ngọc hành sưng đau, tiểu khó)… rất mau khỏi. Bôi nhiều lần trong ngày, cứ khô lại bôi.
Chữa sưng vú: Nhân hạt gấc, giã nát, hòa với rượu đắp vào nơi tổn thương sưng vú, cố định bằng gạc và băng dính, đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần.
Chữa trĩ, lòi dom: Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, đắp vào hậu môn, cố định bằng vải gạc và băng dính. Để qua đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
Chữa răng lợi sưng đau chảy máu: Hạt gấc nướng chín, giã nhỏ hòa nước ngậm khoảng 30 phút rồi nhổ đi.
Rễ gấc Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng sao vàng, tán nhỏ, ngày dùng 6-12g. Trị thủy thũng, cước khí sưng phù. Trị phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nhọt lở. Lá gấc Lá gấc non làm rau ăn như ngọn su su, nấu canh, hoặc xào, tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng. Lá gấc phối hợp với tầm gửi đắp vào nơi tổn thương (ngoài da) tiêu sưng tấy. |
Thiết kế: LAM ANH |