Truyền thông Ấn Độ về Chính sách “Hành động Hướng đông” (AEP) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay
Từ sau khi Chính sách Hướng Đông (Look East Policy - LEP) được đổi tên thành Chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy - AEP) vào năm 2014 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ luôn ý thức được vai trò chiến lược và ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á đối với việc thực hiện chính sách nhằm khẳng định vai trò lớn hơn, xứng đáng hơn của Ấn Độ với vị thế của một cường quốc ở khu vực và thế giới. Tuy nhiên phải tới cuối năm 2022, truyên thông Ấn Độ mới thực sự hoạt động mạnh mẽ trong việc đưa tin về các vấn đề xoay quay chính sách này. Nhằm làm rõ lý do vì sao truyền thông quốc tế Ấn Độ lại có những biến chuyển như vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích nội dung định tính, định lượng và phân tích theo lý thuyết đóng khung đối với 120 bài báo trên 3 trang báo khác nhau của Ấn Độ có chủ đề liên quan tới AEP. Những phát hiện trong bài nghiên cứu chỉ ra vai trò của truyền thông báo chí Ấn Độ trong việc đóng khung nhận thức của công chúng về hình ảnh tích cực của Chính sách Hành động Hướng Đông và vai trò của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Qua đó, nhóm nghiên cứu đưa ra những đánh giá và dự đoán hướng tiếp cận trong tương lai của truyền thông quốc tế Ấn Độ trong việc đưa tin về Chính sách Hành động Hướng Đông (AEP).
- Đặt vấn đề
Trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chính sách AEP, truyền thông Ấn Độ cũng có nhiều động thái quan trọng. Có thể đến một số hoạt động như tăng cường phản ánh về các sự kiện và chính sách quan trọng trong khu vực Đông Á, tập trung vào việc báo cáo, phân tích các diễn biến chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực Đông Á; tạo ra các chiến lược truyền thông đa dạng như hội thảo, diễn đàn, chương trình truyền hình để tăng cường nhận thức và hiểu biết về AEP ở trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số, truyền thông Ấn Độ đã và đang tạo ra những nội dung phù hợp về AEP để thu hút nhiều hơn sự chú ý của nhóm công chúng trẻ và nhóm người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Những động thái trên chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động truyền thông đẩy mạnh chính sách và hoạt động của AEP, từ đó tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến khu vực Đông Á.
Việc nghiên cứu về cách mà truyền thông Ấn Độ đóng góp vào quá trình phát triển của AEP của Ấn Độ thông qua các mục tiêu, nội dung, hướng tiếp cận và các nhân tố tác động cả bên trong và bên ngoài, cũng như việc dự báo, sẽ đóng góp vào việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu chính sách đối ngoại của Ấn Độ nói chung và AEP nói riêng. Đặc biệt khi Việt Nam được xem là một trong những "Đối tác chiến lược toàn diện" của Ấn Độ, việc nghiên cứu về truyền thông Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ trở nên cấp thiết và có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn.
- Lý thuyết tiếp cận: Thuyết đóng khung (Framing)
Lý thuyết đóng khung (Framing Theory) là một lý thuyết trong truyền thông và khoa học xã hội, tập trung vào cách cách thông tin được cấu trúc, trình bày và hiểu biết trong các ngữ cảnh khác nhau. Lý thuyết về khung cảnh, được tiên phong bởi Erving Goffman và phát triển bởi các học giả như Robert Entman, tập trung vào cách thông tin được trình bày và được hiểu trong các ngữ cảnh cụ thể. Nó cho rằng các vấn đề được đặt ra ảnh hưởng đến cách mà nó được nhận thức bởi khán giả. Lý thuyết này giải thích rằng cách chúng ta "đóng khung" một vấn đề có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu và phản ứng với nó. (1)
Một khung cảnh là cách chúng ta xác định vấn đề, điều này bao gồm cả việc chọn lọc thông tin cũng như cách chúng ta tổ chức và trình bày thông tin. Lý thuyết đóng khung cho rằng các thông điệp được truyền tải không chỉ là các sự kiện khách quan, mà còn là kết quả của quá trình đóng khung để phản ánh một cái nhìn hay một góc độ cụ thể.
Ví dụ, một vấn đề như biến đổi khí hậu có thể được đóng khung như một vấn đề khoa học và môi trường, hoặc như một vấn đề về công bằng xã hội. Cách chúng ta đóng khung vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu và phản ứng với nó, cũng như các biện pháp chính sách và hành động mà chúng ta đề xuất và thực hiện.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu áp dụng thuyết đóng khung để phân tích.
3.Truyền thông quốc tế Ấn Độ định hình nhận thức của công chúng xoay quanh Chính sách hướng Đông (AEP) trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay
3.1. ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
3.1.1. Phân tích nội dung
Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN theo hình thức trực tuyến ngày 23/4/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh rằng “một châu Á đa cực” và “một thế giới đa cực” đang ngày càng trở nên rõ nét. Điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của ASEAN và Ấn Độ trong việc giải quyết các vấn đề của trật tự thế giới mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và phối hợp nhiều hơn nữa(2). Khẳng định này không chỉ xuất hiện mới đây mà đã được truyền thông, báo chí Ấn Độ nhấn mạnh từ sớm khi Chính sách Hành động hướng đông được triển khai mạnh mẽ hơn tại khu vực ASEAN, đặc biệt là sau khi Ấn Độ và ASEAN nâng tầm mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 diễn ra tại Campuchia (3) vào ngày 12/11/2022.
Giai đoạn 1: Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 (12/11/2022)
Cùng ngày diễn ra Hội nghị, Times of India, tờ báo lớn thứ ba tại Ấn Độ, xuất bản bài báo với tiêu đề, là nhận định của Phó Tổng thống Ấn Độ Dhankar “India places great value on ASEAN as important pillar of regional, multilateral global order: VP Dhankar (4)” (Tạm dịch: Ấn Độ coi trọng ASEAN như một trụ cột quan trọng của trật tự toàn cầu đa phương, khu vực - Phó Tổng thống Dhankar). Bên cạnh nhận định đó, bài báo tập trung trích dẫn những phát ngôn khác của vị Phó Tổng thống, tập trung vào khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thực hiện Chính sách Hành động hướng Đông trên nhiều phương diện. Bày tỏ sự ủng hộ và hỗ trợ của Ấn Độ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực, bài báo trích dẫn lời Phó Tổng thống Ấn Độ Dhankar; đồng thời liệt kê những sự xác nhận giữa Ấn Độ và Campuchia thông qua các biên bản được thành lập ngay tại Hội nghị bằng cách đưa ra các dẫn chứng về các Biên bản ghi nhớ đã được trao đổi trước sự chứng kiến của các quan chức. Kết thúc bài báo, vai trò của ASEAN trong mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN nói riêng và việc thực hiện Chính sách Hành động hướng Đông nói chung một lần nữa được khẳng định thông qua lời khen ngợi của vị phó Tổng thống Ấn Độ Dhankar đối với ASEAN và mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn của Ấn Độ với ASEAN trong tương lai.
Giai đoạn 2: Trước và sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18 (7/9/2023) (5)
Đến tháng 7 năm 2023, tận dụng sức nóng trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18, báo chí quốc tế Ấn Độ lại tiếp tục đẩy mạnh nội dung về vai trò trụ cột của ASEAN trong Chính sách Hành động hướng Đông. Cụ thể, trong tháng 7, cả 3 tờ báo được khảo sát đều đưa thông tin với tiêu đề khẳng định trực tiếp luận điểm trên.
Trên Times of India, ngày 16/7/2023, bài báo với tiêu đề “Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India's Act East policy: Jaishankar” (6) (Tạm dịch: Hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Mekong đóng vai trò then chốt trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Jaishankar) được đăng tải. Trong đó, khu vực sông Mekong đại diện cho các quốc gia, bao gồm phần lớn các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, bài báo còn đề cập đến Sáng kiến Sông Mekong (MGC) - sáng kiến của sáu quốc gia - Ấn Độ và năm quốc gia ASEAN - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - nhằm hợp tác về du lịch, văn hóa, giáo dục cũng như giao thông và truyền thông.
Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18 (7/9/2023)
Trong ngày diễn ra sự kiện, hai trang báo điện tử Times of India và Hindustan Times đều đăng tải tin tức về sự kiện. Cụ thể, 3 bài báo được xuất bản cùng một ngày trên Times of India:
“Engaging with Asean key to Act East policy” (7) (Tạm dịch: Hợp tác với ASEAN là trụ cột trong Chính sách Hành động hướng Đông);
“Act East in action: PM Modi announces decision to open embassy in Dili (8)” (Tạm dịch: Hành động hướng Đông: Thủ tướng Modi công bố quyết định mở đại sứ quán ở Dili). Trong đó, Dili là thủ đô của Timor-Leste, một quốc gia thuộc ASEAN. Bài báo cho rằng Quyết định mở đại sứ quán ở Dili thể hiện cam kết, tận tâm của Ấn Độ đối với chính sách Hành động hướng Đông của nước này. Qua đây, tờ báo một lần nữa khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Ấn Độ và ASEAN thông qua đoạn kết trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Modi cho rằng các giá trị chung, hội nhập khu vực và niềm tin chung về hoà bình, thịnh vượng và một thế giới đa cực sẽ giúp tăng cường sự đoàn kết giữa ASEAN và Ấn Độ, khẳng định vai trò trung tâm và sự ủng hộ quan điểm của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“ASEAN-India Summit: History and geography unite Bharat and ASEAN, says PM Modi” (9) (Tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ: Lịch sử và địa lý gắn kết Bharat và ASEAN, theo Thủ tướng Modi). Thông qua sự gắn kết về lịch sử và địa lý, các giá trị chung, hội nhập khu vực và niềm tin chung về hòa bình, thịnh vượng và một thế giới đa cực, Ấn Độ và ASEAN trở nên thân thiết. Trích dẫn bài báo, thủ tướng Modi cho rằng ASEAN chiếm vị trí nổi bật (“prominent place”) trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và sự phát triển toàn cầu nói chung.
Cùng ngày, trên Hindustan Times đăng tải nội dung tương tự:
“‘ASEAN central pillar of India’s Act East Policy’, says PM Modi in Jakarta” (10) (Tạm dịch: ASEAN là trụ cột trung tâm trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ’, Thủ tướng Modi phát biểu tại Jakarta) gia tăng sức ảnh hưởng của khung nhận định tới với quốc tế. Ngoài ra, bài viết bổ sung phát biểu của Thủ tướng Modi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 rằng ASEAN quan trọng vì ở đây tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe & ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng toàn cầu.
Sau hai sự kiện, chủ yếu trong những tháng đầu năm 2024, hai tờ báo Times of India và Hindustan Times tập trung đưa tin về những tiến triển đi vào thực chất của Chính sách Hành động hướng Đông tại khu vực ASEAN.
Cụ thể, bài báo trên The Times of India vào ngày 3/5/2024 có tựa đề “EAM Jaishankar receives ASEAN delegation, says ‘comprehensive strategic partnership will grow from strength to strength’” (Tạm dịch: EAM Jaishankar tiếp phái đoàn ASEAN, khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ ngày càng phát triển”) đề cập đến vai trò trụ cột của ASEAN trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, nhưng nội dung nhấn mạnh nhiều hơn vào hợp tác của Ấn Độ và ASEAN trong giai đoạn này như việc tập trung vào các chủ đề có tầm quan trọng đặc biệt và kết quả cụ thể, bao gồm việc hoàn thành sớm việc xem xét Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA) và các vấn đề khu vực cùng quan tâm (trích lời Bộ Ngoại giao Ấn Độ được đề cập trong bài báo). Không chỉ vậy, bài báo thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ đối với ASEAN thông qua từ ngữ và những phát biểu thể hiện niềm tin vào của Ấn Độ vào ASEAN (“support”: ủng hộ; “unity”: đoàn kết; “truly believes”: thực sự tin tưởng). Kết luận nhắc tới sự tham gia tích cực của Ấn Độ vào các hoạt động do ASEAN chủ trì như các cuộc họp của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) cũng như các quy trình hỗ trợ.
Trong giai đoạn đầu năm 2024 này, Báo điện tử Hindustan Times đăng tải nội dung với tần suất lớn hơn, có thể điểm qua một vài bài báo như: Act East: Jaishankar’s three-nation Southeast Asia tour (23/3/2024), Next round of talks for India-Asean trade pact review in July (12/5/2024). Bài báo “Next round of talks for India-Asean trade pact review in July” đưa ra các số liệu về cụ thể về hiệu quả của các hoạt động các hoạt động rà soát bao gồm các vấn đề thực thi, quy tắc xuất xứ, quy trình xác minh và giải phóng lô hàng, thủ tục hải quan, tự do hóa hơn nữa thương mại hàng hóa, và chia sẻ và trao đổi dữ liệu thương mại: Xuất khẩu sang các nước ASEAN đã tăng từ 37,47 tỷ USD trong năm tài chính 2019 lên 41,21 tỷ USD trong năm tài chính 2024, tăng 9,96%. Mặt khác, nhập khẩu từ khối này tăng đáng kể hơn 34,30% từ 59,32 tỷ USD lên 79,67 tỷ USD.
3.1.2. Phân tích từ khóa
Thông qua khảo sát, nhóm nghiên cứu xin được trình bày phần phân tích các từ khóa có tần suất xuất hiện lớn trong các bài báo có nội dung thể hiện khung số 1 “ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dưới đây:
ASEAN
Act East Policy
Indo-Pacific
central pillar: trụ cột trung tâm
key role/ important role: vai trò chìa khoá/vai trò quan trọng
centrality: xu hướng trung tâm
pivotal role: vai trò chủ chốt
partnership: quan hệ đối tác
major pillar: trụ cột chính
India’s vision: tầm nhìn của Ấn Độ
PM Modi’s vision: tầm nhìn của Thủ tướng Modi
crucial pillar: trụ cột then chốt
ASEAN Outlook on the Indo-Pacific(AOIP): Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
cooperation: sự hợp tác
shared: chung
unite: đoàn kết
ASEAN-India relation: quan hệ ASEAN-Ấn Độ
tie: thắt chặt
Đối với khung nội dung này, các từ khóa xuất hiện nhiều và lặp lại ở các bài báo như ASEAN, Indo-Pacific, Act East Policy, centrality, pivotal role, central pillar, cooperation, partnership, India’s/PM Modi’s vision,... đều thể hiện xu hướng tập trung vào nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí chủ chốt của khu vực ASEAN đối với chính sách Hành động Hướng Đông (AEP) của Ấn Độ.
Các từ khóa được lồng ghép thể hiện rõ mục đích đề cao sức ảnh hưởng của các nước trong khối ASEAN đối với khu vực Indo-Pacific và vai trò trung tâm trong chính sách Hành động Hướng Đông: sử dụng các từ khóa có ý nghĩa tương đương như major pillar, central pillar, crucial pillar, key role, important role,... được sử dụng thường xuyên cùng nhau để làm phong phú lối diễn đạt mà vẫn giữ nguyên và đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, thông điệp muốn truyền tải.
Ấn Độ từ đó tỏ rõ mong muốn phát triển hợp tác với khu vực, hướng đến thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN. Các bài báo sử dụng India’s/PM Modi’s vision để khẳng định thêm cho mục đích trên, với việc kết hợp sử dụng nhóm các từ khóa như cooperation, partnership, shared, unite, tie.
Bên cạnh đó, cụm ASEAN-India relation cũng thường được sử dụng, vừa có ý nghĩa khẳng định quan hệ đối tác giữa hai bên, vừa là để nhấn mạnh sự tôn trọng của Ấn Độ dành cho tầm quan trọng của ASEAN đối với nước này, với chính sách AEP cũng như đối với khu vực Indo-Pacific. Điều này cũng có thể thấy được thông qua tên các hội nghị, các khu vực, sáng kiến hợp tác khác như ASEAN-India Summit (Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ), ASEAN–India Free Trade Area (Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ).
ASEAN Outlook on the Indo-Pacific, viết tắt là AOIP, cũng được các bài báo Ấn Độ đề cập như một sáng kiến nổi bật của khu vực trong tầm nhìn chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết hợp với các từ khóa thể hiện vai trò chủ lực đã được đề cập ở trên nhằm đưa ra thông điệp khen ngợi ASEAN khi hiểu rõ vị trí của mình. Các bài báo cũng dùng các từ khóa xác lập mối quan hệ, cho thấy Ấn Độ từ đó mong muốn được hợp tác lâu dài và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên nhằm cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với ASEAN là AOIP, còn với Ấn Độ là AEP.
3.2. Chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
3.2.1. Phân tích nội dung
Sau khi nhóm nghiên cứu rút ra được khung truyền thông thứ nhất về vấn đề ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, nhóm nghiên cứu cho rằng khung truyền thông “Chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” có sự liên kết khá chặt chẽ. Với việc ASEAN là khu vực đang có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới, các nước lớn đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc phủ rộng tầm ảnh hưởng của mình lên khu vực này, Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi khẳng định ASEAN là khu vực đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực đang là thế mạnh của cả Ấn Độ và Đông Nam Á như kinh tế, công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, … Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến nay, cả 3 tờ báo lớn của Ấn Độ đều có mật độ đưa tin với khung truyền thông vai trò của chính sách Ấn Độ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khá cao.
The Times of India
Một số bài viết của tờ báo này đưa tin dựa theo khung truyền thông số 2 tiêu biểu có thể kể đến như bài “Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India’s Act East Policy: Jaishankar” (11) với các dẫn chứng nêu rõ quan điểm vừa nâng tầm vai trò của ASEAN đối với chính sách AEP, vừa khẳng định vai trò của AEP trong duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực như: tái khẳng định Hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cũng đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của Thủ tướng (Narendra) Modi về an ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực theo chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Bên cạnh đó tác giả bài viết còn đưa thêm nhận định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar về việc Chính sách AEP thể hiện cam kết trong việc xây dựng trên nền tảng di sản phong phú và biến những khát vọng chung của chúng tôi thành những hành động cụ thể nhằm tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. Bài viết đã đưa ra những quan điểm của bộ trưởng thể hiện quyết tâm hợp tác của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á với mục tiêu đôi bên cùng phát triển bền vững trên nhiều phương diện như an ninh, kinh tế, chính trị, … Bên cạnh bài báo trên còn có bài “ASEAN - India alliance emerges as formidable force amidst shifting global dynamics” (12) khẳng định mối quan hệ đối tác Đối thoại Khu vực vào năm 1992 giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã phát triển thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2022 và được thúc đẩy bởi Chính sách Hành động Phía Đông của Thủ tướng Narendra Modi với các lĩnh vực thương mại, văn hóa, an ninh, kết nối và hợp tác đan xen và nhờ chính sách Hành động Hướng Đông (AEP), kết nối khu vực giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đang nổi lên với khu vực Đông Bắc Ấn Độ là điểm trọng tâm cho phát triển cơ sở hạ tầng đa phương tiện và liên phương tiện giữa hai khu vực. Sự tập trung mới vào các lĩnh vực Thương mại, Văn hóa và Kết nối cùng với an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa, các khía cạnh an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện đang bao trùm mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Trong năm 2024, tờ báo này cũng đã cho xuất bản một số bài viết đi theo khung truyền thông nêu cao vai trò của AEP đến hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tiêu biểu có thể kể đến: “Jaishankar backs Philippines in South China Sea, riles China” (13). Dẫn chứng tiêu biểu thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự bành trướng trên khu vực này có thể kể đến quan điểm của Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Jaishankar trong cuộc gặp mặt với các quan chức của Philippines, ông nêu cao vai trò của Ấn Độ là một quốc gia đầu tư sâu vào khu vực dưới chính sách Hành động Hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ấn Độ theo dõi tất cả các diễn biến với sự quan tâm lớn và hoàn toàn ủng hộ vai trò trung tâm, sự gắn kết và đoàn kết của ASEAN. Đồng thời cũng tin rằng sự tiến bộ và thịnh vượng của khu vực này được phục vụ tốt nhất bằng cách tuân thủ vững chắc trật tự dựa trên luật lệ.
Hindustan Times
Tờ Hindustan Times trong khoảng thời gian từ 2022 đến nay đã có một số bài viết đi theo khung truyền thông đề cao vai trò của AEP trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tiêu biểu là bài viết: “Enhancing India’s maritime footprint in the Indo - Pacific" (14), tiêu đề bài viết không đề cập đến chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, tuy nhiên tiêu đề này cũng đã thể hiện quyết tâm phủ rộng hơn sức ảnh hưởng của Ấn Độ đến khu vực trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với một cường quốc khác của Châu Á là Trung Quốc. Tác giả nhận định Sự hiện diện chiến lược của Ấn Độ trong khu vực đã tăng lên đều đặn và AIME-23 ngày càng khẳng định sức ảnh hưởng của Ấn Độ. Năm 2019, Ấn Độ và ASEAN đã phác thảo các cách tiếp cận của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lần lượt phát hành Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Ấn Độ coi ASEAN là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình và đối với Ấn Độ, AIME-23 và sự mở rộng dấu chân hải quân có tầm quan trọng chiến lược đáng kể. Ấn Độ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự song phương với một số thành viên ASEAN như Singapore, Indonesia và Thái Lan. Còn trong bài viết mang tiêu đề: “India in the Indo-Pacific: Pursuing prosperity and security” (15), tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ không thể bị đánh giá thấp. Có sự hội tụ ngày càng tăng của các cường quốc toàn cầu đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, điều này thể hiện qua sự bùng nổ của các sáng kiến song phương và đa phương trong khu vực, trong đó Ấn Độ ngày càng tham gia tích cực. Sự gia tăng tranh chấp và các hành động khiêu khích, do Trung Quốc dẫn đầu, nhấn mạnh sự cần thiết đối với Ấn Độ trong việc xác định một vai trò thực dụng và chiến lược cho mình tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
ORF (Observer Research Foundation)
ORF là trang báo chuyên đăng các bài nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Ấn Độ trong đa lĩnh vực. Với khung truyền thông nêu cao vai trò tích cực của Chính sách Hành động Hướng Đông trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ORF đã cho xuất bản một số bài phân tích mà nhóm nghiên cứu cho rằng đã phần nào thể hiện tầm quan trọng của AEP đến an ninh khu vực. Trong bài “India’s nuanced approach in the South China Sea" (16), dẫn chứng được đưa ra bao gồm sự điều chỉnh chiến lược của New Delhi nhận ra sự quan trọng quyết định của Biển Đông với an ninh khu vực và trật tự hàng hải toàn cầu. Còn trong bài: “India and a Stable Indo - Pacific: Managing Maritime Security Challenges in the Bay of Bengal” (17), ý kiến được đưa ra để nâng tầm vai trò của Ấn Độ đến an ninh hàng hải có thể nói đến việc Ấn Độ có thể bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình và đồng thời thúc đẩy ổn định hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này sẽ nâng cao vị thế của Ấn Độ trong khu vực, củng cố sự nổi bật của nước này vượt ra ngoài vùng biển lân cận. Từ các bài viết của ORF, nhóm nghiên cứu đã thấy được sự đề cao chính sách AEP của Ấn Độ và sức ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với các mối quan hệ hợp tác với các nước Đông Á với nội dung các bài viết đi sâu và những khía cạnh chứng minh được sức ảnh hưởng của chính sách AEP đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
2.3.2.2. Phân tích từ khoá
Qua hoạt động khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy những từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các bài báo thể hiện nội dung khung số 2 về “Chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” bao gồm:
peace: hòa bình
stability: Tính ổn định
defence: phòng thủ
defence collaboration: Hợp tác phòng thủ
defence partnership: Sự hợp tác phòng thủ
defence matters: các vấn đề phòng thủ
North East Region (NER): Khu vực Đông Bắc
security: an ninh
cooperation: Hợp tác
maritime: hàng hải
China: Trung Quốc
strategic competition: cạnh tranh chiến lược
ASEAN- INDIA: Đông Nam Á - Ấn Độ
multilateral: đa phương
territorial disputes: tranh chấp lãnh thổ
counter-terrorism: chống chủ nghĩa khủng bố
bilateral: song phương
Conflict-prone: dễ xảy ra xung đột
cyber-security: an ninh mạng
Indo - Pacific: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Dựa vào các từ khóa đã kể trên do nhóm nghiên cứu chắt lọc được từ các tờ báo, có thể nhận thấy chính sách hướng đông của Ấn Độ được truyền tải trên các trang báo mạng điện tử qua 4 khía cạnh sau:
Nhóm từ khoá an ninh (Từ khóa: defence, defence partnership, security, stability, peace, cooperation, terrorism, maritime security, defence matters, counter-terrorism, cyber security). Những từ khóa này liên kết chặt chẽ giữa chính sách AEP với các vấn đề liên quan đến an ninh và ổn định khu vực, từ khóa được lồng ghép xuyên suốt các bài báo liên quan đến các vấn đề về ổn định, hòa bình và phát triển của khu vực Indo-Pacific nhằm đề cao tinh thần duy trì sự ổn định của hòa bình khu vực thông qua chính sách AEP của Ấn Độ. Có thể thấy, một số từ khóa được sử dụng nhiều nhất là “Defence”, “Stability”, “Peace” hay “Maritime” đều đang nhấn mạnh đến hướng mục tiêu của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đang hướng đến những vấn đề nóng hổi của quan hệ quốc tế tại Indo Pacific từ năm 2022 đến nay, từ đó một lần nữa khẳng định vai trò của Ấn Độ và chính sách của mình sẽ đóng góp vào việc duy trì và xoa dịu sự bất ổn tại khu vực Indo-Pacific những năm gần đây. Ngoài ra, thay vì sử dụng những từ ngữ mạnh như can thiệp, hay trực tiếp, truyền thông chính phủ ưa chuộng việc chỉ “tham gia” vào quá trình phòng thủ hay góp phần giảm đi sự căng thẳng trong khu vực thay vì trực tiếp can thiệp vào và tác động đến hay làm rối loạn thêm tình hình tại khu vực này.
Nhóm từ khóa hợp tác: Với các từ khóa như defence collaboration, cooperation hay ASEAN-INDIA Alliance... cũng được sử dụng rất nhiều xuyên suốt các bài báo cũng thể hiện mong muốn của Ấn Độ trong việc hợp tác cùng nhau để giữ gìn sự ổn định và hòa bình bền vững của khu vực, tạo hình ảnh một Ấn Độ thân thiện, một người bạn, đối tác hợp tác đáng tin cậy cho các quốc gia ASEAN, một người góp phần gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực. Thông qua các giải pháp thúc đẩy sự hòa bình và ổn định của khu vực của chính sách AEP, Ấn Độ đã và đang dần trở thành đối tác quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng cũng như duy trì tính cân bằng tại ASEAN, đặc biệt tại khu vực biển Đông (Từ khóa: South China Sea). Ấn Độ rất chú trọng tới hòa bình tại khu vực biển này, khi mà tình hình căng thẳng ngày càng nâng cao do sự cạnh tranh về chủ quyền giữa các nước ASEAN và Trung Quốc diễn ra ngày càng khốc liệt, Ấn Độ khẳng định sẽ luôn đứng về phía ASEAN và đồng thời hợp tác để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này (Chỗ này note báo vào), qua đó phần nào tái khẳng định sự cố gắng của Ấn Độ trong việc liên kết và hợp tác với các quốc gia ASEAN (Khung 1) và mong muốn duy trì sự ổn định và hòa bình khu vực của Indo-Pacific nói chung và ASEAN nói riêng. Điều này đóng góp rất lớn trong việc giảm thiểu nhận thức công chúng và các đối tác ASEAN về một Cường Quốc Ấn Độ đang trỗi dậy và sẽ gây mất cân bằng trong khu vực.
Nhóm từ khoá giải quyết tranh chấp: Các từ khóa “territorial disputes”, “cooperation”, “maritime disputes” và “maritime security” nhấn mạnh vai trò của AEP trong việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hiện có, đặc biệt là ở Biển Đông. Điều này giúp xây dựng hình ảnh Ấn Độ như một quốc gia ủng hộ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Ấn Độ có một cách tiếp cận và tham gia giải quyết tranh chấp và xung đột tại khu vực rất đặc biệt, không can thiệp trực tiếp mà kêu gọi sự hợp tác hòa bình và cùng tham gia đàm phán, đối thoại đa phương để cùng nhau giải quyết các xung đột hiện hữu, ngoài ra như đã nêu ở trên, Ấn Độ đang hướng đến những cạnh tranh gay gắt tại khu vực biển nói chung và biển Đông nói riêng, giúp cho các quốc gia ASEAN yếu thế hơn so với Trung Quốc phần nào tìm được điểm tựa ủng hộ cho cạnh tranh song hơn hết là cùng đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề, tuân thủ các điều ước và luật pháp quốc tế, các công ước quốc tế và tạo môi trường phát triển hòa bình, ổn định tại khu vực này.
Nhóm từ khoá phát triển: Từ khóa vùng đông bắc “NER” được để cập rất nhiều trong các bài báo của truyền thông Ấn Độ, nhằm khẳng định tính đa chiều của chính sách AEP, không chỉ hướng tới các vấn đề liên quan đến an ninh mà còn vào phát triển kinh tế và xã hội của khu vực, bao gồm cả các khu vực kém phát triển hơn của Ấn Độ.
Tóm lại, việc sử dụng các từ khóa này một cách nhất quán và chiến lược trong các thông cáo báo chí, bài phát biểu và các kênh truyền thông khác của chính phủ Ấn Độ có thể tạo ra một câu chuyện thuyết phục về AEP như một động lực tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này có thể giúp Ấn Độ giành được sự ủng hộ trong nước và quốc tế cho AEP, đồng thời tăng cường vị thế của mình như một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực.
Như vậy, qua hệ thống bài báo trải dài trên các trang truyền thông đại chúng trên cùng với việc liên tục sử dụng các từ khóa, có thể nhận thấy truyền thông Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của công chúng về AEP và tác động của nó đối với sự ổn định phát triển và hòa bình ở khu vực khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, việc sử dụng các từ khóa nhất quán và chiến lược trong các bài báo giúp xây dựng hình ảnh Ấn Độ như một cường quốc có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Khung truyền thông thể hiện chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thể hiện rõ và nhấn mạnh xuyên suốt các bài báo đồng thời cũng tạo khung nhận thức cho công chúng về các khung truyền thông còn lại nhằm xây dựng hình ảnh một chính sách quan trọng và mang nhiều lợi ích tới cho các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.
3.3. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối
3.3.1. Phân tích nội dung
Về phát triển cơ sở hạ tầng
Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong việc xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng biển để cải thiện kết nối với các quốc gia Đông Nam Á. Một ví dụ điển hình là Dự án Đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan (India-Myanmar-Thailand Trilateral Highway) kết nối ba quốc gia qua một hành lang đường bộ dài 1.400 km. Dự án này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và vận chuyển hàng hóa mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho giao thương và du lịch giữa các quốc gia. Sự đầu tư này không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường kết nối mà còn củng cố vị thế chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. (18) Trong bài báo đăng tải trên Hindustan Times (2023) có đoạn đề cập về dự án đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, Rajeev Jayaswal và Rezaul H Laskar cho biết thêm thông tin về các cơ sở hạ tầng được phát triển đi kèm như một phần của các công trình xây dựng được phục vụ trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng (19).
Thông qua Sáng kiến Đại dương Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Ocean Initiative - IPOI) ra mắt năm 2019, Ấn Độ và Úc đã hợp tác trong các lĩnh vực giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai, kết nối thương mại và vận tải hàng hải, xây dựng năng lực và chia sẻ tài nguyên. Trong bài báo "India in the Indo-Pacific: Bridging the financial divide" trên ORF (2023), Swati Prabhu nhấn mạnh Ấn Độ tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối khu vực. (20) Ngoài ra, Ấn Độ còn tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương để củng cố quan hệ với các quốc gia như Nhật Bản, Úc, và Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các tổ chức khu vực như ASEAN. Thông qua việc đẩy mạnh quan hệ đối tác và mở rộng mạng lưới hợp tác, Ấn Độ đã chứng tỏ vai trò là một quốc gia chủ động và có trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và tăng cường ổn định khu vực.
Về kết nối khu vực
Các dự án kết nối khu vực như Sáng kiến Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh (India-Myanmar-Bangladesh Economic Corridor) đã được triển khai để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực. Hành lang này sẽ kết nối các cảng và các thành phố lớn, tạo ra một mạng lưới giao thông xuyên quốc gia hiệu quả và bền vững. Trong bài báo trên Hindustan Times ghi lại phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S. Jaishankar, ông nêu rõ rằng Ấn Độ đã chủ động trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước quan trọng và tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương như Quad (gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ). Bài báo cũng cho biết rằng ông cũng đề cập đến các thách thức mà Ấn Độ đang đối mặt trong bối cảnh toàn cầu biến động, đặc biệt là vấn đề an ninh và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế mà còn tăng cường sự ổn định và hợp tác giữa các quốc gia. Bên cạnh kết nối đất liền, việc phát triển các tuyến đường biển cũng được xem là quan trọng. Nó sẽ giúp tăng cường khả năng giao thương, làm cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, từ đó giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tích cực tham gia vào các dự án của ASEAN nhằm tạo ra một mạng lưới kết nối mạnh mẽ hơn trong khu vực. Việc tham gia vào các sáng kiến như ASEAN Connectivity 2025 đã giúp Ấn Độ đóng góp vào việc xây dựng các hệ thống giao thông, năng lượng và viễn thông, qua đó tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á. Sự tham gia này không chỉ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và hàng hóa, đồng thời củng cố quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực. Ấn Độ đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Ví dụ, trong chuyến thăm Papua New Guinea, Thủ tướng Modi đã công bố kế hoạch hành động 12 bước nhằm hỗ trợ trong các lĩnh vực y tế, công nghệ kỹ thuật số, và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hơn nữa, Ấn Độ cũng hợp tác với Hoa Kỳ trong việc xây dựng năng lực và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tại Fiji, một phần của hợp tác ba bên. (21)
Về vai trò cầu nối trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương:
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương:
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ nhằm thúc đẩy một khu vực cởi mở và bao trùm, nơi mà các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được tôn trọng. Ấn Độ đã cam kết hợp tác với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ đối thoại an ninh bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue - Quad). Quad nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong các vùng biển quốc tế như Biển Đông và Ấn Độ Dương. Prabhu nhấn mạnh rằng SIDS có vai trò quan trọng trong việc định hình một chương trình phát triển mạnh mẽ cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực này và chỉ ra các thách thức phát triển chung mà khu vực đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Prabhu chỉ ra rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm khoảng 65% dân số thế giới và đóng góp 63% GDP toàn cầu. Đây là một con số ấn tượng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực này trong nền kinh tế thế giới. Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khu vực then chốt của thế giới cả về mặt kinh tế và địa chính trị, với tầm quan trọng lớn về dân số, GDP và thương mại toàn cầu. Khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức phát triển, nhưng cũng có cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Để giải quyết các thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng và chuyển đổi năng lượng.
Chương trình Hợp tác Phát triển:
Ấn Độ đã khởi xướng nhiều chương trình hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (Indian Technical and Economic Cooperation - ITEC) là một trong những sáng kiến quan trọng của chính phủ Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển với các quốc gia đang phát triển. Sự hỗ trợ này giúp tăng cường năng lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong bài báo "India’s Lines of Credit, Development Cooperation, and G20 Presidency: A Primer." được đăng trên ORF ngày 17/08/2023, Abhijit Mukhopadhyay (22) đã làm rõ mối liên hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững và G20 đã trở nên rõ ràng và dứt khoát hơn trong cách tiếp cận của Ấn Độ. Điều này cho thấy Ấn Độ đang ngày càng tích hợp SDGs vào các khuôn khổ quốc tế rộng lớn hơn như G20, phản ánh cách tiếp cận có cấu trúc hơn đối với các mục tiêu bền vững toàn cầu. (23)
Hợp tác phát triển trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ sử dụng hợp tác phát triển như một phương tiện để chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các quốc gia đang phát triển khác. Mục tiêu là đạt được sự "toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm," tức là tập trung vào sự phát triển và thịnh vượng của con người thay vì chỉ tập trung vào các chỉ số kinh tế. Cách tiếp cận của Ấn Độ không chỉ có lợi cho các quốc gia đối tác mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển toàn cầu, đặc biệt trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Mô hình của Ấn Độ cho thấy một cách tiếp cận khác biệt và có thể hiệu quả hơn trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của các quốc gia đang phát triển, so với cách tiếp cận của các quốc gia phương Tây.
3.3.2. Phân tích từ khóa
Qua khảo sát các báo, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, khi đề cập đến nội dung về “CHÍNH SÁCH HƯỚNG ĐÔNG” (Act East Policy - AEP) và vai trò của Ấn Độ đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực, những từ khóa được xuất hiện nhiều nhất bao gồm những từ được nhắc tới trong danh sách dưới đây:
Infrastructure: Cơ sở hạ tầng
Development: Phát triển
Highway: Cao tốc
Project: Dự án
Investment: Đầu tư
Connect: Kết Nối
Economy: Kinh tế
Trade: Giao dịch
Commerce: Thương Mại
Link: Liên kết
Loans: Khoản vay
Finance:Tài chính
Bridge: Cầu vượt
Cooperation: Hợp tác
FTA: Hiệp định thương mại tự do
Strategy: Chiến lược
Trong nhóm chủ đề nội dung này, những từ khoá có tần suất xuất hiện nhiều nhất là Infrastructure, Development, Highway, Project, Investment, Link, Economy, Trade, Commerce, Connect, Loans, Finance, Bridge, Cooperation, FTA, Strategy… Những từ khóa này thể hiện trọng tâm của giai đoạn là tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh quốc gia trước các nguy cơ đe dọa trong tương lai. Đây đều là những khía cạnh mũi nhọn trong sự phát triển của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển trong tương lai.
Với chính sách “HÀNH ĐỘNG HƯỚNG ĐÔNG”, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN được triển khai tích cực thông qua gần 30 cơ chế trên các lĩnh vực. Vì vậy, để làm rõ việc Ấn Độ đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải, các báo quốc tế đã sử dụng những từ nổi bật thuộc lĩnh vực này, bao gồm Infrastructure (Cơ sở hạ tầng), Highway (Đường cao tốc), Bridge (Cầu vượt)… Đây là những mục tiêu mà Ấn Độ hướng đến cho việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng của khu vực này, nhằm mở rộng sự kết nối khu vực, tăng cường giao lưu quốc tế. Đặc biệt, những từ khóa này xuất hiện chủ yếu trong các bài viết về dự án Đường Cao tốc kết nối ba quốc gia Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan (India-Myanmar-Thailand Trilateral Highway), thể hiện tầm quan trọng của dự án trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực.
Nhằm mục đích phân tích các chính sách và làm nổi bật vai trò của Ấn Độ, các tờ báo lớn đã sử dụng những từ như Project (Dự án), Economy (Kinh tế), Trade (Giao dịch), Commerce (Thương mại), Finance (Tài chính), Loans (Khoản vay), FTA (Hiệp định thương mại tự do) để truyền tải rõ hơn mục tiêu và lĩnh vực của sự đầu tư dài hạn Ấn Độ dành cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cùng sự đa dạng các phân ngành nhỏ lẻ trong tổng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung. Với những bài viết về Sáng kiến Đại dương ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPOI), các tờ báo nỗ lực làm nổi bật hình ảnh của Ấn Độ trong việc làm cầu nối kinh tế, tạo tiền đề thương mại và dần xóa bỏ khoảng cách tài chính giữa các quốc gia trong khu vực.
Những từ khoá Investment (Đầu tư), Development (Phát triển), Cooperation (Hợp tác), Strategy (Kế hoạch) được sử dụng nhiều trong các bài viết liên quan tới sự hợp tác và đầu tư dài hạn về kinh tế và kỹ thuật, thông qua những dự án phát triển như ITEC, cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của thế giới. Với việc những dự án đầu tư phát triển của Ấn Độ và sự hợp tác với các quốc gia còn lại trong nhóm QUAD đang cho thấy sự liên quan và tính khả thi của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, vai trò của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng được củng cố thêm.
4.Đánh giá và dự đoán hướng tiếp cận trong tương lai
4.1. Đánh giá
Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát, ta thấy được truyền thông quốc tế Ấn Độ đang xây dựng hình ảnh tích cực về Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) trong nhận thức của công chúng thông qua ba khung chính: ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối. Nhóm đã chọn ra và phân tích 120 bài báo để đưa ra những đánh giá nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu như sau.
Kể từ khi Chính sách hướng Đông (Look East Policy) của Ấn Độ được chuyển thành Chính sách Hành động hướng Đông (Act East Policy) vào năm 2014, mặc dù nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á trong việc thi hành chính sách, truyền thông quốc tế Ấn Độ chưa thực sự tạo ra nhiều dấu ấn trong việc làm nổi bật AEP tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phải đến khi mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN được nâng tầm lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 12/11/2022 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 và nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ chính thức bắt đầu, sự đẩy mạnh truyền thông quốc tế đưa tin xoay quanh các vấn đề về AEP mới thực sự rõ rệt. Trong đó, nội dung được truyền thông Ấn Độ tập trung nhất trong giai đoạn ngay sau sự kiện này là “vai trò trụ cột của ASEAN trong việc triển khai Chính sách Hành động hướng Đông”, nội dung thể hiện khung số 1 theo giả thuyết mà nhóm đưa ra. Đối với thông điệp này, hai trang báo chí là Times of India và Hindustan Times đưa tin nhiều hơn so với trang thông tin điện tử Observer Research Foundation (ORF). Sự gia tăng về truyền thông trong giai đoạn này có thể được lý giải bởi mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN đã trở nên thân thiết, ổn định hơn. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác. Tận dụng những thuận lợi đó, khung truyền thông mà Ấn Độ áp dụng vào báo chí càng dễ được đón nhận hơn, không bị quá gò bó và lộ liễu. Bên cạnh đó, nội dung về việc duy trì hòa bình ổn định vẫn được duy trì ở mức độ vừa phải thông qua các bài báo của Times of India về việc tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á, kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực; và các bài báo về hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ các vấn đề an ninh hàng hải hay thảo luận về chiến sự Nga - Ukraine. Khung truyền thông về vai trò của Ấn Độ trong phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cũng được ORF làm nổi bật thông qua các bài phân tích sâu về những chính sách cụ thể đối với khu vực Đông Nam Á.
Giai đoạn thực sự chứng kiến sự tăng cường mạnh mẽ của truyền thông quốc tế Ấn Độ là từ năm 2023 và đặc biệt là cột mốc ngày 7/9/2023 khi hai hội nghị quan trọng diễn ra là Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18. Trước thềm hai sự kiện quan trọng, hai trang báo điện tử Times of India và Hindustan Times đã đẩy mạnh trở lại các nội dung về vai trò trung tâm của ASEAN đối với Chính sách Hành động hướng Đông và sự hiện diện của Ấn Độ với vai trò duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Tuy nhiên sự thay đổi rõ rệt trong cách thức truyền thông của Ấn Độ nằm ở giai đoạn sau hai hội nghị trên. Sự đẩy mạnh truyền thông được lý giải khá tương đồng với giai đoạn sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 (12/11/2022) khi Ấn Độ tận dụng sự quan tâm của quốc tế và sự thắt chặt mối quan hệ giữa hai khu vực. Sự khác biệt nằm ở phương thức báo chí Ấn Độ đưa tin. Sau gần 1 năm đưa tin trực tiếp về tầm quan trọng của ASEAN trong thực thi chính sách và các triển vọng hợp tác trong khuôn khổ chính sách, truyền thông Ấn Độ chuyển sang đưa tin về các hoạt động xây dựng, an ninh quốc phòng đi vào thực chất của Chính sách Hành động hướng Đông, là minhchứng cho những hiệu quả nhất định mà AEP mang lại trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Ngoài ra, đây cũng là khoảng thời gian xảy ra nhiều sự kiện an ninh chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể kể đến việc Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn gần Đài Loan, gây căng thẳng trong khu vực, cùng với đó Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị Bộ Tứ QUAD, cam kết hợp tác về an ninh và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào thời điểm này, ba tờ báo cho rằng Chính sách Hành động hướng Đông là thứ có thể kìm hãm sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cụ thể tin tức về các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng thể hiện sức mạnh và vai trò của Ấn Độ trong khu vực. Như vậy, sự thay đổi trong cách thức đưa tin ở giai đoạn này thể hiện hoạt động truyền thông quốc tế của Ấn Độ là có chiến lược, phù hợp với từng biến chuyển của tình hình khu vực, xong luôn nhất quán về thông điệp truyền tải.
Tóm lại, các bài báo áp dụng thuyết đóng khung đã giúp Ấn Độ tạo dựng nên hình ảnh tích cực về Chính sách Hành động hướng Đông là một chính sách kiên định, mang lại nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương. Các lĩnh vực bao phủ từ kinh tế, cơ sở hạ tầng kết nối đến vấn đề an ninh hàng hải và nền hòa bình, sự ổn định của khu vực. Tận dụng các cột mốc quan trọng là các Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19, 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 18, Ấn Độ linh hoạt đẩy mạnh đưa tin với khung và nội dung phù hợp với từng giai đoạn, tận dụng tối đa sự quan tâm của quốc tế và mối quan hệ tốt đẹp của hai khu vực. Việc triển khai các nội dung thông tin có chiến lược, biến đổi phù hợp với sự biến đổi của tình hình quốc tế không chỉ giúp Ấn Độ định hình được nhận thức của công chúng về sự hiện diện, vai trò của Ấn Độ và AEP, mà còn tham gia vào quá trình kìm hãm sự bánh trướng của Trung Quốc tại khu vực trung tâm là Đông Nam Á.
4.2. Dự đoán hướng tiếp cận trong tương lai
Với việc tình hình an ninh chính trị trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn sẽ còn những diễn biến phức tạp do căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước lớn khác như bộ tứ QUAD, nhóm nghiên cứu đưa ra những dự đoán về hướng tiếp cận của truyền thông quốc tế Ấn Độ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Chính sách Hành động Hướng Đông và gia tăng sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực như sau:
Cả 3 khung thông tin được xác định trên các trang báo chí Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng bởi các diễn biến, sự kiện lớn trong khu vực, điển hình như khung thông tin số 1 hướng đến đối tượng mục tiêu là ASEAN xuất hiện với tần suất dày hơn xung quanh thời gian Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ được tổ chức, khung số 2 tập trung nhấn mạnh về vai trò duy trì hòa bình và ổn định của AEP được đẩy mạnh khi Trung Quốc và nhóm bộ tứ QUAD thể hiện sức ảnh hưởng của mình qua các động thái liên quan đến an ninh khu vực, khung số 3 có xu hướng thay đổi tương tự như khung số 2 nhưng liên quan đến các diễn biến hợp tác phát triển trên các lĩnh vực khác, đặc biệt về giao thông vận tải, kinh tế và công nghệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tương lai gần, xu hướng xuất hiện của 3 khung thông tin trên sẽ còn tiếp tục được duy trì. Dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở từ chính những yếu tố cơ bản trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Chủ thể quan trọng nhất của chính sách là các nước trong khối ASEAN, đã được truyền thông Ấn Độ liên tục nhấn mạnh khi đề cập đến AEP trên mọi trang thông tin truyền thông quốc tế, và với những dự án hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối (như tuyến đường cao tốc 1.400km Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan đang có kế hoạch mở rộng thành 3.200km đến Lào, Campuchia và Việt Nam) tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khung số 1 về vai trò trụ cột trung tâm của ASEAN và khung số 3 về phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối trong chính sách AEP tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có thể được truyền thông quốc tế Ấn Độ tiếp tục phát huy. Đối với khung số 2, tình hình an ninh chính trị ở các khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp như khu vực Trung Đông (chiến sự ở dải Gaza, căng thẳng Iran - Israel), khu vực Đông Âu (xung đột Nga - Ukraine), cùng với sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc với Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể sẽ là những yếu tố tác động đến việc đẩy mạnh việc truyền đi thông điệp đảm bảo hoà bình, ổn định từ Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tóm lại, cả 3 nội dung thông tin mà nhóm nghiên cứu xác định có khả năng cao tiếp tục được các trang báo quốc tế của Ấn Độ duy trì đóng khung trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ấn Độ đang là một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định nhất trên thế giới, khi luôn duy trì mức tăng GDP từ 6% đến 7% mỗi năm. Có thể lấy con số này để so sánh với Trung Quốc, khi cường quốc giữ vị trí tăng trưởng cao nhất của nhóm Các nước có nền kinh tế lớn (G20) trong nhiều năm chỉ đạt mức tăng trung bình 4,9%. (24) Với việc được dự báo sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới vào giai đoạn 2027 - 2028 nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại (thậm chí theo tầm nhìn của Thủ tướng Modi và hướng đi tiếp theo cho Chính sách “Hành động Hướng Đông” thì Ấn Độ còn đặt mục tiêu đạt được cột mốc này ngay trong năm 2025 (25)), khung truyền thông trên các tờ báo của Ấn Độ sẽ có thể hướng đến những thông điệp về việc chính sách AEP là một hướng đi đúng đắn cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoặc các hình thức đóng khung khác nhằm khẳng định vị thế của Ấn Độ trên bản đồ kinh tế quốc tế, tăng động thái cạnh tranh với Trung Quốc, xây dựng hình ảnh về một Ấn Độ thịnh vượng để thu hút các nhà đầu tư, cũng như sự ủng hộ đối với chính sách Hành động Hướng Đông của quốc gia này.
- Kết luận
Truyền thông quốc tế Ấn Độ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa chính sách Hành động Hướng Đông đến với thế giới với một thông điệp mạnh mẽ về một Ấn Độ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong không chỉ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Nghiên cứu đã phân tích các khung truyền thông mà ba tờ báo lớn của Ấn Độ là The Times of India, Hindustan Times và ORF hướng đến và tiếp cận để đưa tin về chính sách “Hành động Hướng Đông” (AEP) trong khoảng thời gian từ 2022 đến nay. Ba khung truyền thông mà báo chí quốc tế Ấn Độ đóng khung trong dư luận bao gồm: “ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; “Chính sách Hành động Hướng Đông đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; “Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và kết nối”.
Dựa trên xu hướng đưa tin của truyền thông quốc tế Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, cùng với những báo cáo số liệu về sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Ấn Độ, nhóm nghiên cứu dự đoán trong tương lai truyền thông quốc tế Ấn Độ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong chính sách Hành động Hướng Đông, truyền tải mạnh mẽ thông điệp về vai trò của Chính sách Hành động Hướng Đông nói riêng và Ấn Độ nói chung trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường truyền thông về vai trò của AEP trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo Tiếng Việt
- PGS. TS. Lê Thanh Bình. 2021. Giáo trình Truyền thông đối ngoại. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. ISBN 9786045765951
- PGS. TS. Lương Khắc Hiếu. 2013. Giáo trình lý thuyết truyền thông. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật
- TS. Lê Thị Hằng Nga. 2020. Tầm nhìn của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
- TS. Lý Thị Hải Yến. 2020. Giáo trình Truyền thông và Quan hệ quốc tế. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật
- Nguyễn Văn Dững and Đỗ Thị Thu Hằng. 2017. Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản. Hà Nội. NXB Thông tin và Truyền thông.
- Tạ Ngọc Tấn. 2000. Truyền thông đại chúng. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.
- Võ Xuân Vinh. 2013. ASEAN trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Hanoi: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, NXB Khoa học Xã hội
- Dũng Hoàng. “Ấn Độ, ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.” Báo điện tử VOV. Ngày 12/11/2022. Đường dẫn: https://vov.vn/the-gioi/an-do-asean-thiet-lap-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-post983572.vov
- Dũng Hoàng. "Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương." Báo điện tử VOV. Ngày 24/04/2024. Đường dẫn: https://vov.vn/the-gioi/an-do-nhan-manh-vai-tro-cua-asean-trong-cau-truc-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-post1091119.vov
- Linh Anh. “Thủ tướng Ấn Độ và giấc mơ ‘Viksit Bharat’”. Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân. Ngày 06/06/2024. Đường dẫn: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thu-tuong-an-do-va-giac-mo-viksit-bharat-i374651/
- Mạnh Hùng. “ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/asean-la-tru-cot-trong-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-646119.html
- “Bàn về khái niệm dư luận xã hội”. Trang Thông tin Điện tử Ban tuyên giáo tỉnh Yên Bái. Ngày 23/03/2023. Đường dẫn: https://tuyengiao.yenbai.gov.vn/tin-hoat-dong-tong-hop/detail?article=Ban-ve-khai-niem-Du-luan-xa-hoi-
- “Từ “Chính sách Hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông” và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ”. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Học viện Chính trị Quôc gia Hồ Chí Minh. Đường dẫn: https://cis.org.vn/tu-chinh-sach-huong-dong-den-hanh-dong-phia-dong-va-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-an-do-phan-1-10294.html
Tài liệu tham khảo nước ngoài
- Canel, M.J., & Sanders, K.B. (2010). Mapping the field of Government Communication Research, ResearchGate. Đường dẫn: https://www.researchgate.net/publication/287549966_Mapping_the_field_of_Government_Communication_Research/citations
- Ekaputra, S., and C. Hennida. "National Attributes on Foreign Policy: India Act East Policy." In Proceedings of Airlangga Conference on International Relations (ACIR 2018) - Politics, Economy, and Security in Changing Indo-Pacific Region, 575-580. DOI: 10.5220/0010280500002309. ISBN: 978-989-758-493-0.
- Goffman, Erving. 1974. Frame Analysis: An Essay on the Organization of Experience. New York, NY et al.: Harper & Row.
- Hindustan Times. "Diplomacy Is Not Just About Wordsmithery, Says Foreign Minister S. Jaishankar." Ngày 27/05/2022. https://www.hindustantimes.com/india-news/diplomacy-is-not-just-about-wordsmithery-says-foreign-minister-s-jaishankar-101653789188263.html
- Hindustan Times. "Enhancing India’s maritime footprint in the Indo-Pacific" Ngày 17/05/2023. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/ht-insight/economy/enhancing-india-s-maritime-footprint-in-the-indopacific-101684304166961.html
- Hindustan Times. “In South Korea, PM Narendra Modi says now it's time to 'Act East'”. 2015. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india/in-south-korea-pm-narendra-modi-says-now-it-s-time-to-act-east/story-2635x70EpGXC6Gv6RhsQ8L.html.
- Hindustan Times. "Myanmar Instability Hits Two Crucial India-Funded Infrastructure Projects." Ngày 24/01/2023. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india-news/myanmar-instability-hits-two-crucial-india-funded-infrastructure-projects-101712754930545.html
- Hindustan Times. Aryan Prakash. "PM Narendra Modi: ASEAN Centre Point of India's Act East Policy." Hindustan Times. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india-news/pm-narendra-modi-asean-centre-point-of-india-s-act-east-policy-101694053860023.html
- Bunthorn, K. (2023). Soft Power in India’s Act East Policy: A Cambodian Perspective. India Quarterly, 79(2), 189-208. DOI:10.1177/09749284231165110. Đường dẫn: https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/09749284231165110
- Ngaibiakching, & Pande, A. (2020). India’s Act East Policy and ASEAN: Building a Regional Order Through Partnership in the Indo-Pacific. International Studies, 57(1), 67-78. DOI:10.1177/0020881719885526. Đường dẫn: https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0020881719885526
- ORF. "India’s Lines of Credit, Development Cooperation, and G20 Presidency: A Primer." Observer Research Foundation. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/research/india-s-lines-of-credit-development-cooperation-and-g20-presidency-a-primer
- Poorvi Agarwal. “Political Communication in India”. PRN-16050144054
- Prabhu, Swati. "India in the Indo-Pacific: Bridging the financial divide." Observer Research Foundation. Ngày 19/06/2023. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-the-indo-pacific1
- Rajendram, Danielle. 2014. India’s New Asia-Pacific Strategy: Modi Acts East. Lowy Institute.
- Samanta, Pranab Dhal. "Modi and the Media: An Uneasy Relationship or a One-Way Communication Street?" Observer Research Foundation. Ngày 25/04/2019. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/expert-speak/modi-media-uneasy-relationship-or-one-way-communication-street-53032
- Scheufele, Dietram A. 1999. “Framing as a Theory of Media Effects.” Journal of Communication 49 (4): 103-22.
- Sidhu, W.P.S. "Modi’s Foreign Policy Fundamentals: A Trajectory Unchanged." India Quarterly 76, no. 2 (2020): 189-205. DOI:10.1177/09735984209088. Đường dẫn: https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0973598420908844
- Times of India. "Act East in action: PM Modi announces decision to open embassy in Dili." Times of India.Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/act-east-in-action-pm-modi-announces-decision-to-open-embassy-in-dili/articleshow/103453162.cms
- Times of India. "Engaging with ASEAN key to Act East policy." Times of India.Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/engaging-with-asean-key-to-act-east-policy/articleshow/103444366.cms
- Times of India. "History and geography unite Bharat and ASEAN, PM Modi says in Indonesia." Times of India. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/history-and-geography-unite-bharat-and-asean-pm-modi-says-in-indonesia/articleshow/103448941.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst
- Times of India. "India places great value on ASEAN as important pillar of regional, multilateral global order: VP Dhankar." Times of India. Ngày 12/11/2022. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/india-places-great-value-on-asean-as-important-pillar-of-regional-multilateral-global-order-vp-dhankar/articleshow/95466828.cms.
- Times of India, “Navy playing key role in supporting free, inclusive Indo-Pacific region: Admiral Hari Kumar”. Ngày 18/11/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/navy-playing-key-role-in-supporting-free-inclusive-indo-pacific-region-admiral-hari-kumar/articleshow/105309776.cms
- Times of India. "Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India's Act East policy: Jaishankar." Times of India. Ngày 16/01/2023. Đường dẫn https://timesofindia.indiatimes.com/india/peace-and-prosperity-in-mekong-region-play-pivotal-role-in-indias-act-east-policy-jaishankar/articleshow/101801235.cms.
- Ziipao, Raile Rocky. 2018. “Look/Act East Policy, Roads and Market Infrastructure in North-East India.” Strategic Analysis 42 (5): 476–89. DOI:10.1080/09700161.2018.1523082. Đường dẫn: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09700161.2018.1523082
(1) Goffman, Erving. 1974. Frame Analysis: An Essay on the Organization of Experience. New York, NY et al.: Harper & Row.
(2) Dũng Hoàng. "Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương." Báo điện tử VOV. Ngày 24/04/2024. Đường dẫn: https://vov.vn/the-gioi/an-do-nhan-manh-vai-tro-cua-asean-trong-cau-truc-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-post1091119.vov [Truy cập ngày 30/05/2024]
(3) Dũng Hoàng. “Ấn Độ, ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.” Báo điện tử VOV. Ngày 12/11/2022. Đường dẫn: https://vov.vn/the-gioi/an-do-asean-thiet-lap-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-post983572.vov [Truy cập ngày 30/05/2024]
(4) Times of India. "India places great value on ASEAN as important pillar of regional, multilateral global order: VP Dhankar." Times of India. Ngày 12/11/2022. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/india-places-great-value-on-asean-as-important-pillar-of-regional-multilateral-global-order-vp-dhankar/articleshow/95466828.cms. [Truy cập ngày 30/05/2024]
(5) Mạnh Hùng. “ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/asean-la-tru-cot-trong-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-646119.html [Truy cập ngày 30/05/2024]
(6) Times of India. "Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India's Act East policy: Jaishankar." Times of India. Ngày 16/01/2023. Đường dẫn https://timesofindia.indiatimes.com/india/peace-and-prosperity-in-mekong-region-play-pivotal-role-in-indias-act-east-policy-jaishankar/articleshow/101801235.cms.[Truy cập ngày 30/05/2024]
(7) Times of India. "Engaging with ASEAN key to Act East policy." Times of India.Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/engaging-with-asean-key-to-act-east-policy/articleshow/103444366.cms [Truy cập ngày 30/05/2024]
(8) Times of India. "Act East in action: PM Modi announces decision to open embassy in Dili." Times of India.Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/act-east-in-action-pm-modi-announces-decision-to-open-embassy-in-dili/articleshow/103453162.cms [Truy cập ngày 30/05/2024]
(9) Times of India. "History and geography unite Bharat and ASEAN, PM Modi says in Indonesia." Times of India. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/history-and-geography-unite-bharat-and-asean-pm-modi-says-in-indonesia/articleshow/103448941.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst [Truy cập ngày 30/05/2024]
(10) Hindustan Times. Aryan Prakash. "PM Narendra Modi: ASEAN Centre Point of India's Act East Policy." Hindustan Times. Ngày 07/09/2023. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india-news/pm-narendra-modi-asean-centre-point-of-india-s-act-east-policy-101694053860023.html [Truy cập ngày 31/05/2024]
(11) Times of India, Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India’s Act East Policy: Jaishankar, 16/7/2023, truy cập đường dẫn: Peace and prosperity in Mekong region play pivotal role in India's Act East policy: Jaishankar | India News - Times of India (indiatimes.com), ngày truy cập 6/6/2024
(12) Times of India, ASEAN - India alliance emerges as formidable force amidst shifting global dynamics”, 3/9/2023, truy cập đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/asean-india-alliance-emerges-as-formidable-force-amidst-shifting-global-dynamics/articleshow/103315096.cms , ngày truy cập 6/6/2024
(13) Times of India, Jaishankar backs Philippines in South China Sea, riles China, 26/3/2024, truy cập đường dẫn: https://timesofindia.indiatimes.com/india/jaishankar-backs-philippines-in-south-china-sea-riles-china/articleshow/108798668.cms , ngày truy cập 6/6/2024
(14) Hindustan Times, “Enhancing India’s maritime footprint in the Indo - Pacific”, 17/5/2023, truy cập đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/ht-insight/economy/enhancing-india-s-maritime-footprint-in-the-indopacific-101684304166961.html , ngày truy cập 7/6/2024
(15) Hindustan Times, India in the Indo - Pacific: Pursuing prosperity and security, 28/11/2022, truy cập đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/ht-insight/international-affairs/india-in-the-indo-pacific-pursuing-prosperity-and-security-101669637863274.html , ngày truy cập 7/6/2024
(16) ORF., “India’s nuanced approach in the South China Sea”, 20/04/2024, truy cập đường dẫn: https://www.orfonline.org/research/indias-nuanced-approach-in-the-south-china-sea, ngày truy cập 8/6/2024
(17) ORF, India and a Stable Indo - Pacific: Managing Maritime Security Challenges in the Bay of Bengal, 27/3/2024, truy cập đường dẫn: https://www.orfonline.org/research/india-and-a-stable-indo-pacific-managing-maritime-security-challenges-in-the-bay-of-bengal , ngày truy cập 9/6/2024
(18) Hindustan Times. “In South Korea, PM Narendra Modi says now it's time to 'Act East'”. 2015. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india/in-south-korea-pm-narendra-modi-says-now-it-s-time-to-act-east/story-2635x70EpGXC6Gv6RhsQ8L.html. [Truy cập 22/05/ 2024].
(19) Hindustan Times. "Myanmar Instability Hits Two Crucial India-Funded Infrastructure Projects." Ngày 24/01/2023. Đường dẫn: https://www.hindustantimes.com/india-news/myanmar-instability-hits-two-crucial-india-funded-infrastructure-projects-101712754930545.html. [Truy cập 10/06/2024]
(20) Prabhu, Swati. "India in the Indo-Pacific: Bridging the financial divide." Observer Research Foundation. Ngày 19/06/2023. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-the-indo-pacific1 [Truy cập 10/06/2024]
(21) Prabhu, Swati. "India in the Indo-Pacific: Bridging the financial divide." Observer Research Foundation. Ngày 19/06/2023. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-the-indo-pacific1 [Truy cập 10/06/2024]
(22) ORF. "India’s Lines of Credit, Development Cooperation, and G20 Presidency: A Primer." Observer Research Foundation. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/research/india-s-lines-of-credit-development-cooperation-and-g20-presidency-a-primer. [Truy cập ngày 10/06/2024]
(23) Prabhu, Swati. "India in the Indo-Pacific: Bridging the financial divide." Observer Research Foundation. Ngày 19/06/2023. Đường dẫn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-the-indo-pacific1 [Truy cập 10/06/2024]
(24)Trang chủ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, truy cập ngày 16/6/2024. Đường dẫn: https://www.imf.org/en/Home.
(25) Linh Anh. “Thủ tướng Ấn Độ và giấc mơ ‘Viksit Bharat’”. Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân. Ngày 06/06/2024. Đường dẫn: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thu-tuong-an-do-va-giac-mo-viksit-bharat-i374651/ [Truy cập ngày 10/06/2024]
Tin liên quan
Smart A được công nhận tại Ấn Độ: Bước tiến lớn trên thị trường Quốc tế
12:16 | 27/07/2024 Tin tức
Ấn Độ: Nhiều người tử vong do virus viêm não hiếm gặp
11:19 | 23/07/2024 Thế giới
Nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ, nhiều người tử vong
13:49 | 01/06/2024 Môi trường & Sức khỏe
Cùng chuyên mục
Hà Nội: Hội thảo sức khỏe “Sinh lý và Bệnh lý lão khoa”
19:47 | 21/12/2024 Thông tin đa chiều
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản
16:36 | 20/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Lễ dâng hương và báo cáo kết quả thừa kế di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
13:48 | 07/12/2024 Hoạt động hội
Không phân biệt hạng bệnh viện trong kê đơn thuốc BHYT
13:50 | 05/12/2024 Thông tin đa chiều
Hiểu về đường dextrose: Công dụng và tác động đối với sức khỏe
09:58 | 03/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản
09:53 | 29/11/2024 Tư vấn
Các tin khác
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Cần đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện
07:10 | 29/11/2024 Thông tin đa chiều
Việt Nam làm chủ được nhiều kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu, huyết học
21:02 | 28/11/2024 Thông tin đa chiều
Thiền năng lượng rung động cộng hưởng: Giải pháp đột phá khai mở tiềm năng con người
21:31 | 27/11/2024 Thông tin đa chiều
Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
14:00 | 22/11/2024 Thông tin đa chiều
[E-Magazine] Ghép tạng ở Việt Nam: Thành tựu và giải pháp
07:15 | 21/11/2024 SKV- Mag
Thúc đẩy vai trò của báo chí trong việc đảm bảo quyền cho nạn nhân chất độc màu da cam
15:05 | 20/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Tăng cường truyền thông về vai trò và hình ảnh tích cực của phụ nữ Việt Nam đến thế hệ trẻ Gen Z
23:28 | 19/11/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giải pháp nào để giảm tiêu thụ đồ uống có đường?
08:00 | 17/11/2024 Thông tin đa chiều
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán thuốc trực tuyến
09:27 | 16/11/2024 Thông tin đa chiều
Tạo thuận lợi cao nhất cho người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
14:28 | 15/11/2024 Thông tin đa chiều
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo chuyển đổi số
3 ngày trước Hoạt động hội
Lễ dâng hương và báo cáo kết quả thừa kế di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
07-12-2024 13:48 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 50 năm ngày mất cố Lương Y Nguyễn Kiều
01-12-2024 20:00 Hoạt động hội
An Giang: Hội nghị khoa học Đông dược bào chế
12-11-2024 10:00 Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam công bố quyết định thành lập Chi hội Nam y Thái Bình
21-10-2024 00:00 Hoạt động hội