Những loại rau củ ăn sống sẽ tốt hơn cho sức khỏe
Mỗi thực phẩm đều mang giá trị dinh dưỡng riêng, lợi ích khác nhau, trong đó một số loại thực phẩm chỉ nên ăn sống mới tốt. Khi nấu chín những thực phẩm này sẽ bị phá hủy hầu hết các dưỡng chất trong chúng.
Dưa chuột: Loại thực phẩm này có chứa vitamin C, B và các chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể. Vỏ dưa cũng giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Khi nấu chín thì dưa chuột sẽ giảm đáng kể các chất dinh dưỡng. Bạn nên ăn dưa chuột tươi thay vì nấu chín. Nên ngâm dưa với nước có pha muối trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Tỏi: Khi tỏi sống được thái lát, băm nhỏ hoặc đập dập, một loạt các hợp chất có lợi cho sức khỏe - bao gồm allicin, chất tạo ra mùi và vị hăng đặc biệt của allium (chi hành) - được kích hoạt thông qua phản ứng enzyme; và nó bị vô hiệu hóa khi tỏi được nấu chín. Allicin (cùng với các thành phần hoạt tính khác của tỏi) có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giúp trái tim khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ ung thư, mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác nhận những liên kết đó. |
Cải xoăn: Chứa nhiều hợp chất gọi là glucosinolate. Khi bạn cắt hoặc nhai cải xoăn, một loại enzyme sẽ chuyển hóa glucosinolate thành các hợp chất mới gọi là isothiocyanates, có thể kích hoạt các chất chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiệt từ quá trình nấu nướng sẽ phá hủy các enzyme đó, ngăn cản phản ứng đó và làm cho isothiocyanates ít có sẵn hơn. Cải xoăn cũng cung cấp nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, những chất này cũng bị phân hủy tương tự khi nấu chín. |
Hành tây: Cung cấp nhiều hợp chất có lợi hơn gọi là thiosulfinate khi còn sống, Alexander Michels, một cộng sự nghiên cứu tại Viện Linus Pauling tại Đại học bang Oregon (Hoa Kỳ), người nghiên cứu về vi chất dinh dưỡng, cho biết. Một nghiên cứu năm 2012 đã chỉ ra rằng nhiệt từ quá trình nấu ăn đã phá vỡ các hợp chất đó, đặc biệt là khi hành tây đã được đập dập hoặc băm nhỏ trước đó. Và một đánh giá năm 2016 cho thấy rằng luộc hành tây làm giảm chất chống oxy hóa so với các phương pháp khác. |
Rau mầm: Là loại rau rất giàu dưỡng chất. Rau mầm giúp cải thiện làn da cho bạn, đồng thời giúp cơ thể giảm cân. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nhiệt khi chế biến món ăn từ nguyên liệu là rau mầm nếu muốn hấp thu hết dưỡng chất tốt của loại rau này vào cơ thể. |
Củ cải đường: Rất giàu nitrat. Trong chế độ ăn uống, các hợp chất dựa trên nitơ có liên quan đến một loạt các lợi ích sức khỏe, bao gồm cả giảm huyết áp. Củ cải đường cũng chứa betalain - hợp chất sắc tố tạo cho củ cải màu sắc đậm đặc trưng và có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và bảo vệ gan - cũng như flavonoid. Các nghiên cứu cho thấy rằng đun sôi có thể làm giảm hàm lượng vitamin C, folate, flavonoid và betalain trong củ cải. |
Ớt chuông đỏ: Một trái ớt chuông đỏ cỡ vừa cực kỳ giàu vitamin C, đáp ứng 150% nhu cầu bạn cần trong một ngày nhưng chỉ chứa 31 calo, rất phù hợp khi ăn kiêng. Tuy nhiên, nếu nấu ớt chuông đỏ với nhiệt độ cao thì sẽ phá hỏng lượng vitamin C dồi dào này. Ớt chuông đỏ cũng chứa nhiều chất oxy hóa và ngăn tế bào ung thư phát triển. Loại thực phẩm này giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch, bệnh tiểu đường lẫn bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Rau cần tây: Loại thực phẩm này rất giàu chất xơ, kali, vitamin B2 - các dưỡng chất rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa mệt mỏi và loét miệng. Việc nấu chín cần tây sẽ làm bay hơi các chất dinh dưỡng nói trên. Bạn nên ăn sống hoặc làm gỏi, trộn salad cần tây để bảo toàn được các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. |
Lam Anh (t/h) |