e magazine
[E-Magazine] Lễ Vu Lan báo hiếu: Nguồn gốc và ý nghĩa

06:20 | 16/08/2024

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những dịp lễ lớn trong năm của người theo đạo Phật. Đây là ngày tưởng nhớ, báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành của ba mẹ. Ngày nay, lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ báo hiếu của nhiều người.
Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những dịp lễ lớn trong năm của người theo đạo Phật. Đây là ngày tưởng nhớ, báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành của ba mẹ. Ngày nay, lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ báo hiếu của nhiều người.

Theo truyền thống, lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Tính theo Dương lịch thì lễ Vu Lan 2024 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 18/08/2024.

Nguồn gốc ra đời của lễ Vu Lan báo hiếu

Nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ truyền thuyết Tôn giả Mục Kiền Liên - một đệ tử xuất chúng của Đức Phật đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngục quỷ. Chuyện kể:

Khi Đại Đức Mục Kiền Liên (1 trong 2 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca) tu luyện thành công, ngài đã nhớ đến người mẹ Thanh Đề đã mất của mình, nên đã dùng mắt phép tìm kiếm bà đã về đâu.

Thế nhưng, kết quả bất ngờ và đau lòng rằng ngài nhìn thấy mẹ mình bị đày thành Ngạ Quỷ đi lang thang khắp nơi, vô cùng đói khát cực khổ để đền đáp cho những việc ác mà bà đã làm. Quá đau lòng khi chứng kiến cảnh đó, Đại Đức Mục Kiền Liên đã dùng phép biến cơm dâng đến tận địa ngục cho mẹ, nhưng những thức ăn đều hóa thành lửa.

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Không cầm lòng được trước tình cảnh này của mẹ, ngài cầu cứu lên Phật Tổ. Đức Phật dạy rằng dù Đại Đức Mục Kiền Liên thần thông quảng đại tới đâu thì cũng chẳng đủ sức cứu mẹ. Biện pháp duy nhất là dựa vào sức mạnh hợp lực của chư tăng khắp phương, và ngày 15/7 Âm lịch là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, làm lễ cúng dường Tam Bảo cứu lấy phước cho mẹ.

Đức Phật cũng dặn thêm là "Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này".

Từ sự tích này, ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã ra đời.

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan

Từ câu chuyện đáng kính về Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, lễ Vu Lan đã trở thành dịp để tưởng nhớ công ơn và thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên trong kiếp này và các kiếp trước. Do đó, trong mùa Vu Lan của Phật giáo, các tín đồ thường cầu siêu cho những người đã qua đời, đồng thời hướng thiện, tích đức, cầu mong đấng sinh thành được gia tăng phúc, thọ và giải trừ những nghiệp chướng...

Ngoài ý nghĩa tôn giáo, lễ Vu Lan còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc, truyền thống hiếu đạo, tôn kính tổ tiên. Ngày lễ vì thế càng trở nên nhân văn khi thể hiện được lòng hiếu kính và tinh thần đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Các nghi thức trong ngày lễ Vu Lan

Chuẩn bị mâm cỗ cúng

Lễ cúng Vu Lan ở mỗi nhà thường được thực hiện theo trình tự: cúng Phật, thần linh, gia tiên, sau cùng là cúng thí thực. Mỗi lễ cúng có ý nghĩa riêng và cần chuẩn bị những lễ vật phù hợp.

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Cúng Phật: Mâm cúng Phật thường có cơm chay, ngũ quả và nghi thức đọc văn khấn để cầu nguyện công đức, giải trừ nghiệp báo cho tổ tiên đã khuất.

Cúng thần linh: Lễ vật cúng thần linh thường có: xôi, gà luộc nguyên con, bánh chưng, trà, rượu, trái cây, hoa tươi… cùng văn khấn mong đấng thần linh phù hộ, che chở cho gia đình khỏe mạnh, bình an.

Cúng gia tiên: Mâm lễ cúng gia tiên thường được chuẩn bị trang trọng trong lễ Vu Lan với cơm chay hoặc mặn, tiền vàng mã… Lễ cúng gia tiên nhằm thể hiện lòng tôn kính, mong tổ tiên đã qua đời có cuộc sống đủ đầy, sung túc như trên thế gian.

Cúng chúng sinh: Lễ Vu Lan trùng với ngày rằm tháng 7 nên thường kết hợp cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng thí với ý nghĩa giúp những vong hồn lang thang không nơi hương khói được hưởng lộc. Mâm cúng rằm tháng 7 cho chúng sinh được đặt riêng biệt ngoài trời với lễ vật gồm: cháo loãng, muối gạo, hoa quả, bánh kẹo, bỏng ngô, nhang, đèn, quần áo giấy, tiền vàng…

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Nghi lễ “Bông hồng cài áo” ngày Vu Lan

Trong ngày lễ Vu Lan, các ngôi chùa ở Việt Nam thường tổ chức nghi thức “Bông hồng cài áo” cho Phật tử. Ai còn cha mẹ sẽ cài lên áo hoa hồng đỏ. Người mất cha hoặc mất mẹ sẽ cài lên ngực bông màu hồng nhạt. Những ai đã mất đi đấng sinh thành sẽ cài hoa màu trắng.

Nghi thức này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng qua cuốn sách của ông vào năm 1962. Hình ảnh hoa hồng cài áo từ đó đã trở thành biểu tượng của mùa Vu Lan báo hiếu trong giới Phật tử với ý nghĩa nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn, sự hiếu kính.

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Thả đèn hoa đăng

Từ lâu, thả đèn hoa đăng đã trở thành nghi thức truyền thống trong ngày Vu Lan báo hiếu. Nghi thức còn là một phần không thể thiếu của Phật giáo, với ý nghĩa cầu siêu cho những người đã khuất. Mỗi ngọn đèn hoa đăng đều được thiết kế tỉ mỉ với ngọn nến được thắp sáng trước khi thả xuống sông, kèm theo những ý niệm tốt lành và lời nguyện cầu an lạc.

Lễ Vu Lan báo hiếu: Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Những việc nên và không nên làm trong ngày lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan không chỉ là ngày quan trọng trong Phật giáo với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, mà còn trùng với Rằm tháng 7 - lễ Xá tội vong nhân. Vậy nên, theo tín ngưỡng dân gian, mọi người cần tuân thủ một số quy tắc về những việc nên và không nên làm vào dịp lễ này.

Thực hiện đúng tinh thần báo ân, báo hiếu của lễ Vu Lan, bạn hãy nên làm những việc dưới đây để có mùa lễ đầy ý nghĩa:

+ Thăm viếng, dâng hoa, thắp hương lên mộ ông bà, tổ tiên nhằm tri ân, tưởng nhớ nguồn cội.

+ Ăn chay, hướng thiện, làm việc tốt, giúp người khó khăn, hoạn nạn nhằm hồi hướng công đức cho đấng sinh thành.

+ Đi chùa cầu an, tham gia các hoạt động trong Đại lễ Vu Lan và trau dồi kiến thức về Phật pháp.

+ Thăm hỏi, quan tâm cha mẹ, ông bà và dành tặng những món quà ý nghĩa. Đây là hoạt động thiết thực nhất để bạn thể hiện tình thương, lòng hiếu thảo, mang đến niềm vui cho ông bà, cha mẹ.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn khi các vong linh ở địa ngục được trở về dương gian. Do đó, trong tháng 7 gồm cả lễ Vu Lan, mọi người thường truyền tai nhau nên kiêng kỵ những việc như sau:

+ Hạn chế mua sắm

+ Tránh đi chơi đêm

+ Không nhổ lông chân

+ Không phơi quần áo ngoài trời vào lúc chiều và buổi tối

+ Không tắm, bơi lội dưới sông, ao hồ

+ Kiêng việc khai trương, mở cửa hàng, xây nhà, cưới hỏi

+ Không sát sinh để tránh đau ốm và gặp phải những điều không may

+ Không nên gây gổ, làm điều xấu

* Những quan niệm trên thuộc tín ngưỡng dân gian và có thể khác nhau ở từng vùng miền và trong niềm tin của mỗi người.

Lam Anh (t/h)

Phiên bản di động