Căn bệnh viêm gan “bí ẩn” có liên quan đến Covid-19?
Virus viêm gan B dưới kính hiển vi phiên bản đồ họa. Ảnh: Telegraph (Hình minh họa)
Vào ngày 05/04/2022, Scotland thuộc Vương quốc Anh (UK) đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân (không phải viêm gan loại A, B, C, D hoặc E) ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Các trường hợp này đều khỏe mạnh trước đó và không có dấu hiệu bất thường. Trong đó, có 9 trường hợp bệnh khởi phát vào tháng 3 năm 2022, 1 trường hợp sớm nhất là tháng 1 năm 2022. Sau khi Vương quốc Anh báo cáo các trường hợp đầu tiên, WHO đã ghi nhận gần 220 ca bệnh mới ở 20 quốc gia khác tính đến ngày 1/5/2022.
Các loại virus viêm gan A, B, C, D và E là những tác nhân được biết đến nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Mức độ nghiêm trọng, quá trình và sự lây truyền của bệnh viêm gan siêu vi phụ thuộc vào chủng loại virus gây bệnh.
Viêm gan thường sẽ dẫn tới việc tăng nồng độ men gan. Đây là một chỉ số quan trọng để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, bệnh viêm gan cũng có thể biểu hiện dưới dạng nôn mửa, tiêu chảy, sốt, khó chịu và vàng da.
Trong các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em được ghi nhận gần đây, các trường hợp lâm sàng cho thấy bệnh nhân có nồng độ men gan cao (aspartate transaminase (AST) hoặc alanine aminotransaminase (ALT) trên 500 IU/L). Các triệu chứng như sốt và hô hấp ít gặp hơn.
Viêm gan là một bệnh lí nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần mười phần trăm trẻ em bị ảnh hưởng phải ghép gan do nhiễm bệnh viêm gan. Ít nhất bốn trẻ em đã chết vì viêm gan trong vài tuần qua. Nhiều trường hợp báo cáo các triệu chứng tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trước khi biểu hiện viêm gan cấp tính nặng.
WHO thông báo có nhiễm trùng kép ở gần 20 trong số 200 trường hợp được ghi nhận. Theo đó, những bệnh nhân bị ảnh hưởng dường như đã bị nhiễm cả virus Adeno và Corona. Tuy nhiên không có mối liên hệ nào giữa việc mắc bệnh với việc tiêm chủng Covid-19 vì những đứa trẻ bị ảnh hưởng đã không được tiêm phòng vào thời điểm bị bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của các bệnh viêm gan mới vẫn chưa rõ ràng.
Một số chuyên gia và nhà khoa học phỏng đoán rằng đại dịch Covid-19 cũng có thể liên quan trực tiếp đến việc bùng phát các ca nhiễm bệnh gần đây. Hệ thống miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trong những năm đầu đời, đã bị suy yếu do giữ khoảng cách và các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt. Trong những năm này, việc hạn chế tiếp xúc khiến trẻ em tiếp xúc với ít virus và các loại mầm bệnh hơn, do đó không thể phát triển bất kỳ kháng thể tương ứng nào. Hiệu suất hoạt động của hệ thống miễn dịch qua đó cũng bị giảm đi đáng kể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm.
Viêm gan cũng có thể lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Tuy nhiên, có thể loại trừ khả năng trẻ mắc viêm gan do thực phẩm bị ô nhiễm. Theo ghi nhận của WHO có rất nhiều bệnh nhân là trẻ em từ các nhóm tuổi khác nhau. Do đó chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ rất khác biệt để phù hợp với từng độ tuổi phát triển. Một loại thực phẩm bị ô nhiễm khó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh cho nhiều trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau như vậy.
Các xét nghiệm hiện tại trong phòng thí nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh không phải virus viêm gan loại A đến E như thông thường. Thay vào đó, virus Adeno loại 41 được phát hiện ở 75% trẻ em bị bệnh ở Anh. Virus Adeno cũng được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm nhẹ và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Các biến chứng nghiêm trọng của viêm gan, có thể dẫn đến suy gan, không điển hình với nhiễm trùng virus Adeno. Những hậu quả nghiêm trọng như viêm gan cấp tính thường chỉ gặp ở những người có hệ thống miễn dịch đặc biệt yếu. Virus Adeno trước đây không được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh.
Giả thuyết hàng đầu hiện nay về căn nguyên của bệnh viêm gan cấp tính là xuất hiện đồng yếu tố gây ra nhiễm trùng nặng hơn hoặc tổn thương gan ở trẻ em bị nhiễm virus Adeno. Các đồng yếu tố có thể là: Do tăng tính nhạy cảm, do trước đó không tiếp xúc với virus Adeno trong đại dịch; Nhiễm SARS-CoV-2 trước đó hoặc các bệnh nhiễm trùng khác; Đồng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc một bệnh nhiễm trùng khác; Tiếp xúc với chất độc, thuốc hoặc môi trường….
Các giả thuyết khác được coi là ít có khả năng xảy ra hơn bao gồm khả năng có một biến thể virus Adeno mới hoặc mầm bệnh mới khác.
Cho đến nay, không có yếu tố nguy cơ dịch tễ học rõ ràng nào khác được xác định. Nguyên nhân chính xác của các trường hợp bí ẩn của bệnh viêm gan ở trẻ em vẫn đang được nghiên cứu.
WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện, điều tra và báo cáo thêm các trường hợp tương tự. Các mẫu bệnh phẩm cần thu thập bao gồm mẫu máu toàn phần, mẫu huyết thanh, nước tiểu, phân và bệnh phẩm hô hấp, cũng như các mẫu sinh thiết gan (nếu có). Trong khi chờ xác định nguyên nhân thật sự gây ra dịch viêm gan cấp mới ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa phổ quát đối với Adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp cần được tuân thủ.
Với những thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại và/hoặc thương mại với nước Anh, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác nơi có các trường hợp viêm gan cấp đã được phát hiện.
Hiện các chuyên gia y tế đang xác định có thể có mối liên hệ với virus corona hoặc tiêm chủng Covid-19 không để có phương pháp ngăn chặn và điều trị căn bệnh viêm gan “bí ẩn” này.
Theo thống kê chưa chính thức, làn sóng dịch bệnh này đã lan ra 23 quốc gia với gần 350 trường hợp.
Tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn – nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp…
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Các đơn vị trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.
Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Sở Y tế TP HCM cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa Nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp.
Các bệnh viện cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR, kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như virus Adeno và các tác nhân khác (nếu có).
Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc COVID-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến Adenovirus.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền – Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung (Đông Anh) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại Bệnh viện, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn – nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp…
Theo các chuyên gia y tế nước ta, khuyến cáo để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh phải đặc biệt chú ý các vấn đề sau:
– Bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
– Ở nhà và ở trường lớp, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời.
– Nên dạy trẻ duy trì thói quen rửa tay và sát khuẩn tay. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời.
– Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện./.
Gia Thanh – Trường Giang
Cùng chuyên mục

Xu hướng “hóng biến” của người Việt trẻ
11:57 | 25/04/2025 Giải trí

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 – Khởi đầu cho mùa Phật đản thiêng liêng
19:29 | 23/04/2025 Giải trí

Thanh Oai, Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Lan tỏa giá trị y học cổ truyền trong cộng đồng
2 ngày trước Hoạt động hội

Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước
7 ngày trước Hoạt động hội

Hội Nam Y TP. HCM tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Chánh Giác
30-03-2025 07:48 Hoạt động hội

Hợp tác chiến lược toàn diện cùng kế thừa, bảo tồn và phát triển tinh hoa y dược cổ truyền
26-03-2025 22:00 Hoạt động hội

Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ
26-03-2025 10:43 Thông tin đa chiều