Hiện đại hóa Y học cổ truyền và "lồng ghép" hai nền y học Đông - Tây
Hành trình "Dấu ấn Việt Nam" trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ tiếp tục với chương trình lần thứ năm, "Y học cổ truyền trong đời sống hiện đại", bắt đầu từ ngày 13/07/2023. Đây là phóng sự truyền hình mang tính thời sự, dự kiến sẽ được phát sóng cuối tháng 7/2023 trên VTV4.
Sự phát triển mạnh mẽ của y học cổ truyền và việc "lồng ghép" hai nền y học Đông – Tây đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực y tế. Trên toàn cầu, y học cổ truyền đang nhận được sự chấp nhận và ủng hộ ngày càng tăng từ cộng đồng y học chính thống.
Khám phá và hiểu biết sâu sắc hơn về y học cổ truyền không chỉ giúp chúng ta tiếp cận được với những phương pháp điều trị mới, mà còn mở rộng tầm nhìn của chúng ta về sức khỏe và cuộc sống. Y học cổ truyền, với sự kết hợp tinh tế giữa hai nền y học Đông – Tây, chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng trong hệ thống y tế thế giới trong tương lai.
Hãy đón chờ phóng sự "Y học cổ truyền trong đời sống hiện đại", khi mà chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào khám phá sự phát triển và sự kết hợp của hai nền y học Đông – Tây trong bối cảnh thế giới đang thay đổi không ngừng. Đây hứa hẹn là một hành trình thú vị, đầy bổ ích, giúp người xem mở rộng kiến thức và hiểu biết về y học cổ truyền, một ngành học đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thế giới.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu lại cuộc phỏng vấn đã diễn ra hơn 33 năm trước giữa GS Hoàng Bảo Châu - Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội y dược học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Dân tộc Trung Ương và phóng viên Thái Hà. Đoạn phỏng vấn này đã được đăng trên báo Nhân Dân ngày 6/3/1990, vẫn mang tính thời sự đến tận ngày nay.
Giáo sư Hoàng Bảo Châu đứng bên phải cùng phóng viên Thái Hà sau 33 năm |
Bài báo đi vào lịch sử của 33 năm trước |
Hãy cùng nhau quay lại những dòng chảy của lịch sử, khi GS Hoàng Bảo Châu đã thuyết giải về xu thế phát triển y học cổ truyền trên thế giới, hướng tới việc hiện đại hóa Y học cổ truyền và kết hợp hai nền y học Đông – Tây, năm 1990.
Y học cổ truyền trong đời sống đương đại
• Sự “ phục hưng” và phát triển của y học cổ truyền ở nhiều nước.
• Sự “lồng ghép” hai nền y học Đông – Tây đang là hiện thực.
P.V :Báo chí ở nhiều nước gần đây đề cập sự “phục hưng” và phát triển của y học cổ truyền. Giáo sư có thể cho biết và đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu, ứng dụng nền y học này trên thế giới?
G.S :Nhà báo hỏi “hơi rộng đấy”. Xin được đề cập đầy đủ một chút. Có thể nói lịch sử y học nhân loại trước đó tới thế kỉ 19 là thời kỳ y học cổ truyền với nhiều dòng y học nổi tiếng.
Chỉ trong thế kỷ này loài người đã trải qua bốn giai đoạn y học và hiện nay chúng ta đang trong “ giai đoạn y học môi trường” với xu thế “ kỹ thuật hóa y học”. Những nỗ lực của nhiều tổ chức y tế của cả hành tinh đã giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản của sức khỏe, nhiều dịch bệnh lớn bị loại trừ. Tuy nhiên, đời sống hiện đại đã hình thành xu hướng con người ít gần thiên nhiên, giảm lượng vận động, gia tăng ăn uống; thêm vào đó là những “chấn thương tâm lý” trong đời sống công nghiệp đã sinh nhiều bệnh khó chữa như: huyết áp cao, xơ cứng động mạch, tâm thần, và gần đây là “dịch thế kỷ SIDA”.
Trong tuyên ngôn An –ma A-ta 1979, OMS khuyến cáo các thành viên cùng phấn đấu “đến năm 2000 mọi người dân đều có sức khỏe”. Muốn như vậy, cần tới mọi phương tiện, mọi khả năng có thể có để bảo vệ sức khỏe. Rô be Ban -nơ - man, cựu Giám đốc Chương trình Y học cổ truyền OMS, cho biết: “hiện nhiều nước đang phát triển, 80% số dân đang được các thầy thuốc y học cổ truyền chăm sóc”.
Vài thập kỷ nay, y học cổ truyền có khuynh hướng mở rộng ( đặc biệt là châm cứu) song sự phát triển không đồng đều, có thể phác họa như sau:
1. Nhiều nước đặt y học cổ truyền trong hệ thống y tế nhà nước, có vị trí ngang với y học hiện đại, với hướng đi cơ bản là nâng nó lên tầm hiện đại; bởi thế mà Trung Quốc gọi là kết hợp Trung- Tây y, Triều Tiên gọi là “nền y học thứ 3” , còn ở ta là kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại xây dựng nền y học Việt Nam.
2. Một số nước có truyền thống y học cổ truyền như vùng Tiểu lục địa Ấn Độ cho phép y học cổ truyền phát triển song song với y học hiện đại, phần lớn các chương trình y học cổ truyền được giảng dạy ở các trường đại học tư.
3. Ở một số nước châu Âu, Mỹ , Mỹ la tinh…. y học cổ truyền được xem chưa đủ cơ sở khoa học và cơ bản bị cấm. Tuy nhiên, lại cho phép dùng một số nội dung y học cổ truyền và y học không chính quy trong một số cơ sở tư nhân.
4. Có nhiều nước, pháp luật chỉ cho phép thầy thuốc y học hiện đại hành nghề và không cho thầy thuốc y học cổ truyền hành nghề. Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở nghiên cứu rất sâu về dược liệu của nhà nước và tư nhân.
P.V: Thưa giáo sư, y học phương Tây và y học phương Đông có những điểm khác và giống nhau cơ bản về lý luận và điều trị như thế nào?
G.S: Y học phương Đông là y học cổ truyền của các nước vùng phương Đông, trong đó có Việt Nam. Y học phương Tây được hiểu là y học hiện đại. Hai nền y học này có phần lý luận và phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh cơ bản là khác nhau. Y học phương Đông là y học hoàn toàn lâm sàng mang tính “chức năng”. Người phương Đông qua các hoạt động tổng hợp biểu hiện ra ngoài của cơ thể (tạng tượng) mà tìm hiểu bệnh. Từ quan điểm chính thể, họ chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa các tổ chức cơ thể và xem xét nó trong môi trường xã hội, tự nhiên rộng lớn. Nét lớn theo lý luận kinh điển hầu như không thay đổi và dừng lại ở hiện tượng chân lý, khách quan.
Còn y học phương Tây gắn liền với sự phát triển khoa học kỹ thuật, đi sâu vào tìm hiểu bản chất của cơ thể sống, đã trả lời được nhiều vấn đề về nguyên nhân, về cơ chế sinh bệnh. Lý luận thường được bổ sung và phát triển dựa trên cơ sở khoa học thực nghiệm lý, hóa sinh, cùng với sự hỗ trợ của nhiều trang, thiết bị hiện đại trong chẩn đoán.
Về điều trị, y học phương Đông coi trọng nguyên tắc lập lại cân bằng, điều hòa, nâng cao sức đề kháng (phù chính) và giải quyết yếu tố bệnh (khu tà) và tìm hiểu cơ chế bệnh bằng suy luận. Trong khi y học phương Tây, giải quyết bệnh từ nguyên nhân gây bệnh và tìm hiểu cơ chế sinh bệnh trên cơ sở khoa học.
Phương pháp luyện tập của y học phương Đông coi trọng tập luyện toàn diện, quan tâm tới các chức năng như hô hấp, thần kinh vận động, còn y học phương Tây chủ yếu luyện tập thể lực, cơ bắp. Các phương pháp điều trị vật lý phương Đông như xoa bóp, châm cứu, tác động vào các huyệt của hệ kinh lạc có liên quan các cơ quan có bệnh hoặc theo đường kinh đi qua vùng cơ quan đó; còn phương pháp điều trị vật lý phương Tây thường tác động trên diện rộng của bề mặt da bao gồm cả cơ quan lành và bị bệnh bằng nhiều phương tiện hiện đại. Vì thế, hiệu quả chữa bệnh vật lý phương Đông thường tốt hơn.
Các cách nắn bó gãy xương của y học phương Đông chú trọng bó đoạn xương gần, không cố định các khớp, trên dưới đoạn gãy, người bệnh có thể vận động sớm; còn phương pháp bó bột của y học phương Tây thường cố định lên các khớp trên và dưới đoạn gãy cho tới khi liền xương. Như vậy, sau khi tháo bột phải phục hồi chức năng các khớp. Cách dùng thuốc của y học phương Đông dùng toàn bộ dược liệu chiết xuất toàn phần đưa vào cơ thể một cách thích hợp; còn y học phương Tây chủ yếu dùng các hoạt chất của dược liệu và thường là thuốc đặc hiệu nhằm điều trị nguyên nhân bệnh. Y học phương Đông dùng các kỹ thuật đơn giản, thủ công thích hợp, kinh tế và có hiệu quả: tuy nhiên, thiếu tính chính xác, khách quan, thường vô trùng không được nghiêm ngặt. Thuốc đưa vào cơ thể chủ yếu qua tác dụng hấp thụ( uống, đắp). Y học phương Tây sử dụng các phương tiện cao cấp, các dược liệu được xác định rõ cấu trúc, thành phần, cơ chế tác dụng...đưa vào cơ thể bằng hấp thụ và tiêm truyền trực tiếp
P.V: Phải chăng y học cổ truyền phương Đông không thuần túy là ngành chuyên môn mà y học đậm sắc thái triết học có sức hấp dẫn bởi trí tuệ và khả năng áp dụng nó tương đối biến hóa trong thực tiễn chữa bệnh?
G.S: Y học phương Đông có hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh mà cơ sở là triết học duy vật cổ. Y học phương Đông có phần học thuật và phần kinh nghiệm, chứ không thuần túy là kinh nghiệm. Khi vận dụng vào lâm sang thường đi từ lý đến pháp, rồi mới đến phương , dược, huyệt....Sức hấp dẫn trí tuệ của nền y học này ở phần “y lý” và sự vận dụng nó vào thực tiễn lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Cách chữa bệnh cũng khá “biến hóa”, “nhất bệnh đa phương, đa bệnh nhất phương”( một bệnh có nhiều cách chữa, hoặc nhiều bệnh một cách chữa)...và thường mang đậm “dấu ấn cá nhân” của từng thầy thuốc.
Việc kê đơn theo biện chứng chủ động thay đổi các vị thuốc và liều lượng là cần thiết để kịp thời giải quyết những trạng thái bệnh lý khác nhau luôn thay đổi của người bệnh.
P.V: Thưa giáo sư, nên hiểu khái niệm “lồng ghép” y học cổ truyền trong y học hiện đại của 0MS thế nào?
GS: Từ năm 1979 OMS đã đề xuất “ lồng ghép” hai nền y học . Có thể hiểu khái niệm “lồng ghép” (incorporation) là y học hiện đại và y học cổ truyền cùng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Việc lồng ghép này này đang được tiến hành không hoàn toàn giống nhau ở các nước, tuỳ điều kiện và thái độ của chính phủ đó. Ở những nước đang phát triển, một số nhà chức trách y tế đã có yêu cầu kết hợp với thầy thuốc cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cũng có những nước tiến hành kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại ở mức kết hợp hoạt động của các thầy thuốc cổ truyền và hiện đại trong các cơ sở y tế lẫn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ biết cả y học hiện đại và y học cổ truyền trong các trường y, dược, trên cơ sở đó xây dựng nền y dược học kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Ở nhiều nước phương Đông, “bức tường ngăn cách” giữa y học phương Tây và y học phương Đông đang được “san bằng”.
Gần đây hình thành xu hướng các thầy thuốc hiện đại tiếp thu những tri thức về các phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền và ngược lại. Việc “lồng ghép” hai nền y học đang là hiện thực ở nhiều nước. Theo nhận định của OMS , Việt Nam là một trong hai nước trên thế giới sử dụng phương thức kết hợp hai nền y học có hiệu quả.
P.V: Từ năm 1988 Viện y học dân tộc trung ương được xem là trung tâm hợp tác của OMS về y học cổ truyền. Mong giáo sư cho biết những chương trình đã và sẽ triển khai?
G.S: Từ tháng 2- 1988, Viện Y học dân tộc trung ương được công nhận là Trung tâm hợp tác về y học cổ truyền 22 của OMS. Sự hợp tác này thể hiện ở các nhiệm vụ giảng dạy y học cổ truyền cho các cán bộ khoa học nước ngoài, nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và châm cứu, nghiên cứu hiện đại hóa hệ thống chẩn đoán cổ truyền nhất là trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Viện đang tiến hành nghiệm thu đề tài cấp bộ (đánh giá lâm sàng phương pháp dưỡng sinh, châm tê mổ dạ dày, châm laze sau mổ bụng, dùng máy vi tính để xác định trạng thái hàn nhiệt). Viện hiện là trung tâm hợp tác, trao đổi thông tin về y học cổ truyền với các tổ chức y tế trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Châu Phi … Trong những năm tới, vấn đề y học cổ truyền chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng là nội dung quan trọng trong nghiên cứu của Viện.
PV: Xin được cảm ơn G.S về những chia sẻ vô cùng ý nghĩa.
Tin liên quan
Doanh nghiệp bền vững – Bí mật thu hút nhà đầu tư và khách hàng trong kỷ nguyên mới
09:00 | 13/12/2024 Doanh nghiệp
Tiêu chuẩn ESG: Xu hướng toàn cầu và áp lực không thể né tránh
21:00 | 13/12/2024 Doanh nghiệp
Dự báo thời tiết ngày 15/12/2024: Bắc Bộ rét đậm
05:05 | 15/12/2024 Môi trường xanh
Cùng chuyên mục
[Infographic] 8 quy tắc vàng phòng chống đột quỵ
06:50 | 14/12/2024 Sức khỏe
Bệnh viện Tâm Anh cùng các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm thuốc mới điều trị ung thư giai đoạn cuối
20:50 | 12/12/2024 Khỏe - Đẹp
TP.HCM tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus
09:55 | 12/12/2024 Sức khỏe
Chuyên gia khuyến cáo sử dụng các thực phẩm giảm đường
07:00 | 11/12/2024 Sức khỏe
Top thực phẩm nên ăn nhiều vào mùa đông
07:00 | 10/12/2024 Y tế 24h
Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
14:04 | 09/12/2024 Sức khỏe tinh thần
Các tin khác
Manulife mang hơn 3.000 suất khám sức khỏe miễn phí đến Hà Nội
11:31 | 09/12/2024 Sức khỏe
Cùng Morinaga Nutritional Foods Việt Nam tìm hiểu lợi ích của việc bổ sung lợi khuẩn chủ động thông qua thực phẩm bổ sung
10:58 | 09/12/2024 Sức khỏe
[E-Magazine] Những lợi ích tuyệt vời của cà rốt với sức khỏe
09:12 | 08/12/2024 SKV- Mag
Phương pháp tự nhiên giảm đường huyết hiệu quả cho bệnh nhân tiểu đường
11:00 | 07/12/2024 Khỏe - Đẹp
HLV Yoga Vũ Thị Hồng: “Càng tập luyện, càng cuốn hút và đam mê”
06:35 | 06/12/2024 Khỏe - Đẹp
TP.HCM: Hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030
11:15 | 04/12/2024 Sức khỏe
TP.HCM: Số ca mắc sởi tiếp tục gia tăng trong nhóm tuổi 10-14 và 6-9 tháng tuổi
11:15 | 04/12/2024 Sức khỏe
[Infographic] Lợi ích khi dùng mật ong vào buổi sáng
07:00 | 04/12/2024 Y tế 24h
Kon Tum: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh
11:18 | 03/12/2024 Sức khỏe
Hiểu về đường dextrose: Công dụng và tác động đối với sức khỏe
09:58 | 03/12/2024 Nghiên cứu trao đổi
Lễ dâng hương và báo cáo kết quả thừa kế di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
07-12-2024 13:48 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 50 năm ngày mất cố Lương Y Nguyễn Kiều
01-12-2024 20:00 Hoạt động hội
An Giang: Hội nghị khoa học Đông dược bào chế
12-11-2024 10:00 Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam công bố quyết định thành lập Chi hội Nam y Thái Bình
21-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam và Công ty Cổ phần Ao Vua hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với nhân dân xã Phượng Vĩ (Cẩm Khê, Phú Thọ)
12-10-2024 00:00 Hoạt động hội