Phát triển và trồng cây dược liệu không chỉ để làm thuốc
Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
|
Từ xưa đến nay, vẫn tồn tại suy nghĩ dược liệu chỉ dùng để làm thuốc, vì thế giá trị kinh tế còn hạn chế. Nhưng nếu được kết hợp với ẩm thực thì khác, giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển sẽ vô cùng lớn.
Chúng ta thấy, ở bất cứ mảnh vườn nào, ta cũng thấy hiện diện của những loại cây thuốc có thể ăn hoặc chế biến cùng các nguyên liệu khác để thành những món ăn ngon lành, bổ dưỡng. Ít nhất cũng là vài cây đinh lăng, mấy gốc dây mơ, dăm bụi gừng, nghệ, sả, riềng...Dược liệu và gia vị có thể biến một bữa ăn sơ sài trở nên thịnh soạn và ngon lành....
Cùng với đời sống vật chất, tinh thần con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe con người cũng tăng lên, do đó dược thiện càng có điều kiện phổ biến, phát triển và hoàn thiện hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dược thiện là phương pháp chữa bệnh, dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe bằng cách phối hợp một số thực phẩm, dược phẩm để chế biến thành món ăn, bài thuốc. Y học cổ truyền quan niệm “ẩm thực và dược liệu có cùng nguồn gốc”.
Tuy nhiên, trên thực tế, lối suy nghĩ “dược liệu chỉ dùng để làm thuốc” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Điều đó có thể thấy rất rõ từ sự tò mò hỏi han kỹ lưỡng, sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhiều người khi được thưởng thức. Và vì vậy giá trị kinh tế mà dược liệu đem lại rất hạn chế. Nhất là khi chúng ta được biết đến như một “vương quốc dược liệu”, nơi dấu ấn của dược liệu rất đậm nét trong đời sống hàng ngày của đồng bào các DTTS tại chỗ.
|
Để hình dung một cách đầy đủ nhất có thể về mức độ “giàu có” của “vương quốc” dược liệu Kon Tum, chúng ta hãy tham khảo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Đây là một công trình khá quy mô, có sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tỉnh Kon Tum. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau.
Đáng chú ý là có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn; 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử.
Các đoàn khảo sát còn ghi nhận một số cây thuốc mang tính đặc trưng riêng của đồng bào DTTS tại chỗ như prác, tà liền chuông, gừng lúa. Chưa kể rất nhiều loại cây dược liệu khác được nhân dân sử dụng trị bệnh chưa được định danh.
Cũng chính vì có nhiều dược liệu quý, hiếm, đặc hữu nằm trong sách đỏ và trong Danh mục cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Kon Tum được quy hoạch trong vùng phát triển dược liệu tập trung, thuộc quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Việc tạo nên và quảng bá rộng rãi những món ăn được chế biến từ dược liệu, có sự “góp mặt” của dược liệu, gần gũi mà không kém phần sang trọng, bình dân mà không kém phần độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng đất, con người Kon Tum là rất nên làm.
Chính vì vây, ẩm thực dược liệu sẽ góp phần thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. Hãy tưởng tượng, du khách được tham gia từ đầu đến cuối quá trình tìm kiếm, hái lượm, chuẩn bị nguyên liệu rồi nấu ăn, thưởng thức món ăn cùng đồng bào DTTS tại chỗ, từ đó hiểu hơn về môi trường sống, tri thức bản địa, phong tục tập quán, còn gì thú vị bằng.
Cứ nhìn nhiều địa phương khác sẽ thấy. Hiện nay có rất nhiều món ăn được phát triển từ dược liệu và có súc hút với du khách như: Bún dược liệu Hoành Bồ (Quảng Ninh), phở trà xanh Thái Nguyên, mì tam giác mạch Hà Giang, bột dinh dưỡng chùm ngây, rượu vang sim Phú Quốc, rượu vang nho Ninh Thuận.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng dược liệu trên thế giới ở quy mô khá lớn và tăng trưởng rất nhanh. Đi cùng đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến thực phẩm có nguồn gốc dược liệu.
Hiện nay, nếu đơn thuần là dược liệu, chúng ta chỉ tiếp cận được một phần nhỏ giá trị thị trường nhiều tỷ đô la, nhưng điều đó sẽ khác, nếu chúng ta đưa dược liệu vào các ngành kinh tế khác, như ẩm thực, mỹ phẩm. Để phát triển kinh tế dược liệu, cần đầu tư nghiên cứu, tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý quản lý nguồn giống gốc, sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách riêng, đặc thù về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Tạo thành chuỗi sản xuất, chế biến dược liệu gắn với du lịch - văn hóa. Theo đó, cần hình thành các mô hình phát triển vùng trồng, chế biến, sản xuất tại cộng đồng, các điểm dừng chân, các vườn thảo dược gắn với du lịch (văn hóa, trải nghiệm, nghỉ dưỡng/chữa bệnh). Hình thành các chuỗi giá trị, khởi đầu từ các doanh nghiệp tại cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp chủ chốt để kéo dài chuỗi giá trị. Liên kết với các doanh nghiệp du lịch tạo ra các chuỗi sản phẩm sản phẩm dược liệu sạch/hữu cơ từ vùng sản xuất đến bàn ăn; nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm; đào tạo nghiệp vụ trong chuỗi giá trị. Khi ấy, dược liệu sẽ phát huy chân giá trị, đem lại nguồn thu lớn, thay vì chỉ để… làm thuốc.
Sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị.
Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo.
Để có thành tựu trên, không thể không kể đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tại Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm và truyền thống lâu đời sử dụng các loại cây, con dùng làm thuốc để phòng và chữa bệnh vô cùng đa dạng và phong phú, góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức sử dụng cây, con làm thuốc chữa bệnh rất quý giá. Song song với việc tập hợp các bài thuốc dân gian gia truyền của các thế hệ lương y, nhiều dược phẩm còn được phát triển dựa trên tri thức sử dụng của cộng đồng như tri thức sử dụng cây chè dây để chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, sử dụng cây tật lê chữa bệnh của người Chăm,… Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng các loài dược liệu dưới tán rừng. Theo thống kê, nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60 - 80 nghìn tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm. Vì vậy, để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp để gây trồng, phát triển; song lưu ý không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản. Cùng với đó, cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất.
Hiện nay, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến và cung ứng dược liệu có vai trò đặc biệt quan trọng. Sự phát triển của thị trường sản phẩm thảo dược toàn cầu với quy mô trên trên 200 tỷ USD mỗi năm với tốc độ tăng trưởng cao cũng khiến nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng, đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế quan trọng và có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, để ngành dược liệu thực sự phát triển, với đặc thù của nhóm sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người và trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và hình thành chuỗi giá trị dược liệu là yêu cầu hết sức cần thiết đối với các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Căn cứ Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030” để trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Bộ đề xuất các mục tiêu như duy trì diện tích cây dược liệu hiện có khoảng 350.000ha, thực hiện các biện pháp tăng năng suất và chất lượng; chuyển đổi một số diện tích cây dược liệu dưới tán rừng có hiệu quả kinh tế thấp sang gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển, mở rộng diện tích gây trồng, phát triển cây dược liệu, ưu tiên những loài quý hiếm, có giá trị tinh tế cao khoảng 65.000ha tại các tỉnh, vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, điều kiện canh tác phù hợp với cây dược liệu nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược. Hình thành 2 - 5 vùng nguyên liệu trọng điểm về cây dược liệu, ưu tiên tại các vùng: trung du và miền núi phía Bắc (bao gồm vùng Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ), Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm thu hút các dự án phát triển công nghiệp dược để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tham gia phát triển cây dược liệu thông qua các chuỗi giá trị dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển rừng, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020.
Theo Đề án này, các hoạt động nuôi trồng và thu hái dược liệu trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo nguyên tắc GACP - WHO và thực hành sản xuất, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GMP - WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sàn giao dịch thương mại điện tử về dược liệu và các sản phẩm chế biến sâu.
Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển kinh tế cho người dân. Phát triển các hình thức hợp tác, hợp tác xã trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Phát triển các mô hình doanh nghiệp thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái dược liệu để chia sẻ lợi ích; mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp - người dân trong gây trồng, tiêu thụ dược liệu gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến các sản phẩm tinh chế, phù hợp yêu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước là nhiệm vụ xúc tiến thương mại dài hạn.
Hơn thế, chúng ta cần hình thành tư duy không chỉ là những bài thuốc, cây thuốc đơn thuần mà y học cổ truyền còn là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo vệ, phát huy, phát triển, xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu (“cúng ma trừ tà” ...) để xây dựng nếp sống văn minh ở đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc triển khai mạnh mẽ nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nhưng không làm mất đi bản chất của y học cổ truyền Việt Nam là yêu cầu tất yếu được đặt ra trong tình hình hiện nay. Phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cũng chính là nhằm đạt mục tiêu nâng cao sức khỏe, an toàn, hiệu quả, hiện đại, dễ tiếp cận cho người dân trong lĩnh vực văn hóa và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Để thực hiện được mục tiêu này, Chúng ta nên tiếp tục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền về nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chẩn đoán, điều trị, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Chú trọng phát triển các vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để chọn, tạo ra các loại dược liệu có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất thuốc dược liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đưa các dịch vụ y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới.
Cùng chuyên mục

Herbalife Việt Nam được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam tại Giải thưởng Rồng Vàng 2025
17:58 | 24/04/2025 Doanh nghiệp

An yên bên gia đình với dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà của phòng khám Việt Úc
16:38 | 24/04/2025 Doanh nghiệp

“Vương đạo kinh doanh” – Tư tưởng lãnh đạo khai sáng cho doanh nghiệp tương lai
12:32 | 24/04/2025 Doanh nghiệp

Giới thiệu phòng khám Nam khoa - Đa khoa Tân Bình
11:16 | 24/04/2025 Doanh nghiệp

Khai mạc Triển lãm Quốc tế Xây dựng, Công nghiệp mỏ và Giao thông
20:07 | 23/04/2025 Doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen: Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 06 tháng NĐTC 2024 - 2025 đạt 371 tỷ đồng, hoàn thành 74% kế hoạch
13:55 | 23/04/2025 Doanh nghiệp
Các tin khác

Manulife nâng cao trải nghiệm khách hàng với loạt giải pháp công nghệ mới
09:34 | 23/04/2025 Doanh nghiệp

Hé lộ bí mật quản trị doanh nghiệp xuất sắc từ tinh hoa Nhật Bản
23:44 | 21/04/2025 Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Mỹ Anh Shop tham gia Kết nối giao thương An Việt Hà Đông: Mở rộng mạng lưới, tìm kiếm cơ hội hợp tác
16:17 | 21/04/2025 Doanh nghiệp

Lương nhân viên công ty bảo hiểm có mua được một chỉ vàng?
14:22 | 18/04/2025 Tài chính

Vinamilk được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu của TP HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
15:14 | 17/04/2025 Doanh nghiệp

Doanh nhân Nguyễn Quốc Trung – Hình mẫu trí thức kiến tạo vì cộng đồng
12:57 | 15/04/2025 Doanh nghiệp

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Công ty trực thuộc Tập đoàn Thaco Auto dính án phạt thuế
17:14 | 14/04/2025 Doanh nghiệp

Kê khai sai thuế, Bảo hiểm LPBank bị xử phạt, truy thu gần 1 tỷ đồng
16:18 | 14/04/2025 Tài chính

Công ty Dược phẩm Hà Ngọc Châu – Đơn vị Dược phẩm uy tín, đồng hành vì Sức Khỏe Việt
14:58 | 14/04/2025 Doanh nghiệp

Lâm Đồng: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
09:48 | 10/04/2025 Kinh tế

Thanh Oai, Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Lan tỏa giá trị y học cổ truyền trong cộng đồng
2 ngày trước Hoạt động hội

Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước
6 ngày trước Hoạt động hội

Hội Nam Y TP. HCM tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Chánh Giác
30-03-2025 07:48 Hoạt động hội

Hợp tác chiến lược toàn diện cùng kế thừa, bảo tồn và phát triển tinh hoa y dược cổ truyền
26-03-2025 22:00 Hoạt động hội

Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ
26-03-2025 10:43 Thông tin đa chiều