Thiếu niên 14 tuổi có tinh hoàn "đi lạc" lên ổ bụng
Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cho hay, mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu - Nam khoa đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có tinh hoàn nằm trên ổ bụng.
Thanh niên 18 tuổi mất một tinh hoàn vì đến viện muộn Tuyên Quang: Cắt bỏ khối u tinh hoàn nặng hơn 4kg cho người đàn ông |
Thiếu niên N.V.B.K (14 tuổi, trú tại Đà Nẵng) gần đây thi thoảng đau bẹn trái khi chơi thể thao nên gia đình đưa đến bệnh viện. Theo gia đình, từ nhỏ đã phát hiện con không có tinh hoàn trái, nhưng thấy con vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt, vui chơi như trẻ bình thường nên nghĩ không sao.
Tại khoa Ngoại Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cháu K. được bác sĩ thăm khám, đánh giá và thực hiện thêm cận lâm sàng như siêu âm, CT scan để chẩn đoán xác định.
![]() |
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh: BV Hoàn Mỹ. |
Các bác sĩ xác định chỉ có tinh hoàn phải ở trong bìu, còn tinh hoàn trái không có ở bìu, và khám không thấy ở ống bẹn trái. Vì vậy tiếp tục siêu âm, chụp cắt lớp vi tính để tìm kiếm chính xác vị trí của tinh hoàn trái. Kết quả cận lâm sàng cho thấy tinh hoàn trái của bé trai… chạy lên ổ bụng.
Sau hội chẩn và thực hiện một số xét nghiệm, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi qua ổ bụng, hạ tinh hoàn trái xuống bìu 1 thì và cố định tinh hoàn ở bìu cho trẻ. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày điều trị.
BS. Bùi Quốc Triệu, Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu - Nam khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết trường hợp tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm ở bẹn hay trong ổ bụng nếu không phát hiện và điều trị sớm, khi trẻ lớn lên có nguy cơ teo tinh hoàn, không có khả năng sinh tinh, thậm chí là ung thư.
Tinh hoàn lạc chỗ, không điều trị sớm dễ vô sinh
Tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm ở bẹn hay trong ổ bụng là bất thường bẩm sinh phổ biến ở bé trai. Khoảng 1-3% bé trai đủ tháng mắc bệnh khi mới sinh. Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ mắc cao hơn.
Không phát hiện và điều trị sớm, nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ khi lớn từ bệnh tinh hoàn ẩn là teo tinh hoàn, không có khả năng sinh tinh, thậm chí là ung thư. Khả năng tinh hoàn tự xuống bìu sau 6 tháng tuổi là cực kì thấp, do vậy bố mẹ nên đưa trẻ đến điều trị sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu - Nam khoa uy tín. Trẻ bị tinh hoàn ẩn tốt nhất nên được phẫu thuật trong vòng 12 tháng đầu đời.
Nhận biết tinh hoàn ẩn ở bé trai không khó. Bố mẹ cần quan sát hình thái bất thường ở bìu của trẻ sau sinh: bìu có thể trông nhỏ và kém phát triển; bìu có thế mất đối xứng (nếu trẻ chỉ có 1 bên tinh hoàn); tinh hoàn thoát ẩn thoát hiện (có lúc thấy tinh hoàn ở bìu, có lúc lại không)… Quan sát bìu trẻ có những biểu hiện bất thường bố mẹ cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế có chuyên môn để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.