Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển và nuôi trồng dược liệu. |
Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Tiềm năng dược liệu Việt Nam
Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…
Với lịch sử lâu đời về sử dụng cây dược liệu trong thực tiễn y tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, cây dược liệu ở Việt Nam là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hoá mỹ phẩm…
Một mô hình trồng dược liệu sạch ở Nam Định. |
Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. |
Có thể nói, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - vốn là địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hướng đi nào cho kinh tế dược liệu?
Thị trường tiêu thụ dược liệu, sản phẩm thảo dược toàn cầu rất lớn, là cơ hội để tập trung đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, tham gia thị trường thảo dược quốc tế.
Hiện nay, nguồn dược liệu trong nước để phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng và cổ truyền, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Đến nay, dược liệu trong nước đã được quan tâm để nuôi trồng, tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chất lượng dược liệu của Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Chúng ta thường xuyên kiểm tra và giám sát phát hiện dược liệu kém chất lượng.
Trong công tác quản lý, việc kiểm định chất lượng dược liệu được làm hàng năm. Theo số liệu thống kê, chất lượng dược liệu sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh luôn đảm bảo. Với các loại thuốc được đưa vào bệnh viện sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu, có nguồn gốc, chất lượng mới được sử dụng chữa bệnh. Chỉ có khoảng dưới 1% dược liệu trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Về xuất khẩu dược liệu, chúng ta đang có những thế mạnh ở một số mặt hàng trọng tâm như: quế hồi, sả, chanh, nghệ, gấc…
Riêng nghệ, Việt Nam đang ký hợp đồng xuất khẩu với Nhật, Mỹ và đang không đủ sản lượng để xuất khẩu.
Đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Hiện nay, với quế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh dầu thô sang Trung Quốc và một số nước khác. Theo ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200.000 ha quế. Vùng quế trồng quế lớn nhất của Việt Nam là tại Yên Bái. Bộ Y tế đang định hướng cho một số tỉnh có điều kiện thích hợp như Quảng Nam, Cao Bằng, Lào Cai tập trung phát triển loại cây trồng này.
Những năm gần đây, bằng nỗ lực của cả các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và quốc tế, nguồn thuốc đông y “thuận tự nhiên”, thuần Việt Nam “sạch” đang được vực dậy hết sức tích cực.
Từ các vùng trồng dược liệu của người nông dân hoặc do các doanh nghiệp dược liệu đầu tư xây dựng trước đây, nhiều tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Châu Âu và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới GACP-WHO, tiêu chuẩn Hữu cơ Organic, tiêu chuẩn ISO 22000... được áp dụng dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường thuộc khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu-EU.
Hiện tại 22 tỉnh thành đang thụ hưởng và thực hiện sự đầu tư của Nhà nước về phát triển các cây dược liệu trọng điểm và mỗi tỉnh đang làm thí điểm khoảng 1 huyện, mỗi huyện chọn từ một vài loại dược liệu để làm sao phát triển trở thành kinh tế mũi nhọn. Sau này chúng ta trở thành những mô hình nhân rộng để phát triển.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3175/VPCP-KGVX ngày 10/5/2024 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu. Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. |
Để khai thác hết tiềm năng của cây dược liệu cần các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế, hội trợ nhằm tìm đối tác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gene, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Hiện đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế; tại 7 vườn cây thuốc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh).
Quy hoạch phát triển dược liệu được Chính phủ quan tâm, thực hiện quy hoạch tổng thể từ năm 2013. Đến năm 2021, Chính phủ ký Quyết định 1719 về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung phát triển dược liệu quý. Những chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Lam Anh (t/h) |