e magazine
[E-Magazine] Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

11:00 | 17/06/2024

Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua), là loài cây leo rất dễ trồng và hợp với khí hậu Việt Nam. Quả mướp đắng có rất nhiều lợi ích với sức khỏe như làm giảm glucose máu, tăng cường chức năng miễn dịch, ngăn ngừa ung thư.
Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua), là loài cây leo rất dễ trồng và hợp với khí hậu Việt Nam. Quả mướp đắng có rất nhiều lợi ích với sức khỏe như làm giảm glucose máu, tăng cường chức năng miễn dịch, ngăn ngừa ung thư.

Đặc điểm của mướp đắng

Mướp đắng, loại quả nhỏ có tên khoa học là Momordica charantia L. var. abreviata Ser. Loại quả to là M. charantia L. var. charantia L. Họ Bí (Cucurbitaceae).

Quả dài, có nhiều u lồi không bằng nhau ở mặt ngoài, ruột màu đỏ, màu vàng hồng khi chín; thu hái lúc còn đang màu lục hoặc hơi vàng, dùng tươi.

Lá mọc so le, có 5 - 7 thùy, mép có răng cưa, gốc hình tim, gân lá có lông ngắn. Lá non mướp đắng dùng tươi nấu canh với lá câu kỷ và hoa thiên lý được dùng để chữa lao lực, mệt mỏi, sốt khát nước.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, quả mướp đắng chứa các glucosid triterpenic, trong đó có charantin, momordicosid; các acid amin (acid aspartic, threonin, methionin, tyrosin, arginin...); các lipid (glucolipid, phospholipid); lycopen, caroten, cryptoxanthin; các vitamin C, B1, B2 E, PP; các chất khoáng Ca, Mg, Cu, Fe, Zn...

Hạt chứa glucosid, chất béo, chất nhựa. Thân và lá có momordicin. Dịch ép quả mướp đắng làm giảm glucose máu, tăng cường chức năng miễn dịch, chống virus và ngăn ngừa ung thư.

Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

Vì sao mùa hè nên tăng cường ăn vị đắng?

Theo Đông y, mùa hè là mùa sinh trưởng của vạn vật, cũng là mùa dương khí thịnh vượng. Lúc này dương khí của trời hạ giáng, dương khí của đất thượng thăng, khí của trời đất tương giao vì vậy mà vạn vật mới có thể tốt tươi. Thân thể người là một trời đất thu nhỏ, tạng Tâm lại là tạng chủ hỏa nên mùa hè cũng là mùa "tâm khí hỏa vượng".

Đông y dưỡng sinh coi trọng sự cân bằng âm dương. Nếu vào mùa hè chúng ta không chú ý, đặc biệt lại ham ăn những thứ cay nóng, phát nhiệt rất dễ dẫn đến dương khí của cơ thể thiên thắng.

Đông y thường lấy vị đắng để bổ cho tạng tâm, chính là tả bớt tâm hỏa để ích cho tâm âm. Vì vậy để âm dương trong cơ thể giữ được trạng thái cân bằng vào mùa hè, chúng ta có thể ăn thêm một số loại thực phẩm có vị đắng. Một trong số những thực phẩm có vị đắng sẵn dùng cho mùa hè chính là mướp đắng.

Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

Tác dụng của mướp đắng với sức khỏe

Thanh nhiệt giải độc

Theo Đông y, đa phần các vị thuốc có vị đắng đều có tác dụng thanh nhiệt. Mướp đắng có vị đắng cũng là một loại thực phẩm như vậy. Mướp đắng là loại thực phẩm có tính hàn, có thể trừ phiền nhiệt ở tâm, bài trừ nhiệt độc bên trong cơ thể.

Mùa hè nắng nóng nhiều, ra nhiều mồ hôi, nếu lại gặp những chuyện phải suy nghĩ nhiều chính là yếu tố thuận lợi cho hỏa khí thịnh vượng, hỏa nhiệt thịnh vượng, gây ra một số triệu chứng của thực nhiệt như mặt đỏ, mắt đỏ, hai giò má đỏ, nóng trong người, nhiệt miệng, tiểu tiện vàng, đỏ, tiểu ít, đại tiện táo…

Với những biểu hiện của thực nhiệt như vậy ăn những thực phẩm có vị đắng như mướp đắng chính là một giải pháp rất hiệu quả.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Mướp đắng chứa nhiều hợp chất có khả năng hạ đường huyết, giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng mướp đắng thường xuyên có thể giúp giảm lượng đường trong máu, phù hợp cho người bị tiểu đường loại 2.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Mướp đắng chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ trong mướp đắng giúp tăng cường hoạt động của ruột và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Mướp đắng giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng. Vitamin C là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng và chống lại các gốc tự do gây hại.

Giảm cân hiệu quả

Mướp đắng có hàm lượng calo thấp và chứa nhiều nước, giúp tạo cảm giác no lâu và hỗ trợ quá trình giảm cân. Sử dụng mướp đắng trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả mà vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất.

Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

Cải thiện làn da

Các chất chống oxy hóa trong mướp đắng giúp làm chậm quá trình lão hóa da, giảm mụn và mang lại làn da mịn màng, tươi trẻ. Ngoài ra, việc ăn mướp đắng còn giúp thải độc cho cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng da từ bên trong.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Mướp đắng có tác dụng giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch. Sử dụng mướp đắng đều đặn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

Ngăn ngừa ung thư

Charantin và momorodicine trong mướp đắng có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp trung hòa các gốc tự do - nguyên nhân chính gây lão hóa tế bào và dẫn đến ung thư. Hai hoạt chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, ngăn chặn sự hình thành khối u.

Ngăn ngừa thiếu sắt và thiếu máu

Huyết sắc tố là một thành phần của hồng cầu có nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nhưng cơ thể bạn cần sắt để tạo ra huyết sắc tố. Và nếu bạn không nhận đủ sắt, bạn có thể bị thiếu máu do thiếu sắt.

Cung cấp đủ sắt là liều thuốc hữu hiệu cho bệnh thiếu máu. Trong khi đó, mướp đắng không chỉ giàu chất sắt mà còn chứa nhiều folate (vitamin B9), một loại vitamin đa năng giúp hình thành các tế bào hồng cầu.

Giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn

Các nghiên cứu cho thấy mướp đắng chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng kháng khuẩn. Chiết xuất từ mướp đắng thể giúp chống lại nhiễm trùng do E. coli , Heliobacter, Staphylococcus, Salmonella cùng một số loại vi khuẩn khác. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra một số protein trong mướp đắng có khả năng chống lại virus HSV-1, SINV và HIV.

Hạ huyết áp

Mùa hè nóng bức chính là một yếu tố thuận lợi cho bệnh tăng huyết áp. Những người bị bệnh tăng huyết áp có thể cảm thấy các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt, nhức đầu tăng nặng, chỉ số huyết áp cũng theo thời tiết nóng bức mà tăng lên.

Mướp đắng là một loại quả có khả năng hạ huyết áp. Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong mướp đắng có chứa các hợp chất charantin, polypeptid-P và vicine có tác dụng giảm huyết áp. Vì thế đây cũng là thực phẩm được khuyến nghị cho các bệnh nhân tăng huyết áp.

Trị say nắng

Say nắng Đông y còn gọi là chứng trúng thử, chứng này nếu không kịp thời cấp cứu thậm chí có thể để lại những hậu quả rất nặng nề.

Có thể dùng 1 quả mướp đắng tươi cạo sạch vỏ, cắt thành lát mỏng cùng khoảng 3g trà xanh, sắc nước cho người bệnh uống. Mướp đắng với tác dụng thanh thử chính là một loại dược liệu hữu hiệu giúp điều say nắng.

Hạ đường huyết

Mùa hè thời tiết nắng nóng có thể mất nước, mồ hôi ra nhiều dẫn đến máu trở nên cô đặc hơn, đây là yếu tố làm tăng nồng độ glucose trong máu, khiến khó kiểm soát đường huyết hơn, không có lợi cho người bệnh đái tháo đường.

Mướp đắng lâu nay đã được biết đến với tác dụng giúp hạ đường huyết. Loại quả này có một số đặc tính hoạt động giống như insulin, đưa glucose vào các tế bào để tạo ra năng lượng, giúp các tế bào sử dụng đường một các hiệu quả hơn.

Ngoài ra mướp đắng còn giúp ngăn chặn sự chuyển đổi các chất dinh dưỡng thành glucose trong máu, vừa giúp kiểm soát lượng đường trong máu, vừa giúp cơ thể không mất đi những chất dinh dưỡng quan trọng.

Chất lectin có trong mướp đắng qua việc tác động lên các mô ngoại vi giúp ngăn chặn sự thèm ăn từ đó cũng giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu.

Một số bài thuốc thường dùng từ mướp đắng

- Quả mướp đắng, theo Đông y có vị đắng, tính lạnh, không độc, lợi về kinh can, tỳ, tâm, vị; có tác dụng giải thử chỉ khát (giải nhiệt trong mùa hè, chống khát), thanh nhiệt giải độc, thanh can minh mục (mát gan, sáng mắt); dùng chữa say nắng phát sốt, bệnh nhiệt phiền khát, kiết lỵ, mắt đau sưng đỏ, mụn độc sưng tấy. Dùng ngoài, quả mướp đắng băm nhỏ, nấu nước tắm cho trẻ, bã xát nhẹ trên da là thuốc phòng rôm sảy.

- Để làm thuốc, lá mướp đắng phơi khô, tán bột, uống mỗi lần 12g với rượu chữa mụn nhọt, lở loét, đau nhức (kết hợp lấy lá tươi giã nát, hơ nóng đắp). Dùng ngoài, lá mướp đắng tươi rửa sạch, giã đắp chữa lòi dom.

- Hạt mướp đắng (khổ qua tử), hạt dẹt, lấy ở những quả chín, phơi khô có tác dụng chữa ho, viêm họng, rắn cắn. Liều dùng: 5 - 10g/ngày.

Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

- Phòng ngừa say nắng, phát sốt: Mướp đắng (đã bỏ lõi, phơi khô) 15g, sắc nước uống thay trà.

- Giải nhiệt, chữa đau răng, viêm lợi do ăn nhiều thức ăn cay nóng: Mướp đắng 1-2 quả, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống.

- Thanh nhiệt, sinh tân, chữa cảm nắng: Mướp đắng 60g, cuống lá sen 30g, đậu ván trắng 15g. Đun nước uống hàng ngày.

- Chữa ho lâu ngày, ho khan, ho có đờm: Hạt mướp đắng 40 hạt, hạt chanh 40 hạt, mật gà 20 cái. Hai loại hạt sao khô, tán nhỏ, trộn với nước mật cho thật đều, rồi phơi khô, sau tán lại cho đều và mịn. Cuối cùng, luyện với sirô (nấu từ 50g đường trắng) làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Trẻ em 1 - 5 tuổi, mỗi lần uống 2 - 4g; 6 - 10 tuổi, mỗi lần 5 - 8g. Ngày hai lần.

- Hỗ trợ và điều trị đái tháo đường:

Cách 1: Mướp đắng tươi 100g, thái nhỏ, hãm nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Cách 2: Quả mướp đắng tươi, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 g, uống sau bữa ăn.

Cách 3: Dùng mướp đắng 150g thái nhỏ, gạo tẻ 50g; cho gạo vào nồi, thêm nước vào đun sôi một lúc, sau đó cho mướp đắng vào nấu tiếp đến khi cháo chín; mỗi ngày ăn 2 lần, ăn lúc cháo còn ấm.

- Hỗ trợ chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 10g, rễ cây xấu hổ 8g (sao), dây đau xương 8g (tẩm rượu sao), rễ nhàu 8g, rễ cỏ xước 8g, vòi voi 8g (sao), lá cây ngũ trảo 5g, quế chi 4g, gừng sống 3g, dây thần thông 2g. Tất cả cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa tăng huyết áp: Dùng mướp đắng tươi 60 - 80 gr, rau cần 200 gr, sắc nước uống trong ngày, liên tục 7 - 10 ngày.

Mướp đắng - “Thần dược xanh” ngăn ngừa ung thư

Mướp đắng ngoài cách sử dụng như một loại thực phẩm dùng để xào, luộc, nấu canh còn có nhiều cách sử dụng khác như thái mỏng, phơi khô sao vàng để pha nước uống dần, hoặc sấy khô, nghiền bột uống cùng nước.

Đây vốn là những dạng bào chế truyền thống của Đông y nhưng cũng có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày, giúp việc sử dụng mướp đắng thuận tiện hơn.

Theo Đông y, mướp đắng có tính lạnh, chỉ nên dùng đối với các chứng nhiệt độc tích tụ trong cơ thể. Những người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa yếu) không nên dùng nhiều dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy.

Mặc dù mướp đắng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không nên sử dụng quá nhiều trong thời gian dài vì có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, hạ đường huyết quá mức hoặc phản ứng dị ứng. Đối với những người đang mang thai hoặc cho con bú, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng mướp đắng.

Mướp đắng là một loại thực phẩm vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng. Hãy bổ sung mướp đắng vào chế độ ăn uống hàng ngày để tận dụng những lợi ích tuyệt vời mà loại quả này mang lại cho sức khỏe.

Lam Anh

Phiên bản di động