Bệnh đậu mùa khỉ khó thành đại dịch toàn cầu
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đậu mùa khỉ rất khó bùng phát trở thành đại dịch.
Hôm 30/5, một chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại khó có thể trở thành đại dịch toàn cầu như Covid-19, hãng Reuters đưa tin.
Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm hiện tại có khả năng lan rộng thành đại dịch hay không, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ – bà Rosamund Lewis bác bỏ khả năng này.
“Chúng tôi không biết rõ nhưng tình hình có thể sẽ không trở nên tồi tệ như vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu” – bà Lewis trả lời.
Tuy nhiên để tránh tình trạng bị động trong công tác phòng dịch, hiện tại WHO đang xem xét liệu đợt bùng phát này có nên được đánh giá ở mức độ “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC)” hay không.
Tại Việt Nam Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng khẳng định: “Nếu bùng phát thì cũng chỉ ở phạm vi hẹp, cấp quốc gia hoặc bé hơn theo từng vùng chứ thành đại dịch thì rất khó”.
Đậu mùa khỉ đã được phát hiện từ rất lâu, phần lớn là phát hiện ở châu Phi. Gần đây, các ca bệnh ghi nhận ở một số nước châu Âu. Tuy nhiên, sau thời gian dài cộng với việc tính đặc thù lây bệnh virus không giống SARS-CoV-2 như lây chậm hơn, gây bệnh nhẹ hơn và đã có vaccine (vaccine phòng bệnh đậu mùa) thì khả năng đậu mùa khỉ trở thành đại dịch dường như là không thể.
Bác sĩ Trương Hữu Khanhnguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đậu mùa khỉ không thể trở thành đại dịch như Covid-19.
“Thực tế bệnh đậu mùa khỉ tồn tại từ lâu, nhưng không bùng phát thành đại dịch bởi đã có vaccine phòng ngừa. Ngoài ra, đặc thù của virus gây bệnh đậu mùa khỉ cũng rất khác, khó lây hơn, lây qua tiếp xúc cơ thể, dịch bắn… và đặc biệt chỉ khi ca bệnh khởi phát triệu chứng mới lây lan”, BS Khanh nói.
Từ thực tế đó, liệu có cần thiết tiêm vaccine đậu mùa khỉ hay không để đề phòng bệnh lan rộng.
Liên quan đến vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh cho biết, thực tế vaccine phòng bệnh đậu mùa có từ lâu nhiều người được tiêm, nhất là người tuổi từ 55 trở lên và người trở về từ vùng dịch hoặc bị bệnh. Theo một nghiên cứu, vaccine đậu mùa cũng có tác dụng hơn 80% với bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày nay còn một số hãng nghiên cứu và phát triển vaccine đậu mùa nhưng rất ít. Tuy vậy, hiện người dân vẫn chưa cần tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ trước đây chỉ mang tính chất cục bộ, bùng phát thành từng cụm nhỏ. Bệnh này cũng nhen nhóm từ lâu chứ không phải tới nay mới bùng phát. Do tính đặc thù của bệnh cũng như virus gây bệnh khá nhẹ nên người dân chưa cần nghĩ tới việc tiêm vaccine đậu mùa khỉ thời điểm hiện tại.
“Theo tôi, ở giai đoạn hiện nay, người dân nên lắng nghe những thông tin chính thống từ Bộ Y tế để biết những biện pháp phòng bệnh từ sớm, tránh nguy cơ lây lan”, BS Khanh nói.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia y tế. Mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng về những lời đồn đại đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch từ những nguồn tin không chính thống.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định, việc tiêm vaccine đậu mùa khỉ thời điểm này chưa cần thiết. Hiện bệnh chủ yếu lưu hành tại các nước ở châu Phi, châu Âu.
“Chưa cần thiết tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Chúng ra vẫn cần thời gian theo dõi và nghiên cứu. Mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan. Hãy lắng nghe thông tin cũng như khuyến cáo từ Bộ Y tế để chủ động trong phòng và kiểm soát dịch bệnh”, ông Nga nhấn mạnh.
Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 26/5, tổng cộng 257 ca mắc và 120 ca nghi mắc bệnh đậu mùa tại 23 quốc gia trong đó nhiều nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Theo các chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ liên quan tới bệnh đậu mùa bị xóa sổ năm 1980 nhưng triệu chứng nhẹ, khó lây và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn.
Một trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ
Các bằng chứng cho thấy, những người nguy cơ cao mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị đậu mùa khỉ khi họ đang có triệu chứng.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết./.
Trường Giang

Ra mắt Chi hội Nam Y Thọ Khang Đường - Hà Nội: Dấu ấn mới của Y học cổ truyền
08-06-2025 20:00 Hoạt động hội

Chi hội Nam Y An Giang: Lan tỏa yêu thương, chung tay vì cộng đồng
17-05-2025 21:00 Hoạt động hội

Hội Nam Y Việt Nam: Dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại di tích Đền Bia
28-04-2025 01:26 Hoạt động hội

Thanh Oai, Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Lan tỏa giá trị y học cổ truyền trong cộng đồng
22-04-2025 13:55 Hoạt động hội

Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước
18-04-2025 09:27 Hoạt động hội