![]() |
Con rắn từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong ngành Y - Dược. Nhưng tại sao một sinh vật thường được xem là nguy hiểm lại được chọn làm biểu tượng đại diện cho sự cứu chữa và sức khỏe? Hãy cùng khám phá những thông tin thú vị về biểu tượng con rắn trong ngành Y. |
Từ truyền thuyết trong thần thoại Hy Lạp |
Đằng sau hình ảnh tượng trưng này là nhiều lý giải liên quan đến thần thoại Hy Lạp. Nổi bật nhất là truyền thuyết có liên quan đến thần Hy Lạp Esculape – thần chuyên chữa trị bệnh tật. Esculape được miêu tả như một người đàn ông có râu, mặc áo hở ngực. Tay trái ông cầm gậy có một con rắn linh thiêng quấn quanh. Theo thần thoại Hy Lạp, Esculape là con trai của Coronis (con gái vua Phlégyas xứ Thebes) và con trai thần Thái Dương Apollo. Một ngày nọ, ông trên đường đi thăm bạn thì gặp một con rắn. Lo ngại rắn có độc, ông lấy gậy gạt con rắn nhưng nó lại bò lên và quấn quanh cây gậy. Esculape đã đập cây gậy xuống để giết con rắn. |
![]() |
Khi chuẩn bị bước tiếp, Esculape chợt thấy một con rắn khác bò tới ngậm một loại thảo dược và mớm vào miệng con rắn đã chết kia. Sau đó, con rắn tưởng chừng đã chết sống lại thần kỳ. Sự việc này đã giúp Esculape tìm được loại thảo dược có khả năng cải tử hoàn sinh và sử dụng thảo dược cứu sống rất nhiều người. Từ đó, ông được tôn vinh là thầy thuốc có khả năng chữa bách bệnh, xua đuổi cái chết. Thần Zeus, chúa tể của các vị thần, sợ Esculape sẽ giúp loài người bất tử nên định trừng phạt. Nhờ thần Apollo kêu xin, Esculape được tha tội và tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã. Từ đó, ông được xem như thần bổn mệnh của thầy thuốc. Truyền thuyết cũng ghi chép rằng, con rắn năm xưa Esculape đập chết không phải rắn độc, là một loại rắn nước, sinh sống ở nước châu Âu. Họ đặt nó theo tên của ông là Aesculape (tên khoa học là Zamenis longissimus). |
Biểu tượng của ngành Y - Dược |
Đầu thế kỷ V TCN, Esculape mới được tôn thờ là thần linh của nền y học Hy Lạp. Có lẽ từ thời điểm này, tên ông trở thành cụm từ chung chỉ những người hành nghề Y. Hậu thế tưởng nhớ ông nên đã xây dựng tượng ông, tay cầm gậy bằng nguyệt quế cùng con rắn mang tên Elaphe longissima. Dựa vào truyền thuyết trên, ngành Y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh gậy phép Esculape để làm biểu tượng ngành Y. |
![]() |
Hai biểu tượng ngành Y phổ biến. Ảnh: IT. |
Kể từ năm 1796, chén thuốc Hygeia được Pháp chính thức xem là biểu tượng ngành Dược và Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành biểu tượng được đúc bằng đồng hình cái ly và con rắn. Khi Pháp xâm chiếm và phổ biến nền Y - Dược phương Tây vào đất nước ta nên mặc nhiên chúng ta cũng thừa nhận biểu tượng ngành Dược này của Pháp. Các nhà thuốc tây ở ta trước đây luôn treo bảng hiệu có dấu thập xanh lá cây và hình cái ly con rắn. Còn ở Mỹ, Hội Dược sĩ Hoa Kỳ (APhA) chính thức công nhận chén thuốc Hygeia là biểu tượng ngành Dược từ năm 1964. Ngoài biểu tượng con rắn và cây gậy của Asclepius, nhiều khi một y hiệu có hai con rắn cuốn một cây gậy, và hai bên có đôi cánh cũng được dùng làm biểu hiệu cho ngành y hay y sĩ. Biểu tượng có hai con rắn cuốn trên một cây gậy có cánh thường được gọi là Caduceus. Chữ Caduceus gốc Hy Lạp có nghĩa là "Đũa thần của sứ giả". Ngành Quân Y của Mỹ dùng biểu tượng này từ năm 1856 làm biểu tượng riêng của họ, khác với biểu tượng chính thức của ngành Y từ trước đó với một con rắn quấn trên một cây gậy. |
![]() |
Một số biểu tượng y khoa trên thế giới. Ảnh: IT. |
Con rắn trong y học hiện đại |
Không chỉ là biểu tượng, con rắn còn có vai trò thực tế trong y học hiện đại. Nọc rắn, vốn được xem là độc tố, đã được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển thành nhiều loại dược phẩm quan trọng. Theo BPS, thuốc Captopril, một loại thuốc điều trị cao huyết áp, được phát triển từ nọc độc của loài rắn lục Bothrops jararaca. Đây là một thành tựu y học quan trọng, cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới. |
![]() |
Biểu tượng của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: IT. |
Ngoài ra, nọc rắn còn được sử dụng để nghiên cứu các loại thuốc chống đông máu và điều trị rối loạn tim mạch. Một nghiên cứu trên Journal of Venomous Animals and Toxins khẳng định rằng, nọc độc rắn chứa các hợp chất quý giá, mở ra nhiều cơ hội trong y học. Hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh cao cả của y học: Bảo vệ và chữa lành. Con rắn không chỉ đại diện cho sự tái sinh và phục hồi, mà còn là minh chứng cho triết lý "độc và dược" của Paracelsus - Cha đẻ ngành độc chất học, người đã khẳng định rằng "liều lượng quyết định độc tính". |
Theo một thống kê của Walter J. Friedlander nghiên cứu về cách dùng dấu Y khoa tại Hoa Kỳ chia sẻ: Tới 62% nghề nghiệp thuộc ngành Y dùng biểu tượng rắn quấn quanh gậy. Và 76% tổ chức thương mại sử dụng biểu tượng hai con rắn quấn quanh gậy. |
Lam Anh (t/h) |