e magazine
[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

15:00 | 02/09/2024

Cây trầu không được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy lá ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây). Ngoài ra lá trầu không còn được dùng làm thuốc, có nhiều tác dụng như giảm đau khớp, giảm trầm cảm, chống ung thư...
[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

Cây trầu không được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy lá ăn trầu. Ngoài ra lá trầu không còn được dùng làm thuốc, có nhiều tác dụng như giảm đau khớp, giảm trầm cảm, chống ung thư...

Cây trầu không là một loại cây mọc leo, thuộc họ hồ tiêu được trồng rất nhiều ở nước ta. Trầu không là một loại cây mọc leo, thân nhẵn. Lá mọc so le, cuống có bẹ, dài 1,5 - 3,5cm, phiến lá hình trái xoan, dài 10-13cm, rộng 4,5 - 9cm, phía cuống hình tim (đối với những lá phía gốc) đầu lá nhọn, khi soi lên thấy rất nhiều điểm chứa tinh dầu rất nhỏ, gân lá thường. Hoa khác gốc mọc thành bông, quả mọng không có vòi sót lại.

Trong 100 g lá trầu chứa:

+ Năng lượng: 61 kcal.

+ Chất béo: 1 g

+ Carbs: 6 g

+ Chất xơ: 1,8 g

+ Chất đạm: 3 g

Ngoài ra, trong lá trầu không cũng rất giàu các vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin C, thiamin, niacin và riboflavin.

[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

Theo y học cổ truyền, trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Chúng có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng. Lá trầu không có trong thành phần của chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ cùng với một số dược liệu khác dùng để trị hen suyễn.

Lợi ích sức khỏe của lá trầu không

Giúp cải thiện bệnh tiểu đường

Lá trầu không chứa hoạt chất tanin có đặc tính điều trị đái tháo đường. Ngoài ra, các alkaloid có trong trầu cũng giúp làm giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế sự hấp thụ glucose trong ruột.

Không chỉ vậy, lá trầu còn rất giàu chất chống oxy hóa, cụ thể là polyphenol có tác dụng bảo vệ các tế bào tuyến tụy khỏi tác hại của các gốc tự do, nhờ đó hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.

Giảm cholesterol xấu trong cơ thể

Eugenol trong lá trầu có khả năng ngăn cản quá trình tổng hợp cholesterol ở gan. Nó cũng hỗ trợ quá trình dị hóa của cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), làm giảm lượng cholesterol xấu này trong cơ thể. Nhờ vậy, nó cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Giảm táo bón

Lá trầu không thể sử dụng để cải thiện chứng táo bón. Trước khi đi ngủ, bạn hãy giã nát lá trầu không và cho vào một cốc nước, để ngâm qua đêm. Sau đó uống nước lá trầu không này vào buổi sáng hôm sau, khi bụng đang đói, nó sẽ giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng hơn.

[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

Giảm đau khớp

Trong lá trầu không chứa rất nhiều các hợp chất chống viêm quý giá. Chúng có thể làm giảm đáng kể sự khó chịu và đau nhức ở khớp - triệu chứng thường thấy của nhiều bệnh như viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương...

Hỗ trợ sức khỏe răng miệng

Lá trầu có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, có lợi cho sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe răng miệng của chúng ta. Nó có khả năng chống lại các vi khuẩn gây mùi trú ngụ trong miệng một cách hiệu quả.

Nhai một lượng nhỏ lá trầu hay bột lá trầu sau bữa ăn không chỉ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột mà còn chống hôi miệng, sâu răng và làm dịu cơn đau răng, đau nướu do nhiễm trùng.

Giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm

Lá trầu có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để kích thích chức năng hệ thần kinh trung ương.

Sự hiện diện của các hợp chất phenolic thơm trong lá trầu có khả năng kích thích giải phóng hormone catecholamine. Đây là một loại hormone có công dụng hỗ trợ tăng cường cảm giác hạnh phúc và nâng cao tâm trạng. Nhờ vậy mà nó có khả năng điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

Hỗ trợ chống lại bệnh ung thư

Lá trầu không là một nguồn dồi dào phenolic. Hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa, chống tăng sinh và đột biến tế bào (đây được xem là một nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư).

Ngoài ra, chất phytochemical có nhiều trong lá trầu cũng là một chất hỗ trợ chống lại căn bệnh ung thư một cách hiệu quả.

Điều trị viêm nhiễm phụ khoa

Lá trầu không có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn hiệu quả, ức chế sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại vi sinh vật gây hại cho vùng kín, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm phụ khoa.

Một số bài thuốc dân gian từ lá trầu không

- Chữa đau mắt đỏ: Lá trầu không 3 cái, lá dâu 10 cái. Hai thứ này vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát tới miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút. Ngày làm như vậy 2 lần. Sau đó lấy nước này để rửa mặt.

Giảm đau lưng: Dùng lá trầu hơ nóng hoặc nước cốt lá trầu trộn với dầu dừa rồi đắp thắt lưng.

- Chữa vết thương: Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lấy lượng bằng nhau. Tất cả đem giã nát rồi đắp lên vết thương. Hoặc để rửa vết thương: Lá trầu không tươi 40g, đem rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15–20 phút, Để nguội, gạn lấy nước trong, thêm phèn phi 8g vào đánh tan rồi rửa.

- Chữa mụn nhọt: Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lấy lượng bằng nhau. Giã nát tất cả rồi đắp lên da.

- Chữa tiểu gắt: Rễ trầu không (hoặc dùng thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang, dùng vài ngày đến khi khỏi.

[E-Magazine] Lá trầu không: Vị thuốc quý trong vườn nhà

- Chữa sai khớp, bong gân: Lá trầu không 12g, nghệ già 20g, lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. Thay băng sau khoảng 2–3 ngày/lần. Cần có sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Chữa cảm mạo: dùng lá trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới

- Chữa viêm họng: Lá bạc hà, húng quế, lá trầu không, mật ong và gừng. Đem các thảo dược rửa sạch và ép lấy nước. Sau đó trộn đều với mật ong và ngậm.

- Chữa các bệnh ngoài da như lở loét, côn trùng cắn, rôm sảy, chàm và hắc lào: 1 nắm lá trầu không. Rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát lá trầu và hòa với nước sôi để nguội. Dùng nước để rửa và đắp vào vùng da bị tổn thương.

- Chữa nấm kẽ chân: Lá trầu không 8 g, lá ráy 50 g, phèn chua 20 g. Tất cả đem sắc lấy nước ngâm chân trong 15 phút.

- Thông tia sữa:Sau khi sinh sản phụ cương sữa lấy lá trầu không hơ nóng áp vào bầu vú giúp sữa xuống nhanh giảm đau nhức. Hoặc có thể lấy lá trầu không tẩm một chút dầu gió áp vào bầu vú sẽ kích thích sữa chảy nhanh và tuần hoàn dòng sữa.

- Điều trị hôi nách: Sử dụng lá trầu không giã nát lấy nước cốt, hạt cau đun lấy nước, thêm nước vôi trong và lau lên vùng nách, mỗi tuần thực hiện 2 - 3 lần và bạn sẽ thấy được hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý khi sử dụng lá trầu không

- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em và người già nên tránh sử dụng lá trầu không quá liều vì có thể gây hại đến thai nhi và mẹ bầu.

- Những người mắc bệnh mãn tính hoặc các bệnh lý nghiêm trọng cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng lá trầu không để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

- Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ.

- Lá trầu không có thể tương tác với một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc dược liệu khác.

- Tránh lạm dụng lá trầu để điều trị bệnh, vì đây chỉ là dược phẩm hỗ trợ sức khoẻ, không có khả năng thay thế thuốc chữa bệnh.

Lam Anh (t/h)

https://suckhoeviet.org.vn/

Phiên bản di động