e magazine
[E-Magazine] Khám phá tác dụng của cây thiên lý

15:00 | 10/07/2024

Thiên lý là một loại cây leo có khá nhiều công dụng. Không chỉ là một thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng, thiên lý còn là một vị thuốc tự nhiên, lành tính.
[E-Magazine] Khám phá tác dụng của cây thiên lý

Thiên lý là một loại cây leo với khá nhiều công dụng. Không chỉ là một thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng, thiên lý còn là một vị thuốc tự nhiên, lành tính.

Đặc điểm của cây thiên lý

Cây thiên lý có tên khoa học là Telosma cordata (Burm.f.) Merr., thuộc họ Thiên lý; thường được dùng chế biến cho các món ăn bổ mát trong mùa hè.

Thiên lý là một loại cây nhỏ, mọc leo, thân hơi có lông, nhiều nhất ở những bộ phận còn non. Lá mọc đối, hình tim, khía mép ở khoảng 5-8mm về phía cuống, đầu lá nhọn, có lông trên các gân lá; phiến lá dài 6-11cm, rộng 4-7,5cm; cuống cũng có lông, dài 12-20 mm.

Hoa nhiều, màu vàng xanh lục nhạt, thành xim tán, có cuống to, hơi có lông, dài 10-22mm, mang nhiều tán mọc mau, liền với nhau. Hương hoa thơm ngát, nhất là về đêm, nên có tên là "dạ lai hương" ("dạ" = đêm, "lai" = đến, "hương" = mùi thơm).

Khám phá về tác dụng của cây thiên lý
Hoa thiên lý.

Bộ phận thường được sử dụng của cây hoa thiên lý chính là phần lá non và phần hoa. Theo y học, hoa thiên lý có tác dụng cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh.

Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bình can, minh mục (sáng mắt), tiêu viêm, tan màng mộng, làm lành vết thương (kích thích vết thương lên da non), an thần, giúp ngủ ngon và chữa giun kim.

Ngoài ra, thiên lý còn có tác dụng giảm đau lưng, giảm mệt mỏi sau một ngày làm việc nặng nhọc hoặc căng thẳng. Lá thiên lý có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, dùng chữa mụn nhọt, vết thương ngoài da lở loét, chữa bệnh trĩ ngoại và phụ nữ bị sa dạ con (tử cung). Rễ có thể sử dụng hỗ trợ điều trị chữa tiểu buốt, tiểu ra máu…

Khám phá về tác dụng của cây thiên lý

Công dụng nổi bật của cây thiên lý với sức khỏe

Ngăn ngừa rôm sảy

Vào mùa hè nóng bức, trẻ em thường dễ mắc bệnh rôm sảy, gây cảm giác ngứa ngáy và khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Với đặc tính thanh nhiệt và giải độc, hoa thiên lý đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm triệu chứng của bệnh rôm sảy.

Hỗ trợ giảm cân

Trong hoa thiên lý không chì chứa ít calo mà còn chứa nhiều chất xơ, chất diệp lục, giúp mang lại cảm giác no, từ đó giúp giảm các giác thèm ăn và làm hạn chế khả năng hấp thụ chất béo hiệu quả.

An thần, cải thiện giấc ngủ

Theo Đông y, hoa thiên lý được xem như một loại thảo dược có khả năng hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả. Đây được coi là một cách tiếp cận tự nhiên để giúp giảm tình trạng mất ngủ.

Khám phá về tác dụng của cây thiên lý
Hoa thiên lý có nhiều tác dụng với sức khỏe.

Điều trị bệnh trĩ

Nó còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm trong cơ thể. Đặc biệt, trong cây hoa thiên lý cũng còn có tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng, giúp điều trị bệnh trĩ hiệu quả.

Hỗ trợ điều trị vô sinh

Nguyên nhân dẫn đến vô sinh thường là do tiếp xúc nhiều với chì, mà trong hoa thiên lý lại chứa hàm lượng kẽm khá cao. Chính vì thế, món ăn này sẽ giúp đẩy chì ra khỏi tinh dịch giúp ngăn ngừa chứng vô sinh ở nam giới.

Những bài thuốc thường dùng từ cây thiên lý

- Trị tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu rắt, tiểu ra dưỡng trấp (albumin): Rễ cây thiên lý 30g, sắc lấy nước uống thay trà.

- Cải thiện giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay mơ: Hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Sắc lấy nước uống trong ngày, cần uống liền 5-7 ngày. Hoặc dùng hoa thiên lý nấu canh với thịt heo nạc hoặc với cá diếc, ăn ngày một lần trong nhiều ngày.

Cũng có thể dùng hoa thiên lý nấu canh cùng lá vông nem, mỗi vị chừng 60g, rửa sạch thái nhỏ nấu chung thành canh, ăn liên tục 7 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 2 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới.

- Hỗ trợ điều trị chóng mặt, hoa mắt: Hoa thiên lý, hoa cúc, mỗi vị 12g, lá đinh lăng, rau má mỗi vị 8g, ngải cứu 12g rửa sạch, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần trong ngày. Dùng liền 5-7 ngày.

- Phòng rôm sảy ngày hè, đau nhức xương cốt: Nấu canh hoa thiên lý hoặc xào ăn.

- Chữa bệnh trĩ do nội nhiệt, đại tiện ra máu, rát hậu môn: Lá thiên lý 150g, muối ăn 5g; hái lá thiên lý non và lá bánh tẻ, rửa sạch, giã nhỏ với muối, thêm chừng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc; dùng nước này tẩm vào bông đắp lên chỗ dom đã rửa sạch bằng thuốc tím hoặc nước phèn chua, băng lại; ngày làm 1-2 lần.

Khám phá về tác dụng của cây thiên lý
Một số món ăn từ hoa thiên lý.

- Chữa sa dạ con: Cũng dùng như cách chữa trĩ. Với những trường hợp bệnh nhẹ, thông thường sau 3-4 ngày dùng thuốc, là thấy kết quả.

- Chữa viêm kết mạc cấp và mạn tính, viêm giác mạc và viêm kết mạc do sởi: Hoa thiên lý tươi 60-100g, sắc với 250ml nước, chia uống trong ngày.

- Thanh tâm trừ phiền, hỗ trợ hạ mỡ máu: Hoa thiên lý 25g khô (50g tươi), gạo tẻ 80g, sinh thạch cao 50g.

+ Cách làm: Sắc thạch cao với 1.200ml nước, đun cạn còn 800ml, bỏ bã, chắt lấy nước thuốc,; cho gạo vào nấu cháo, khi cháo chín thì cho hoa thiên lý vào, đun sôi lại là được.

+ Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, đặc biệt thích hợp với những người bị bệnh động mạch vành tim, viêm khớp do phong thấp, mỡ máu cao và hội chứng mãn kinh ở người cao tuổi...

- Trị giun kim: Chuẩn bị 30g hoa thiên lý, 25g đinh lăng, 20g rau sam. Lấy tất cả rửa sạch, sắc nước uống thuốc mỗi ngày 3 lần, uống liên tục trong 3 ngày sẽ thấy có kết quả.

- Khi chế biến, không nên nấu hoa thiên lý chín quá sẽ làm hao hụt đi các chất dinh dưỡng cần thiết và làm giảm tác dụng của nó.

- Món ăn từ hoa thiên lý để chữa bệnh đau nhức xương khớp không nên kết hợp với các thực phẩm chứa sắt như gan, thịt lợn, rau muống… vì chất sắt có thể sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.

- Nếu bạn đang mắc bộ số bệnh lý, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm hoa thiên lý vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Lam Anh

Phiên bản di động