Bạc hà là loại thảo mộc được sử dụng rất nhiều để làm rau sống, gia vị trong món ăn và đồ uống. Với hương vị thanh mát, cay nhẹ và mùi hương dễ chịu, bạc hà được rất nhiều người ưa thích. Không những vậy, bạc hà còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. |
Đặc điểm chung của cây bạc hà |
Bạc hà có tên khoa học Mentha arvensis L., thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Bạc hà là một vị thuốc rất phổ biến ở nước ta, được dùng trong cả đông và tây y. Cây bạc hà cho những vị thuốc chủ yếu sau: + Bạc hà (Mentha hay Herba Menthae) là toàn bộ phận trên mặt đất, tươi hay phơi hoặc sấy khô của cây bạc hà. + Bạc hà diệp (Folium Menthae) là lá bạc hà tươi hay phơi hoặc sấy khô. + Tinh dầu bạc hà (Oleum Methae) là dầu cất từ cây bạc hà. + Mentol hay bạc hà não (Mentol-Menthol) là chất đặc, trắng chiết từ tinh dầu bạc hà ra. Với tinh dầu bạc hà và menthol, người ta còn chế nhiều dạng thuốc rất phổ biến khác như dầu cù là nước hoặc cao (dầu con hổ), kẹo ngậm ho bạc hà, rượu bạc hà, thuốc đánh răng bạc hà… |
Rau bạc hà là một loại cây thân thảo và sống lâu năm có nguồn gốc từ châu Âu và Trung Đông, nhưng hiện nay chúng đã được gieo trồng khắp nơi trên thế giới. Rau bạc hà thường sẽ mọc ở những nơi có vùng bóng râm và ẩm ướt. Bên trong cây bạc hà có chứa rất nhiều tinh dầu thơm, nên người ta thường sẽ dùng lá và ngọn hoa tươi để làm thuốc bởi vì có chứa nhiều menthol. Hiện nay, người ta còn áp dụng tinh chất có trong lá bạc hà để làm chất tạo gia vị cho nhiều dòng sản phẩm từ ăn uống, đến nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, mọc hoang cả ở miền đồng bằng và miền núi. Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỉ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ 0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Ngoài tinh dầu, trong cây bạc hà còn có các flavonoid. |
Trong y học cổ truyền, rau bạc hà được sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn. Nó cũng có tác dụng giảm đau đầu và làm dịu cảm giác căng thẳng. Tinh dầu bạc hà và menthol dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu. Ngoài ra, bạc hà là một vị thuốc chữa loét dạ dày, làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau. Bên trong lá bạc hà có rất nhiều chất dinh dưỡng như các chất chống oxy hóa, vitamin A, vitamin B1, B2, B3, kali, magie, canxi, sắt, chất xơ, vitamin C… Tất cả những chất dinh dưỡng này sẽ giúp bổ sung chất dinh dưỡng và đề kháng bảo vệ cơ thể, đặc biệt là tăng cường thị lực. Không những thế, bạc hà lại có lượng calo rất thấp, trong 100 gram lá bạc hà chỉ chứa khoảng 16 Kcal. Ngoài ra bên trong bạc hà chứa rất ít protein, ít carbohydrate (100 gram bạc hà chỉ chứa khoảng 4 gram carb, trong đó bao gồm cả 2 gram chất xơ) và lượng chất béo cũng không đáng kể cho nên bạc hà rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là công dụng làm giảm mức Cholesterol trong máu và ngăn ngừa bị mắc bệnh béo phì. |
Công dụng của bạc hà với sức khỏe |
Trị bệnh cảm lạnh Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong tinh dầu bạc hà có các chất có tác dụng làm tan đờm, chất dịch nhầy và làm thông mũi bằng cách tống đờm ra khỏi cơ thể. Do đó, bạc hà có thể sử dụng để trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hiệu quả cho việc loại bỏ tắc nghẽn ở mũi và cải thiện hơi thở. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường Theo nghiên cứu, lá bạc hà hỗ trợ người bệnh giảm lượng đường có trong máu. Điều này chứng minh rằng, bạc hà có tác động tích cực trong việc hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường. Kháng viêm Trong bạc hà có chứa các loại tinh dầu giúp kháng viêm, chống viêm khớp hay các vấn đề liên quan đến đường ruột như: Eugenol, Linalool, Citronellol. Ngoài ra acid rosmarinic có trong bạc hà cũng đã được nghiên cứu có khả năng làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa. Do đó, tinh dầu bạc hà thường được dùng để điều chế dầu gió, thuốc xoa bóp… |
Giảm đau dạ dày và chứng khó tiêu Bạc hà còn có hiệu quả giảm chứng khó tiêu cũng như các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Thông thường, chứng khó tiêu xảy ra là do thức ăn nằm trong dạ dày quá lâu và nếu dùng kết hợp thêm rau bạc hà trong bữa ăn hàng ngày sẽ làm giảm triệu chứng này. Hơn thế nữa, các bác sĩ cũng đã kết hợp tinh dầu bạc hà trong số một loại thuốc chuyên điều trị bệnh khó tiêu. Giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tâm thần Bạc hà có hương thơm dễ ngửi, thanh mát, đặc biệt là ngửi tinh dầu bạc hà rất có lợi cho sức khỏe như cải thiện chức năng não, giảm căng thẳng và giúp tỉnh táo. Một số người cho rằng, sau khi ngửi mùi thơm của bạc hà trước khi làm bài kiểm tra 5 phút đã giúp họ cải thiện trí nhớ đáng kể. Hơn thế nữa, đối với những người lái xe, việc dùng kẹo cao su có hương bạc hà hoặc ngửi dầu bạc hà khiến họ tập trung lái xe, tăng cường tỉnh táo, giảm lo lắng, căng thẳng. Ngoài ra, một nghiên cứu đã chứng minh rằng hương thơm từ bạc hà còn giúp con người tăng thêm sinh lực, giảm mệt mỏi, tuy nhiên lại không gây ảnh hưởng đến não bộ như các chất kích thích khác. Làm sạch và giảm hôi miệng Hiện nay, tinh dầu bạc hà là thành phần chính của một số loại kem đánh răng, kẹo cao su, kẹo ngậm… vì chúng có công dụng giúp giảm hôi miệng trong vài giờ sau khi sử dụng. Có thể kết hợp thêm uống trà bạc hà hoặc nhailá bạc hàtươi để có hơi thở thơm mát. Hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch Hơn thế nữa, việc sử dụng bạc hà có thể giúp phòng chống các liên quan đến bệnh tim mạch. Carvone có trong bạc hà là một hợp chất giúp làm giảm sự co thắt của mạch máu nên làm hạ đường huyết rất hiệu quả. Chống nhiễm trùng, giúp vết thương nhanh lành Kháng khuẩn và kháng viêm là đặc tính của tinh dầu bạc hà, do đó nếu dùng bạc hà bạn sẽ giúp làm giảm một số loại vi khuẩn trong miệng và hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn sinh ra từ một số loại thực phẩm như: vi khuẩn E.coli, Listeria, Salmonella. Đặc biệt nhờ tính kháng viêm và giảm đau hiệu quả nên chiết xuất từ lá bạc hà có thể sẽ giúp phục hồi và chữa lành vết thương một cách nhanh chóng. |
Các loại trà có thêm lá bạc hà tạo hương vị thơm mát, dễ chịu. |
Phòng ngừa loét dạ dày Tinh dầu bạc hà giúp bảo vệ thành dạ dày hiệu quả khỏi những tác động tiêu cực của indomethacin và ethanol. Nó có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm loét dạ dày do thường xuyên dùng thuốc giảm đau hoặc do uống nhiều bia rượu, chất kích thích. Ngăn ngừa hội chứng đa nang buồng trứng Bạc hà có công dụng giúp cân bằng hormone trong cơ thể. Theo nghiên cứu, nếu phụ nữ uống 2 tách trà bạc hà mỗi ngày, thì cơ thể sẽ giảm nội tiết tố nam testosterone và tăng các loại nội tiết tố nữ cần thiết cho sự rụng trứng như hormone luteinizing (LH), hormone giúp kích thích nang trứng (FSH) và estradiol. Do đó, bạc hà có công dụng rất tốt giúp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Trị hội chứng ruột kích thích (IBS) Trong nhiều nghiên cứu, sử dụng bạc hà kết hợp với dầu chanh và rau mùi sẽ giảm được triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS) như tiêu chảy, hoặc táo bón. Giảm buồn nôn và nôn sau điều trị ung thư Ngoài ra, việc bổ sung bạc hà sẽ giúp cải thiện được các triệu chứng đau bụng, đầy hơi và khó chịu. Hơn nữa, bạc hà còn giúp làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn sau khi điều trị ung thư. |
các Bài thuốc chữa bệnh có bạc hà |
- Tán nhiệt, giải biểu + Thang thanh giải: Bạc hà 8g, thuyền thoái (xác ve sầu bỏ chân) 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Chữa các chứng cảm mạo mới phát với các chứng phong nhiệt ở biểu. + Bột thạch cao bạc hà: Thạch cao sống 40g, bạc hà diệp 20g. Nghiền thật mịn. Mỗi lần uống 2g đến 3g. Ngày uống 3 lần, uống với nước nóng và uống nhiều nước. Trị sốt, sợ nóng, mồ hôi không thoát, miệng khát, tim hồi hộp, đêm ngủ không ngon. - Trừ phong, giảm đau + Thang tổng phương lục vị: Bạc hà 4g, cát cánh 8g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, cương tằm 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng trong trường hợp phong nhiệt sinh ra đau đầu, đỏ mắt, yết hầu sưng đau. |
- Thúc sởi, tống độc Bạc hà 4g, ngưu bàng tử 12g, thuyền thoái 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị sởi chưa mọc (khi sởi mới phát) và mề đay ngứa ngáy. - Đường phèn chế bạc hà đậu xị Bạc hà 8g, đạm đậu xị 9g, đường phèn 10g. Nấu hãm nước cho uống ngày 1 lần. Dùng đợt 3 - 5 ngày. Dùng cho các trường hợp ù tai, điếc tai, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu có kèm theo sốt nóng, sợ lạnh, đau mỏi toàn thân. - Nước hãm gừng bạc hà Bạc hà 8g, gừng tươi 6g, đường phèn vừa đủ. Gừng tươi thái lát cho vào ấm pha trà cùng với bạc hà, đường, cho nước sôi hãm uống. Đợt dùng 5 - 10 ngày. Dùng cho các trường hợp nhức đầu, mờ mắt, giảm thị lực. - Bạc hà cúc hoa trà Bạc hà 6g, cúc hoa 10g, cát cánh 10g, sơn tra 10g, mật ong lượng thích hợp. Cho nước sôi pha hãm, uống thay chè. Mỗi ngày 1 -2 lần. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng. |
Trà hoa cúc bạc hà. |
- Trị nôn, thông mật, giảm các bệnh về tiêu hóa Nghiền nhuyễn lá bạc hà hoặc 5g cây bạc hà đã bỏ rễ cùng 200ml nước sôi. Cứ cách 3 giờ, uống một lần. - Chữa bệnh chảy máu cam Giã nhỏ 10g bạc hà tươi và vắt lấy nước, sau đó bạn thấm bông gòn rồi cho vào lỗ mũi giúp trị bệnh chảy máu cam. - Chữa các vết cắn do côn trùng như ong, kiến Giã bạc hà tươi cùng với vài hạt muối ăn, sau đó bạn đắp lên chỗ bị đốt sẽ giúp cải thiện sưng, viêm hiệu quả. - Chữa đầy bụng, đau bụng, khó tiêu Dùng 50glá bạc hà khô cùng với 50g tinh dầu bạc hà và 1 lít rượu nặng 90 độ, sau đó mỗi ngày pha với 5 - 10 giọt cùng nước ấm để uống. |
Tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi hay bôi trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể dẫn tới ngừng thở và tim. Hiện tượng này hay xảy ra đối với trẻ nhỏ, do đó tuyệt đối không dùng tinh dầu bạc hà hay dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ sơ sinh. |
Lam Anh |