Kinh tế Nam dược: Không chỉ là chuyện tiền bạc
Chính sách khai mở “kho vàng dược liệu"
Việt Nam ta có nền y dược học cổ truyền phát triển hàng nghìn năm, sở hữu khoảng 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật, lưu giữ và bảo tồn được hơn 1.500 nguồn gen thuộc gần 900 loài cây thuốc; được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm.
Cây thuốc Nam dược không chỉ được dùng trong Y học cổ truyền mà còn là nguyên liệu cho công nghiệp dược hiện đại, dùng để chiết xuất các hoạt chất tinh khiết làm nguyên liệu thuốc hoặc phát minh các phân từ mới để sản xuất được phẩm... Hằng năm, lượng dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế ước tính khoảng 100 nghìn tấn, với tổng giá trị là hơn 400 triệu USD/năm.
Hiện nay, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu ước tính khoảng 250 - 300 tỷ USD, dự kiến đến năm 2028 sẽ tăng tới 430 tỷ USD, nhưng Việt Nam rất ít doanh nghiệp tham gia được vào thị trường tiềm năng này. Xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm.
Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Hai văn bản pháp quy này được coi là chìa khóa mở “kho vàng dược liệu” của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Để phát triển ngành kinh tế được liệu, Chính phủ định hướng đến năm 2045 phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược của nước ta đóng góp vào GDP đạt trên 20 tỷ USD.
Nội dung được ví như “chìa khóa chính sách", tạo động lực cho ngành Nam được phát triển được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia và Chương trình phát triển là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, phát triển thành các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những Quyết định trên của Chính phủ cho thấy vai trò quan trọng của Nam dược và ngành Y tế nói riêng trong nền kinh tế nói chung, chỉ rõ xu thế phát triển và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế từ chính sách đến thực tiễn, khuyến nghị đổi mới, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường dược liệu Việt Nam trong xu thế chung của thế giới.
Thuận lợi và khó khăn của kinh tế Nam dược
Theo thông tin tổng hợp tại Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức vào tháng 7/2023, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.
Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hỏe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thesaigontimes. |
TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẳng định, Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm được liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bảo, hình thành ý thức nuôi trồng được liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen được liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Hình thức đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý thường được thực hiện theo 2 hình thức gồm: Chuỗi liên kết 4 nhà là là Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học (trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết); chuỗi giá trị gồm: Bảo tồn nguồn gen - nhân giống - trồng trọt - chế biến, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin tại Diễn đàn, TS Nguyễn Minh Khởi, Viện Dược liệu cho biết, từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp quốc gia, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính, cát cánh, độc hoạt, kim ngân, huyền sâm. Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bổ và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.
Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội, với thị trường trong nước, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong Y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế và có nhiều tiềm năng, nhưng kinh tế dược liệu của Việt Nam vẫn đang phát triển theo “mô hình gai mít”, tức là không có điểm mạnh.
Rào cản, khó khăn chính đối với kinh tế được liệu được phân loại thành các nhóm vấn đề dưới đây. Khó khăn đầu tiên cần được nhắc tới là vùng trồng. Số lượng cây thuốc quý đa phần nằm ở vùng núi, xa xôi, nơi chủ yếu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là lực lượng lao động chính, việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình, HTX. Nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu rất hạn chế, cây dược liệu có thể phát triển tốt nhưng hàm lượng hoạt chất không đồng đều, nếu không đạt chứng nhận GACP-WHO thì các công ty dược phẩm không mua, thực chất là rủi ro rất cao.
Thứ hai là thách thức về chế biến. Công nghệ là chìa khóa để cô lập và chiết xuất các hoạt chất, nhưng chỉ phí đầu tư lớn nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại để chế biến sâu còn khiêm tốn. Chế biến dược liệu ở các vùng sâu vùng xa chủ yếu theo kỹ thuật truyền thống, chất lượng xử lý là không rõ ràng. Do đó, lượng dược liệu đầu ra dùng để chế biến dược phẩm khá hạn chế, phần lớn sản lượng được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là đồ uống và thực phẩm chức năng.
Thứ ba là thách thức về tiếp thị thị trường. Hiện chưa có một nghiên cứu thị trường chính thức nào cho cây dược liệu. Một số tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm đã dành nhiều năm và hàng triệu USD cho việc nghiên cứu sản phẩm và phát triển thị trường. Các công ty này có một số thống kê về bối cảnh thị trường liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng không phải là bức tranh toàn cảnh. Có thể nói, điểm yếu của cây dược liệu Việt Nam là chưa mang tính định hướng thị trường và chưa phát huy được triệt để lợi thế riêng có. Ngành dược liệu cũng gặp khó khăn trong toàn chuỗi giá trị về sản lượng, sự đồng bộ các tiêu chuẩn và thiếu công nghệ lõi chiết xuất. Những điểm yếu này khiến dược liệu của Việt Nam bị lép vế trước các “đối thủ” thế giới. Việc kết nối giữa nông dân với nhà khoa học và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả; tư liệu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc sản xuất theo quy mô lớn, công nghiệp chưa thể thực hiện một cách bài bản, đồng bộ. Đầu tư vào nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đúng mức; thiếu nhà đầu tư chiến lược; đầu ra của sản phẩm Nam được khó tiêu thụ; chất lượng sản phẩm không đồng đều; các sản phẩm xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu thô.
Một vấn đề khác đang tạo áp lực rất lớn tới doanh nghiệp và người trồng dược liệu tại Việt Nam, đó là vấn nạn nhập lậu dược liệu. Không ít doanh nghiệp sản xuất dược liệu của Việt Nam hiện nay nhập khẩu khối lượng lớn dược liệu từ nước ngoài để sản xuất ra sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây dược liệu phải đầu tư rất nhiều vốn và nguồn lực ở vùng sâu, vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi, tuy nhiên cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn rất khó.
Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, cho rằng: “Không thể giữ quan điểm trồng dược liệu đơn sơ như trước mà phải xác định đi theo con đường kinh tế dược liệu, gắn với chế biển sâu để tạo ra kinh tế hàng hóa và sinh kế bền vững cho bà con. Nhưng muốn phát triển thì cần nguồn vốn, tuy nhiên hiện nay việc vay vốn rất khó khăn. Các tổ chức tài chính thường dễ dãi cho doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vay vốn vì nếu dự án không thành công, họ sẽ thu lại công trình rồi rao bán. Trong khi đó, nếu dự án dược liệu thất bại, thì ngân hàng khó thu vốn lại. Đây chính là nguyên nhân khiến ngân hàng không mặn mà khi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay tiền để trồng dược liệu hay khởi nghiệp với sản phẩm dược liệu”.
Ảnh minh họa |
Những yếu tố cần quan tâm khi phát triển kinh tế dược liệu
Kinh tế dược liệu hình thành từ sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố kinh tế và y học. Theo kinh nghiệm của thế giới, để hình thành và phát triển ngành kinh tế được liệu cần quan tâm đến những yếu tố dưới đây.
Chính sách giáo dục và y tế của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của sản phẩm dược phẩm. Các chính sách y tế công cộng, bảo hiểm y tế và quyết định của các tổ chức y tế đều có ảnh hưởng lớn đến kinh tế dược liệu. Nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các loại dược liệu mới, cũng như cải thiện quy trình sản xuất. Quá trình sản xuất được phẩm yêu cầu cơ sở hạ tầng công nghiệp chất lượng cao, với các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, vì vậy, các quy định và chuẩn mực của cơ quan quản lý y tế là yếu tố quyết định sự an toàn và chất lượng của các sản phẩm dược phẩm. Sự tiến bộ trong công nghệ, nhất là trong lĩnh vực sinh học, hóa học và công nghệ thông tin, có thể tạo ra các cơ hội mới cho phát triển dược phẩm và dược liệu. Khả năng tư duy sáng tạo trong phát triển sản phẩm và quy trình sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng.
Nguồn lực tài chính cần phải đủ mạnh để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Đầu tư từ phía nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò quan trọng. Vấn đề về bền vững và tác động của ngành công nghiệp dược phẩm đối với môi trường cũng ngày càng được quan tâm và ảnh hưởng đến chiến lược kinh tế dược liệu. Sự phát triển của ngành kinh tế dược liệu còn phụ thuộc vào việc có đủ và chất lượng nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo trong lĩnh vực y học, hóa học và công nghệ sinh học đều đóng vai trò quan trọng. Sự khéo léo trong áp dụng ý tưởng mới và giải quyết các vấn đề thách thức có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong ngành dược phẩm. Sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất mang lại cơ hội mới và tối ưu hóa tài nguyên, tăng cường cơ hội cho kinh tế dược liệu.
Ngành công nghiệp dược phẩm luôn phải đối mặt với thách thức về đạo đức và xã hội, đặc biệt là trong việc quảng bá và tiếp thị các loại thuốc. Chiến lược quảng bá và tiếp thị sản phẩm đúng đắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường và tạo dựa chỗ vững cho chúng. Yếu tố thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế đều ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế dược liệu.
Tất cả những yếu tố này cùng tương tác với nhau tạo nên một môi trường động lực cho sự phát triển của kinh tế dược liệu.
Bài học của các quốc gia phát triển kinh tế được liệu cho thấy, những yếu tố tạo ra một môi trường phức tạp và đa chiều cho kinh tế dược liệu, đồng thời định hình và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Nam dược bao gồm: Sự tiên tiến trong công nghệ thông tin có thể ảnh hưởng đến cách các công ty dược phẩm quản lý dữ liệu, theo dõi sản xuất và tương tác với khách hàng. Sự chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, chẳng hạn như sử dụng hồ sơ điện tử và các ứng dụng y tế, cũng có thể tác động đến cách mà dược phẩm được quản lý và tiếp cận. Chính sách thuế và các ưu đãi từ phía chính phủ sẽ ảnh hưởng quan trọng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành dược liệu. Sự chú trọng vào an toàn và chất lượng sản phẩm có tác dụng lớn trong việc xây dựng uy tín của ngành và tăng cường niềm tin từ phía người tiêu dùng.
Ý thức về sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng, cũng như phản ứng từ cộng đồng đối với các sản phẩm dược phẩm, có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và doanh số bán hàng. Sự phát triển của các phương thức chăm sóc sức khỏe thay thế, như y học cổ truyền và chăm sóc sức khỏe tích hợp, cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường dược liệu.
Giải pháp căn cơ cho chuỗi giá trị dược liệu
Về định hướng cụ thể, theo Chiến lược quốc gia và Chương trình phát triển dược liệu, nước ta sẽ phải xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02 - 05 vùng trồng sản xuất được liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.
Việt Nam sẽ quy hoạch các loại dược liệu phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên của từng vùng miền, tạo các chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến chế biển, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến dược liệu trong nước. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn Việt Nam có vai trò dẫn dắt trong ngành công nghiệp được thông qua ưu đãi về phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu, chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ cao theo cơ chế Chính phủ đặt hàng và giao nhiệm vụ. Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết chuỗ giá trị trong ngành Dược. Song song, Nhà nước sẽ chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo tồn nguồn gen được liệu đặc hữu, quý; trong sơ chế, chiết xuất, bào chế và tiêu chuẩn hóa dược liệu và thuốc từ dược liệu. Nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen được liệu trong nước và nhập nội, kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao; sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng.
Đồng thời với các bước đi chiến lược đó, Chính phủ sẽ có các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài. Xây dựng hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc dược liệu. Bảo tồn các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao; khai thác bền vững, hạn chế xuất khẩu các dược liệu quý hiếm, nguy cấp.
Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu, tập trung vào các loại dược liệu mà Việt Nam có lợi thế, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời có trách nhiệm tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam".
Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lồng ghép, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Chiến lược trên địa bàn, phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương. Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung của Chiến lược thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có thể thấy, để phát triển kinh tế Nam dược – Không chỉ là chuyện tiền bạc mà còn là sự thay đổi nhận thức của toàn cộng đồng về vị trí, vai trò, các giá trị, công dụng thực tế của nền Y học cổ truyền. Trong bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững, rất cần vai trò các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tăng cường kết nối, nỗ lực hợp tác mở rộng diện tích, ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất dược liệu chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm uy tín mang thương hiệu quốc gia.
Tin liên quan
Thành lập và Đại hội đại biểu Chi hội Nam y Liên Hoa - Biên Hoà lần thứ I nhiệm kỳ 2024-2029
07:15 | 11/09/2024 Hoạt động hội
Phát động chiến dịch lan tỏa tinh thần dân tộc và tình yêu Tổ quốc nhân Ngày Quốc khánh 2/9
20:37 | 22/08/2024 Giải trí
Công tác tổ chức Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”
16:35 | 22/08/2024 Giải trí
Cùng chuyên mục
Nhà máy vắc xin của VNVC có quy mô 2.000 tỷ, được thiết kế bởi tập đoàn hàng đầu thế giới
08:00 | 16/01/2025 Doanh nghiệp
Bách Hóa Xanh chung tay kiểm soát chất lượng hàng hoá với “Tick Xanh trách nhiệm”
09:55 | 15/01/2025 Doanh nghiệp
Công ty Cổ phần VPickleball Việt Nam ra mắt phần mềm ứng dụng VPickleball phiên bản Beta
08:25 | 09/01/2025 Doanh nghiệp
Vinamilk mở đầu năm 2025 với loạt giải thưởng về thương hiệu, đổi mới sáng tạo
20:42 | 08/01/2025 Doanh nghiệp
Nhiều người bất ngờ trúng thưởng khủng khi chăm sóc sức khỏe cuối năm
09:26 | 08/01/2025 Doanh nghiệp
Một doanh nghiệp đã mang hơn 12.000 suất khám bệnh miễn phí cho người dân trong năm 2024
16:17 | 06/01/2025 Doanh nghiệp
Các tin khác
Bước chuyển mình chiến lược của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn
15:13 | 01/01/2025 Doanh nghiệp
2025 và triển vọng mới của Petrovietnam
15:11 | 01/01/2025 Doanh nghiệp
Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia: Những dấu ấn nổi bật
16:58 | 30/12/2024 Doanh nghiệp
TTB Group: Mười năm với hành trình khẳng định vị thế trong ngành dược phẩm
08:00 | 30/12/2024 Doanh nghiệp
Hà Nội: 60 năm Trường THCS Tây Mỗ: Biểu tượng của truyền thống hiếu học và đổi mới
08:00 | 30/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Một năm thay đổi vì người tiêu dùng của thương hiệu sữa nửa thế kỷ
20:26 | 29/12/2024 Doanh nghiệp
“Mở khóa” thị trường Halal: Đúc kết từ 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu của Vinamilk
16:40 | 25/12/2024 Doanh nghiệp
Dự án 500 triệu USD của liên doanh Vinamilk - Sojitz đi vào hoạt động
12:45 | 20/12/2024 Doanh nghiệp
HABECO đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vị thế thương hiệu trên trường quốc tế
12:20 | 20/12/2024 Doanh nghiệp
Vượt kế hoạch lợi nhuận năm, Nhựa Tiền Phong (NTP) chi hơn 200 tỷ đồng trả cổ tức
12:19 | 20/12/2024 Doanh nghiệp
Ninh Thuận: Hội Nam y Việt Nam Công bố quyết định thành lập Chi hội Nam y Ninh Thuận
3 ngày trước Hoạt động hội
Sóc Trăng: Đại hội Chi hội Nam Y tỉnh Sóc Trăng lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030
6 ngày trước Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam: Phát huy thành tích, đổi mới phương thức, tạo đà cho các hoạt động trong năm 2025
30-12-2024 19:25 Hoạt động hội
Hợp tác phát triển nền y học cổ truyền dân tộc, chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân
27-12-2024 14:49 Hoạt động hội
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo chuyển đổi số
18-12-2024 20:34 Hoạt động hội