Những vị thuốc đông y nên có trong gia đình
Những vị thuốc đông y này sẽ giúp bạn và các thành viên trong gia đình chữa được một số chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống.
Cam thảo bắc là một vị thuốc bổ khí, có tác dụng chống suy nhược cơ thể. Đông y cũng thường sử dụng cam thảo bắc làm thuốc dẫn vào kinh, chữa nhiều bệnh như viêm họng, ho nhiều đờm, bệnh đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng... Cam thảo bắc còn có tác dụng giải độc, điều hòa tác dụng của các vị thuốc trong bài thuốc. Liều dùng: 2 – 9g/ngày dưới dạng thuốc sắc. |
Nhân sâm đại bổ nguyên khí, tăng cường thể lực, trí lực. Nhân sâm bổ tỳ, ích phế, phục mạch, cố thoát, sinh tân, trấn tĩnh, giảm đau, chống mệt mỏi. Chủ trị suy nhược cơ thể, chứng tim đập hồi hộp, phòng bệnh suy tim, mất ngủ, hay quên, chân tay không có lực, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn cương dương, rối loạn tiêu hóa, phổi yếu, thở hổn hển, khí đoản, kiệt sức, ngất do bệnh tim. Liều dùng: 3-9 g/ngày dưới dạng lát cắt để ngậm hoặc hãm nước uống như trà. |
Sơn tra có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, phù trợ chính khí, tiêu thực, kiện vị. Chủ trị đầy bụng, đau dạ dày, trướng bụng, ứ huyết, bế kinh, ứ trệ sau sinh, đau tim, đau bụng... Nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh rằng sơn tra có thể khai tắc thông trệ ( tụ máu); tăng cường lưu lượng máu trong động mạch cơ tim, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, có tác dụng trong điều trị bệnh mỡ máu cao. Liều dùng : 4-16g/ngày dưới dạng thuốc bột; 3- 6/ngày quả dưới dạng thuốc sắc |
Kỷ tử có tác dụng dưỡng can thận, nhuận phế, ích tinh, sáng mắt. Chủ trị chứng can thận âm hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, ù tai, mắt kém, đau lưng mỏi gối, suy nhược thần kinh, đái tháo đường, viêm gan mạntính... Vỏ rễ có tác dụng hạ huyết áp, giảm sốt, kháng khuẩn, trừ hư phiền, thanh nhiệt, đi tiểu ra máu. Liều dùng: Kỷ tử quả 6 – 12g/ngày; Rễ kỷ tử 6 - 12g/ngày dưới dạng thuốc sắc. |
Sinh khương (gừng tươi) có tác dụng phát tán phong hàn, hạ nhiệt, giảm sốt, giảm đau, giảm ho, lợi niệu, giải độc, chống co thắt, chống viêm, cường tim, chống nôn, kích thích tiêu hóa… Dùng trị cảm lạnh, đầy bụng, trướng bụng, gây nôn, mửa, ho, nhiều đờm, giải độc, kích thích tuyến nước bọt, ức chế sự phát triển của nhiều chủng nấm… Liều dùng: 4 - 12g/ngày; Giã lọc lấy nước cốt hoặc sắc uống. |
Cúc hoa lợi kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt. Dùng chữa chứng cảm mạo, đau đầu, chóng mặt, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt sang lở. Liều dùng: 6-12g/ngày. Hãm với nước nóng uống như trà. |
Táo đỏ khô chứa ít calo, rất giàu chất xơ cùng các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt trong táo đỏ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt và cần thiết như vitamin C hay kali… Đây là món ăn nhẹ rất tốt cho sức khỏe.
Sử dụng táo đỏ khô sẽ giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa; thúc đẩy hoạt động của các chất chống oxy hóa trong cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ và chức năng của não. Táo đỏ cũng có thể ức chế hoạt động của các tế bào ung thư, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị ung thư hiệu quả hơn.
Liều dùng: 2-3 quả/ngày
Thạch quyết minh là vỏ phơi khô của các loại bào ngư. Tên gọi này xuất phát do bề ngoài của dược liệu giống như đá và có tác dụng minh mục (làm sáng mắt). Thạch quyết minh có tác dụng bổ gan thận, thanh nhiệt làm sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện, được dùng trong trường hợp đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thong manh, mắt mờ có màng mộng, thị lực kém. Liều dùng: 4-8g/ngày dưới dạng thuốc bột hoặc 8-20g/ngày dưới dạng thuốc sắc. |
Lam Anh (t/h) |