e magazine
[E-Magazine] Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

06:45 | 30/09/2024

Hoa hồng được mệnh danh là "nữ hoàng của các loài hoa" nhờ vẻ đẹp yêu kiều và đa dạng về màu sắc, hương thơm. Không những thế, hoa hồng còn có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả.
Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Hoa hồng được mệnh danh là "nữ hoàng của các loài hoa" nhờ vẻ đẹp yêu kiều và đa dạng về màu sắc, hương thơm. Không những thế, hoa hồng còn có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả.

Hồng hay hường là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài với màu hoa đa dạng, phân bố từ miền ôn đới đến nhiệt đới. Các loài này nổi tiếng vì hoa đẹp nên thường gọi là hoa hồng. Phần lớn có nguồn gốc từ bản địa châu Á, số ít còn lại có nguồn gốc bản địa từ châu Âu, Bắc Mỹ và Tây Bắc Phi. Các loài bản địa, giống cây trồng và cây lai ghép đều được trồng làm cảnh và lấy hương thơm và được làm quà.

Về dược tính, hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng.

Người Trung Quốc và nhiều nước châu Á đã dùng nước hoa hồng để chữa bệnh từ rất lâu đời. Loại hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tay, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch hầu.

Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Lợi ích sức khỏe của hoa hồng

Cải thiện trí nhớ

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Dự phòng Quốc tế cho thấy hoa hồng cũng là một loại thuốc giúp cải thiện nhận thức ở những người mắc chứng mất trí nhớ.

Việc kết hợp nước hoa hồng và tinh dầu hoa hồng sẽ có tác dụng rất tốt cho những người có vấn đề về trí nhớ.

Bệnh đau nửa đầu

Cùng với hoa violet và rau mùi, hoa hồng là chất tự nhiên được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị chứng đau nửa đầu và chứng suy nhược.

Sử dụng một hoặc hai giọt tinh dầu hoa hồng vào lòng bàn chân, bàn tay hoặc pha loãng thoa hai bên thái dương có thể hỗ trợ điều trị chứng đau nửa đầu rất hiệu quả.

Kháng khuẩn, chống viêm nhiễm

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Cổ truyền cho thấy, hoa hồng có đặc tính chống vi khuẩn và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh vi khuẩn sẽ không còn cơ hội sống sau khi tiếp xúc với cánh hoa hồng tươi trong khoảng 5 phút. Do vậy mà hoa hồng trở thành loại dược phẩm hoàn hảo cho các bệnh ngoài da.

Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Giảm viêm họng

Trong y học cổ truyền Ấn Độ, bài thuốc từ hoa hồng thường được sử dụng để làm dịu cơn đau họng. Có thể các bài thuốc dân gian từ hoa hồng xuất phát từ công dụng kháng khuẩn của loài hoa này.

Chăm sóc da

Hoa hồng là loài hoa đầu tiên được dùng để tinh chế ra các loại dầu thơm và nước hoa trên thế giới. Tinh dầu hoa hồng có công dụng giảm viêm, xoa dịu và làm mát phù hợp với mọi loại da.

Nước hoa hồng cũng là loại nước có tác dụng khử trùng hiệu quả đối với các bệnh lý về da và nhiễm trùng mắt.

Cân bằng nội tiết

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pharmacopsychiatry phát hiện ra rằng hoa hồng có tác dụng trong việc điều trị mất cân bằng nội tiết tố và cải thiện sức khỏe sinh sản ở nữ giới.

Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Bài thuốc dân gian từ hoa hồng

- Điều trị tăng huyết áp: Sắc hoa hồng bạch cùng với nước hoặc cho vào ấm để hãm như hãm chè bình thường và uống thay nước hằng ngày.

- Chữa táo bón: 20-40g cánh hoa hồng trắng tươi hoặc khô đem hãm mới 100ml nước. Chờ đến khi nước sôi khoảng 20 phút thì bỏ thêm nửa thìa mật ong và uống trước các bữa ăn. Uống liên tục trong khoảng 10 ngày.

- Chữa ho cho trẻ em: Lấy cánh hoa hồng bạch còn tươi 15g, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn. Cho tất cả vào chén nhỏ hoặc bát nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

- Chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh: Hoa hồng đỏ, ích mẫu mỗi vị 9 g, sắc nước uống trong ngày. Hoặc lấy rễ hoa hồng đỏ phối hợp với hoa mào gà (mỗi vị 30g) cùng với 9g ích mẫu, sắc nước, lọc bỏ bã, sau đó thêm trứng gà rồi hầm kĩ uống.

- Chữa băng huyết ở phụ nữ: Lấy 20g cánh hoa hồng đỏ mới nở, hãm với 1 lít nước sôi trong bình sứ trong khoảng 30 phút. Khi nước đã có màu đỏ, đem lọc rồi cho thêm 50g đường khuấy tan. Mỗi lần uống từ 200 - 250ml, uống đều hàng ngày đến khi máu cầm thì thôi.

- Chữa loét lở mồm, phồng rộp lưỡi: 5g bột hoa hồng đỏ (hoa sấy khô, tán nhỏ) ngâm với 25ml rượu trong vòng 24h, đem đun lửa nhỏ cho rượu bay hơi, còn lại nước sền sệt, cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều, để nguội. Dùng bông chấm thuốc bôi vào chỗ loét rộp. Ngày bôi từ 2 - 3 lần.

- Chữa viêm họng: Mật ong, hoa hồng đỏ đem pha loãng với nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối hoặc ít hàn the, dùng làm thuốc súc miệng hàng ngày.

- Chữa tràng nhạc, lao hạch: Rễ cây hoa hồng đỏ 15g, hầm với cá ăn.

Hoa hồng - Vị thuốc quý từ thiên nhiên

- Làm đẹp da mặt: Lấy 20g hoa hồng đỏ, rửa sạch cho vào chậu nước ấm để khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó rửa mặt mỗi ngày giúp làn da căng mịn, sạch bụi bẩn. Cũng có thể lấy nước hoa hồng để tắm. Làm kiên trì, da sẽ mịn màng, tươi mát.

- Trị rối loạn tiêu hóa chán ăn hoặc thèm ăn vô độ

Cách 1: Cánh hoa hồng, hoa kim cúc lấy theo tỉ lệ 30:30 thêm nước vào đun cho đến khi cô đặc lại thành siro. Bỏ phần siro này vào lọ nhỏ để uống dần, ngày uống khoảng 2 đến 3 lần mỗi lần 100 đến 150ml.

Cách 2: 6g hoa hồng, 3g hoa nhài, 9g kim ngân hoa và 3g cam thảo đem hãm và uống.

- Trị viêm vú: Hoa hồng 30 đóa, sau khi phơi râm mát, bỏ cuống và tim, ngâm trong rượu vừa đủ, đem chưng cách thủy, lấy nước uống ấm lúc bụng no, rất hiệu quả thời kỳ đầu bị viêm vú.

Tinh dầu hoa hồng là chất an thần, làm dịu các chứng bệnh về tiêu hóa, trị đau nhức, căng thẳng thần kinh, suy nhược, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt. Ngoài tác dụng kích thích tuần hoàn máu, nó còn là chất sát khuẩn nhẹ, ít độc trong các loại tinh dầu nên có thể dùng cho trẻ nhỏ.

Nước hoa hồng có tác dụng như một loại sữa, làm mát dịu và sạch sẽ làn da, có tính sát khuẩn nhẹ và làm hưng phấn tinh thần.

Có thể làm dầu hoa hồng tại nhà theo cách sau:

- Ngâm 2 nắm cánh hoa hồng đỏ mới hái vào dầu hạnh đào hoặc dầu hạt dẻ.

- Đun cách thủy ở 40 độ C khoảng 10 phút và ngâm tiếp từ 24 đến 48 giờ. Sau đó lọc và dùng như dầu massage có hương thơm và dịu.

Dầu này có thể để lâu được từ 3 đến 4 tháng.

Lam Anh

Phiên bản di động