e magazine
[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

07:00 | 07/01/2025

Nghệ là một loại gia vị tự nhiên quen thuộc trong căn bếp của mọi nhà. Không những thế, củ nghệ còn là một phương thuốc cổ truyền quý, có nhiều công dụng với sức khỏe như kháng viêm, phòng cảm cúm, hỗ trợ hệ tiêu hóa...
[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Nghệ là một loại gia vị tự nhiên quen thuộc trong căn bếp của mọi nhà. Không những thế, củ nghệ còn là một phương thuốc cổ truyền quý, có nhiều công dụng với sức khỏe như kháng viêm, phòng cảm cúm, hỗ trợ hệ tiêu hóa...

Nghệ thuộc cây thân cỏ, cao 0,6 - 1 m. Thân rễ to, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, có ngấn, màu vàng sẫm đến đỏ cam, mùi thơm.

Bẹ lá ôm lấy nhau tạo thân giả, mọc thẳng từ thân rễ, gốc phiến lá thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, dài 30 - 40 cm , rộng 10 – 15 cm, hai mặt nhẵn cùng màu xanh nhạt, mép lá nguyên uốn lượn.

Cụm hoa mọc từ giữa túm lá, hình trụ hoặc hình trứng, trên một cán mập dài đến 20 cm. Lá bắc rời, màu rất nhạt. Những hoa ở gốc cụm hoa là hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những hoa gần ngọn hẹp hơn pha hồng ở đầu lá. Mỗi hoa gồm 3 lá đài dạng răng, không đều; tràng hình ống dài, cánh giữa dài hơn các cánh bên, màu vàng. Nhị mang bao phấn có cựa do một phần lồi ra của chung đới; nhị lép dài hơn bao phấn; cánh môi gần hình mắt chim, hơi chia 3 thuỳ. Bầu có lông.

Quả nang chia thành 3 ô, nứt bằng van. Hạt có áo. Cây ra hoa vào khoảng từ tháng 3 - 5.

[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một muỗng canh bột nghệ xay chứa:

- Calo: 29,3kcal

- Protein: 0,91g

- Chất xơ: 2,1g

- Sắt: 3,14mg (chiếm hơn 50% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày đối với nam giới trưởng thành và phụ nữ sau mãn kinh).

- Khoáng chất khác: canxi, magie, kali, phốt pho.

Đặc biệt, trong mùa đông, cơ thể dễ thiếu hụt sắt do chế độ ăn uống không đầy đủ. Bổ sung nghệ vào chế độ ăn hàng ngày giúp cung cấp một lượng sắt đáng kể, hỗ trợ tạo máu và duy trì năng lượng.

Theo y học cổ truyền, thân rễ nghệ (hay còn gọi là khương hoàng) có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, giúp lên da non.

Rễ củ (hay còn gọi là uất kim) vị cay đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ.

Do đó, thân rễ nghệ được dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, bế kinh, ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi sinh con bị ứ huyết, kết cục gây đau bụng, bị chấn thương phần mềm gây ứ máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.

Nghệ tươi đem giã nhỏ, lấy phần dịch bôi lên chỗ bị ung nhọt, viêm tấy, lở loét ngoài da hoặc các mụn mới khỏi để đỡ sẹo.

Curcumin trong nghệ được dùng màu bao viên, cho ra màu vàng chanh sáng đẹp, bền vững; hoặc nhuộm vàng thực phẩm, nhuộm len, tơ, nhuộm da, giấy.

Trong y học Ấn Độ, nghệ được sử dụng để kích thích tiêu hóa, bổ và lọc máu, chữa sốt rét, trộn với sữa nóng trị cảm lạnh. Nước ép nghệ tươi có khả năng chống ký sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da. Dùng bột thân rễ nghệ trộn cùng với vôi được dùng để chữa đau khớp. Cao nước thân rễ Nghệ được dùng cho bệnh nhân có các bệnh về mật.

Những lợi ích sức khỏe của Củ nghệ

Đặc tính chống viêm

Hoạt chất chính trong củ nghệ là curcumin, có đặc tính chống viêm. Việc dùng curcumin/nghệ do đặc tính chống viêm này đã có từ nhiều thế kỷ trước trong y học Ayurvedic Ấn Độ truyền thống và y học cổ truyền Trung Quốc.

Ăn nghệ có thể làm giảm viêm bằng cách giảm mức độ enzyme gây viêm trong cơ thể, giúp ngăn ngừa viêm ngay từ đầu.

Giàu chất chống oxy hóa

Curcumin là chất chống oxy hóa trong củ nghệ, tạo nên màu vàng rực rỡ của loại dược liệu này. Chất chống oxy hóa giúp ‘dọn sạch’ các phân tử tự do trong cơ thể. Các phân tử tự do (gốc tự do) gây tổn hại đến màng tế bào, làm xáo trộn DNA và thậm chí gây chết tế bào.

Chất chống oxy hóa có thể chống lại các gốc tự do, làm giảm hoặc thậm chí giúp ngăn ngừa một số tổn thương mà chúng gây ra.

[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Cải thiện chức năng não

Curcumin không chỉ hỗ trợ sức khỏe thể chất mà còn rất có lợi cho nhận thức. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tái tạo Thần kinh đã chỉ ra rằng, nghệ có thể tăng cường trí nhớ và chức năng nhận thức, giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương oxy hóa… có thể đóng vai trò trong bệnh Alzheimer.

Điều này là do nghệ được cho là làm tăng mức yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF), một loại protein liên quan đến chức năng não và tâm trạng được cải thiện.

Hỗ trợ tiêu hóa

Đối với người thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa, có thể thêm nghệ vào thói quen hàng ngày. Củ nghệ được biết đến với tác dụng kích thích sản xuất mật, giúp tiêu hóa chất béo nhanh chóng và giảm viêm ruột.

Ngoài ra, đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nghệ có thể giúp làm dịu đường tiêu hóa, giảm các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS).

[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Chống lão hóa

Mặc dù lão hóa là điều không thể tránh khỏi và biểu hiện rõ nhất ở da, nếp nhăn, mất độ đàn hồi và sắc tố, nhưng một số lựa chọn lối sống và biện pháp khắc phục tự nhiên, giúp làm chậm quá trình này và thúc đẩy quá trình lão hóa khỏe mạnh.

Các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm của curcumin có lợi cho sức khỏe và vẻ ngoài của làn da. Ví dụ, tiếp xúc với tia cực tím (UV) là một yếu tố chính gây lão hóa da, gây ra stress oxy hóa và viêm. Curcumin giúp bảo vệ da khỏi tác hại do tia UV gây ra bằng cách trung hòa các gốc tự do và giảm viêm.

Hơn nữa, collagen rất cần thiết để duy trì độ đàn hồi và độ săn chắc của da. Curcumin kích thích nguyên bào sợi, các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất collagen, giúp duy trì cấu trúc da và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn.

Curcumin ức chế sản xuất melanin, sắc tố gây ra các đốm đen và tông màu da không đồng đều. Điều này giúp giảm tình trạng tăng sắc tố, thúc đẩy làn da đều màu hơn, giúp da trông trẻ hơn.

Giảm nguy cơ ung thư

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy curcumin là một dược liệu có ích trong điều trị ung thư. Nó có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển và lan truyền ở mức độ phân tử của ung thư.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nó có thể làm giảm sự hình thành mạch máu, sự lan truyền của ung thư, cũng như việc góp phần vào tiêu diệt tế bào ung thư.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng curcumin có thể làm giảm sự tăng trưởng tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và ức chế sự tăng trưởng của khối u ở động vật thử nghiệm.

Cho dù với liều cao curcumin có thể giúp điều trị ung thư ở người, nhưng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Tốt cho sức khỏe của mắt

Tuổi tác và các yếu tố môi trường góp phần gây ra nhiều tình trạng mắt khác nhau, bao gồm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Các đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của curcumin giúp chống lại căng thẳng oxy hóa và do đó có thể bảo vệ các tế bào mắt khỏi bị tổn thương.

Mắt cũng đặc biệt dễ bị tổn thương do tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Các gốc tự do sinh ra từ những tiếp xúc này có thể làm hỏng võng mạc và thủy tinh thể. Curcumin trung hòa các gốc tự do, làm giảm căng thẳng oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương tế bào ở mắt.

Giúp giảm cân

Curcumin - thành phần hoạt tính sinh học của củ nghệ, được biết đến với đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và tăng cường trao đổi chất, góp phần tạo nên hiệu quả tiềm tàng của nghệ trong việc kiểm soát cân nặng.

Curcumin cũng đã được chứng minh là làm tăng quá trình sinh nhiệt - quá trình mà cơ thể đốt cháy calo để tạo ra nhiệt. Bằng cách thúc đẩy quá trình sinh nhiệt, curcumin có thể giúp tăng cường tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến tăng lượng calo tiêu thụ.

Các nghiên cứu cho thấy curcumin ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme và protein liên quan đến quá trình chuyển hóa chất béo. Nó có thể ức chế sự phát triển của mô mỡ (tế bào mỡ) và tăng cường quá trình phân giải lipid, phân hủy chất béo thành axit béo.

Tốt cho tuổi mãn kinh

Sự suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thay đổi tâm trạng, cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, bốc hỏa và nguy cơ loãng xương.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, đặc tính chống viêm của curcumin, hợp chất hoạt tính trong nghệ, có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách cải thiện mức cholesterol, giảm viêm và cung cấp chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại tổn thương tim mạch.

Nghệ cũng được nghiên cứu về tác dụng chống trầm cảm tiềm tàng, có thể giúp ổn định tâm trạng, làm giảm các triệu chứng trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh, làm tăng mật độ và độ chắc của xương, có khả năng làm giảm nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương.

Một số bài thuốc dân gian từ củ nghệ

Hỗ trợ chữa viêm gan, suy gan, vàng da

Nghệ 2g, rau má 4g, núc nác 3g, nhân trần 3g, hoàng bá nam 3g, dành dành 2g, nhọ nồi 2g, hậu phác nam (vối rừng) 2g. Nghệ, dành dành, hậu phác nam phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Các vị khác nấu thành cao. Trộn đều bột và cao làm viên hoàn. Ngày uống 10g, chia 2 lần.

Hỗ trợ chữa viêm gan virus cấp tính

Nghệ 12g, nhân trần, bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g, chi tử 16g, đại hoàng sao 12g, hoàng liên 8g. Ngày một thang. Sắc uống trong ngày.

Chữa sỏi mật, làm mòn sỏi

Kim tiền thảo 40g, nghệ, mộc hương, nhân trần, chỉ xác, đại hoàng, mỗi vị 12g. Ngày 1 thang. Sắc uống trong ngày.

[E-Magazine] Nghệ - Vị thuốc tự nhiên với nhiều công dụng

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua

Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sâm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 10-20g, chia 2 lần.

Chữa bế kinh, tích huyết tử cung sau khi sinh

Nghệ 1 củ nướng, cắt lát, ăn, hoặc nấu xôi nếp ăn.

Chữa đau bụng kinh

Nghệ 12g, ích mẫu 20g, sinh địa 16g, huyền sâm 16g, địa cốt bì 12g, hoàng liên, đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa chảy máu cam, thổ huyết (nôn ra máu)

Bột nghệ, ngày uống 4-6g, chia 2 lần chiêu với nước.

Chữa vết thương mụn nhọt, lở loét

Bột nghệ vàng 30g, bột rau má 60g, bột phèn phi 10g. Trộn đều, rắc vào nơi tổn thương, ngày 3 lần. Cần đảm bảo nghệ có nguồn gốc rõ ràng, không pha tạp.

Lam Anh (t/h)

https://suckhoeviet.org.vn/

Phiên bản di động