Bình Dương: Ghi nhận 10 ca tử vong do sốt xuất huyết
SKV – Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Bình Dương đã ghi nhận tổng cộng 7.282 ca mắc sốt xuất huyết , tăng 44,1% so với cùng kỳ năm ngoái và trong đó có 10 ca tử vong được ghi nhận.
Điều trị sốt xuất huyết tại BV Đa khoa Bình Dương (Hình minh họa)
Đến ngày 14/7, tỉnh Bình Dương vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết (một người ở TP. Thủ Dầu Một và một người ở huyện Bắc Tân Uyên), nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh lên 10 ca, tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo ngành y tế tỉnh Bình Dương, tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc, số ca nặng và tử vong tăng cao. Tính đến tuần thứ 27, toàn tỉnh ghi nhận 7.282 ca mắc, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 252 ca, chiếm 3,46%; tập trung chủ yếu ở độ tuổi dưới 15 tuổi, chiếm 61% trên tổng số ca mắc nặng.
Những địa phương có số ca mắc cao là thị xã Tân Uyên 1.402 ca, TP. Dĩ An 1.269 ca,TP. Thuận An 1.089 ca, TP. Thủ Dầu Một 989 ca…
Theo ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương), một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh sốt xuất huyết là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng… Đây là nguồn truyền bệnh chủ yếu ngay tại hộ dân. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà nên dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.
Theo bác sỹ Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine để phòng bệnh. Khó khăn lớn nhất của ngành y tế Bình Dương là thiếu lực lượng y tế cơ sở khi triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.
Bác sỹ Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương
Hiện nay nhiều nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc đã gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Kinh phí cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết còn rất hạn chế nên việc triển khai hoạt động phòng, chống dịch chủ động gặp nhiều khó khăn.
Sở Y tế Bình Dương yêu cầu CDC Bình Dương, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ bệnh; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho thấy, nếu phát hiện sớm ổ bệnh và xử lý triệt để ngay từ đầu, kết hợp đồng bộ với các hoạt động chủ động khác như phun hóa chất diện rộng tại các điểm nguy cơ cao, củng cố và duy trì mạng lưới cộng tác viên tới từng nhà để tuyên truyền và phối hợp điều tra thì số ca bệnh giảm đáng kể. Các hoạt động này cần thực hiện sớm mới phát huy hiệu quả cao.
Hiện tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế Bình Dương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Trước đó, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế Bình Dương đã có công văn khẩn về chấn chỉnh việc thu dung điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết tại các cơ sở không đủ điều kiện
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh, kể cả các phòng mạch, phòng khám chuyên khoa Nội, Nhi trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị (chủ yếu là truyền dịch) các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết với tình trạng bệnh chuyển nặng.
Sở Y tế Bình Dương đề nghị các phòng khám đa khoa tư nhân, các phòng khám chuyên khoa tuân thủ nghiêm việc tiếp nhận, khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhânsốt xuất huyếtcũng như tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn. Không truyền dịch khi chưa có chỉ định.
Ngoài ra, báo cáo hằng ngày về Trung tâm Y tế tại địa phương các trường hợp có chẩn đoán sốt xuất huyết khi đến khám tại cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời xử lý ổ dịch theo quy định.
Đối với các phòng mạch, phòng khám chuyên khoa Nội, chuyên khoa Nhi không được giữ bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết lại cơ sở để điều trị khi chưa đủ điều kiện.
Phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức tập huấn công tác giám sát và điều trị sốt xuất huyếtcho các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn./.
Nguyễn Cường (TH)
Cùng chuyên mục

Di tích lịch sử - văn hóa đền Làng Vải: Nơi gìn giữ hồn quê và sức mạnh cộng đồng
14:22 | 26/04/2025 Việt Nam hôm nay

Xu hướng “hóng biến” của người Việt trẻ
11:57 | 25/04/2025 Giải trí

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 – Khởi đầu cho mùa Phật đản thiêng liêng
19:29 | 23/04/2025 Giải trí

Thanh Oai, Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Lan tỏa giá trị y học cổ truyền trong cộng đồng
4 ngày trước Hoạt động hội

Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước
18-04-2025 09:27 Hoạt động hội

Hội Nam Y TP. HCM tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Chánh Giác
30-03-2025 07:48 Hoạt động hội

Hợp tác chiến lược toàn diện cùng kế thừa, bảo tồn và phát triển tinh hoa y dược cổ truyền
26-03-2025 22:00 Hoạt động hội

Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ
26-03-2025 10:43 Thông tin đa chiều