Những thức uống giúp tăng cường hệ miễn dịch thời điểm giao mùa
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường làm tiêu hao năng lượng nhanh và giảm khả năng thích nghi của con người với môi trường sống. Để nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch, hãy lưu ý bổ sung các loại vitamin, thực phẩm bổ dưỡng và tham khảo một số loại đồ uống sau đây.
Mật ong chanh sả: Trong chanh có hàm lượng vitamin C lớn, có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường thể lực, hình thành kháng thể giúp đẩy lùi bệnh cảm. Sả có vị the, tính ấm, là một nguyên liệu trong Đông y có tác dụng chữa ho, hạ sốt do cảm lạnh, cảm cúm, ngoài ra còn có tác dụng diệt khuẩn và kháng nấm. Khi kết hợp cùng với mật ong chứa chất chống oxy hóa, ngăn không cho các vi khuẩn cảm cúm xâm nhập vào cơ thể. |
Trà gừng mật ong: Gừng có tính ấm, có tác dụng làm ấm cơ thể, hỗ trợ huyết áp, chữa đau bụng do nhiễm lạnh rất hiệu quả, còn mật ong có tính bình, rất tốt cho sức khỏe. Sự kết hợp này tạo ra một thức uống có nhiều công dụng như giải cảm, tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp phục hồi và cải thiện lưu thông máu, ổn định hệ tiêu hóa và đặc biệt là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch rất tốt. |
Trà xanh là một đồ uống rất tốt cho sức khỏe, bên cạnh việc hỗ trợ chống lại các tác nhân bên ngoài, giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi thì lá trà xanh còn chứa chất flavonoid - đây là một chất có tác dụng chống oxy hóa hiệu nghiệm, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ thống miễn dịch cho cơ thể. |
Chanh muối là một loại thức uống có lợi cho hoạt động của tiêu hóa, giúp đường ruột khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, món uống này còn có công dụng tiêu đờm, khử âm trong máu, trị cảm cúm, thương hàn… Muối và tinh dầu vỏ chanh giúp làm thông cổ họng, sát trùng cổ họng, do đó uống chanh muối cũng giúp trị đau họng, viêm họng hiệu quả. |
Trà hoa cúc có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe, như giảm căng thẳng, tốt cho sức khỏe tim mạch, thanh nhiệt cơ thể, bảo vệ sức khỏe mắt, phòng ngừa bệnh ung thư, cải thiện giấc ngủ, giảm đau bụng kinh và hỗ trợ giải cảm hiệu quả. |
Nước cam, quýt, bưởi: Vitamin C có trong các loại quả có múi có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi các chất gây hại cho cơ thể. Nghiên cứu từ Đại học Y khoa Harvard cho thấy, người bị cảm dùng vitamin C khi bị cảm nhanh phục hồi, giảm triệu chứng. Người trưởng thành có thể uống 2.000 miligram vitamin C mỗi ngày khi bị cảm. |
Nước táo xanh, cà rốt và cam: Cà rốt, táo và cam giúp tăng đề kháng cho cơ thể, chống lại nhiễm trùng. Vitamin A có trong cà rốt góp phần duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Trong cà rốt còn có vitamin B-6 đóng vai trò tăng sinh tế bào miễn dịch, sản xuất kháng thể, trong khi táo, cam cung cấp vitamin C cho cơ thể.
Sữa hạt bí ngô: Kẽm được các nhà nghiên cứu Australia cho biết là thành phần phổ biến có trong thuốc chữa cảm lạnh, giúp cải thiện tình trạng viêm và phục hồi hệ miễn dịch. Hàm lượng kẽm cao có trong hạt bí ngô được khuyến nghị dùng đưa vào thực đơn bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp. |
Nước cà chua: Uống nước ép quả cà chua tươi là giải pháp giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ thể nhờ lượng vitamin B9 (folate) dồi dào có trong quả. Trong cà chua cũng có magie giúp chống viêm sưng. |
Nước cải xoăn, cà chua và cần tây: Cải xoăn thường là lựa chọn trong nhiều món nước ép trái cây nhờ lượng xơ cao. Nước ép kết hợp cải xoăn, cà chua, cần tây vừa tạo nên thức uống giàu vitamin C, vitamin B9 và chất xơ; giúp ngăn nguy cơ nhiễm trùng cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa và tăng đề kháng cơ thể. |
Lam Anh (t/h) |