e magazine
[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

07:00 | 11/05/2024

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150 nghìn ha, trồng cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150 nghìn ha, trồng cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

Thu hoạch quế ở Văn Yên, Yên Bái.

Nguồn gốc, phân bố cây quế

Quế là loại gia vị lâu đời nhất trên thế giới. Nó được phát hiện và sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc. Sau đó lan sang châu Âu và đi khắp thế giới bằng con đường giao thương buôn bán.

Trên thế giới, cây được trồng ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ…

Ở nước ta, Quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, phải kể đến bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa - Nghệ An và Quảng Nam - Quảng Ngãi. Ngoài ra, mỗi vùng miền có thể có cách gọi tên khác như Quế Yên Bái, Quế Qùy, Quế Quảng, Mạy quế (Tày)…

Cây quế khi mới trồng cần có bóng che để sinh trưởng phát triển, càng lớn thì mức độ chịu bóng của cây càng giảm. Khoảng 3-4 năm trồng cây quế sẽ hoàn toàn ưa sáng. Lúc đó bộ rễ cây đã phát triển vững chắc, rễ lớn cắm sâu vào đất, rễ nhỏ đâm rộng đan chéo vào nhau. Nhờ đó cây có trụ vững chãi, sinh trưởng khỏe mạnh ở các khu vực đất đai kém màu mỡ, đồi núi dốc. Cây quế rừng có chu kì sinh trưởng khá dài. Phải mất 8-10 năm tuổi cây mới bắt đầu ra hoa bé chỉ tầm nửa hạt gạo nhưng mùi rất thơm mát dịu cả vùng đồi.

[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

Thông thường, những rừng quế thấp thì chỉ khoảng 3-5 năm là người dân có thể thu hoạch. Tuy nhiên đối với sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu cây quế phải trên 15 năm tuổi. Tất cả bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có thể dùng được. Nhưng người ta chủ yếu thu hoạch vỏ quế, cành quế hay lá để phơi khô hoặc cất tinh dầu.

Quế rừng thường mọc hỗn giao trong những khu rừng nhiệt đới ẩm tự nhiên. Nước ta thường quy hoạch các vùng cạnh cây tự mọc định hướng thành 4 vùng trồng quế chủ chốt bao gồm: vùng Quế Trà Mi; vùng Quế Yên Bái; vùng Quế Quế Phong và vùng Quế Quảng Ninh. Mỗi vùng lại có những đặc trưng sắc thái riêng biệt.

[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

"Với những thông tin quy hoạch, khu vực Thành phố Thủ Đức đã tăng giá rất nhanh và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ tăng sẽ được điều chỉnh theo từng khu vực, tùy thuộc vào thông tin về quy hoạch và những tuyến giao thông kết nối", ông Phúc bình luận.

Phát triển ổn định và bền vững vùng trồng quế

Quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay. Đây là tín hiệu tốt, song thực tế này cũng có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển trồng cây quế ồ ạt tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động sản xuất, các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng tăng theo. Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, khó đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra. Điều này sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế và các doanh nghiệp liên quan đến chế biến và xuất khẩu quế ở Việt Nam.

[E-Magazine] Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

Tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên), với diện tích tự nhiên hơn 52 nghìn héc-ta, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 65%, nông dân đã lựa chọn phát triển cây quế là hướng đi phù hợp... Kết quả, sau 5 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 2.250 ha quế. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng quế. Tại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều huyện miền núi được coi là trung tâm của cây quế, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể, đồng thời trực tiếp hỗ trợ cơ chế, chính sách, tài chính cho người trồng quế. Theo đó, chính sách nhằm bảo tồn giống quế gốc bản địa, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng quy hoạch trồng quế.

Các tỉnh khác như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… cũng đang tích cực triển khai hiệu quả đề án phát triển cây quế theo hướng quy hoạch ổn định, bền vững. Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có hơn 9.500 ha rừng trồng quế, doanh thu từ quế đạt hơn 300 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.

Riêng tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, nhờ giá quế tăng cao, đồng bào các dân tộc một số địa phương đã kịp thời chuyển đổi các loại cây có giá trị kinh tế thấp hơn sang trồng quế. Huyện Văn Yên hiện có khoảng 50 nghìn héc-ta diện tích đất trồng quế, mỗi năm xuất bán ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây quế trở thành cây làm giàu cho nông dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/năm. Để phát triển ổn định, huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cây quế cho các xã từ năm 2010. Đặc biệt, từ năm 2020, quế Văn Yên trở thành một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.

Lam Anh

Phiên bản di động