Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk: 5 năm hình thành và phát triển
Được thành lập từ ngày 30/01/2019 và chính thức đi vào hoạt động từ 1/10/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk bước đầu hình thành trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Ký sinh trùng - côn trùng. Hiện Trung tâm có 14 khoa, phòng, gồm 3 phòng chức năng và 11 khoa chuyên môn với 169 cán bộ viên chức, nhân viên y tế. Sự ra đời của CDC Đắk Lắk đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng chất lượng, phù hợp với mô hình bệnh tật của nước ta và các nước phát triển trên thế giới. Thầy thuốc ưu tú, Ths.Bs CKII Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Khi mới sáp nhập, CDC thực sự gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất nằm rải rác ở 5 vị trí khác nhau, các vấn đề về nhân lực, vật tư, kinh phí, công tác chuyên môn… cần phải bố trí sao cho phù hợp tránh xáo trộn. Đặc biệt giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu gây ảnh hưởng đến việc thực hiện một số nhiệm vụ và chỉ tiêu của đơn vị. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng đầy đủ chưa đạt chỉ tiêu do thiếu vắc xin… Có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, phối hợp chung sức đồng lòng của tập thể viên chức, người lao động toàn đơn vị, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, SYT, Viện đầu ngành và các ban ngành đoàn thể, tập thể viên chức CDC đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn chống dịch COVID-19, tập thể CDC đã nỗ lực hết mình trên mọi mặt trận để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. |
Mặc dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch bệnh, tập thể cán bộ viên chức của CDC đã nỗ lực hết mình để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan. Các dịch bệnh như tả, dịch hạch, thương hàn, cúm A H5N1, sốt vàng, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu… được kiểm soát tốt; loại trừ uốn ván sơ sinh, bại liệt. Các dịch bệnh lưu hành hằng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu… tuy diễn biến phức tạp nhưng được khống chế, xử lý kịp thời. Đặc biệt cao điểm là đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, CDC Đắk Lắk đã luôn khẳng định được vai trò đầu ngành trong công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch; trực tiếp tham mưu cho UBND, Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đội ngũ cán bộ y tế của CDC Đắk Lắk không ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp tham gia ở tuyến đầu chống dịch, đơn vị đã chủ động thành lập các đội cơ động luôn sẵn sàng có mặt ở các điểm nóng, vùng tâm dịch, chủ động truy vết thần tốc, cách ly triệt để. Xuyên suốt quá trình chống dịch, đơn vị còn tích cực hỗ trợ các địa phương trong việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra ca bệnh, khử khuẩn môi trường đến thống kê báo cáo, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19… Sau 3 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, đến nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới. Khoảng thời gian 5 năm sáp nhập, có lẽ đây là thử thách chông gai nhất đối với tập thể ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng cũng như mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Nhưng nhờ sự đoàn kết, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, những cán bộ của CDC Đắk Lắk đã lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng vào kết quả cuộc chiến phòng, chống các dịch bệnh và đại dịch. Thạc sĩ, Bs CKII Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và do thiếu vắc xin cục bộ nên các dịch bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà… xuất hiện trở lại và gia tăng số trường hợp mắc bệnh. Trong 5 năm qua, CDC cũng đã xác định rõ vai trò dự báo nguy cơ dịch bệnh của y tế dự phòng.
Trên cơ sở đó, CDC đã chủ động xây dựng, tham mưu các kế hoạch, giải pháp phù hợp với từng tình huống dịch bệnh và tình hình của địa phương để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, CDC đã chủ động đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng khi có đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nằm tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.
Công tác tiêm chủng được CDC chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua. |
Bên cạnh việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đẩy mạnh tiêm chủng, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS… cũng được CDC chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Với các chức năng nhiệm vụ phòng, chống các bệnh không lây nhiễm phổ biến như: đái tháo đường, ung thư, tim mạch... những năm qua, CDC đã đề ra các kế hoạch về chiến lược phòng chống các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị tại Đắk Lắk đạt 77,1%; tỷ lệ bệnh nhân tim mạch được quản lý điều trị đạt 18,5% và quản lý, điều trị cho hơn 2.300 bệnh nhân ung thư.
Hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân cũng được CDC chủ động triển khai thực hiện trong thời gian qua. |
Hoạt động Sức khỏe môi trường và Y tế trường học được đẩy mạnh. CDC đã thực hiện giám sát chất lượng nước sạch sinh hoạt theo quy định đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu ban hành Quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn tăng từ 5,93% (2020) lên 25.67% (2023). Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 76,70% (2020) lên 82,18% (2023).
Công tác phòng chống HIV/AIDS được duy trì thực hiện tốt, hiện đơn vị đang quản lý, chăm sóc, hỗ trợ 1.669 người nhiễm HIV/AIDS. Hằng năm đơn vị triển khai tư vấn cho trên 7.000 lượt người nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị ARV cho 612 bệnh nhân, điều trị cho 184 bệnh nhân Methadone và 5 năm qua, đã hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 80 sản phụ.
Công tác dinh dưỡng được chú trọng ngay từ tuyến cơ sở. Các chương trình giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, hoạt động phòng, chống thiếu Vitamin A và thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được triển khai thuờng xuyên, đảm bảo trẻ từ 06 - 60 tháng và bà mẹ sau sinh trong vòng 01 tháng được uống Vitamin A đầy đủ.
Bên cạnh đó, các chương trình khác như phòng chống sốt rét, chăm sóc SKSS và truyền thông GDSK... cũng được Trung tâm quan tâm thực hiện duy trì tốt. Tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét giảm hàng năm, không có bệnh nhân sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét và toàn tỉnh không có dịch sốt rét xảy ra. Đến hết năm 2024, đã có 10 đơn vị được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Hoạt động chăm sóc SKSS đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh đều được cải thiện. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai trên 4 lần năm 2024 là 78%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 97%.
Bên cạnh các hoạt động dự phòng, công tác truyền thông GDSK cũng được CDC chú trọng đẩy mạnh cả ở 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp, với mục tiêu truyền thông thay đổi hành vi của người dân theo hướng có lợi cho sức khỏe, truyền thông vận động và nâng cao sức khỏe nhân dân; xây dựng tài liệu truyền thông; cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác y tế. Thông qua hàng nghìn tin, bài, phóng sự, dàn dựng các chương trình phát thanh, truyền hình (bao gồm phóng sự, chương trình giáo dục sức khỏe, hỏi đáp y học, tọa đàm, thông điệp phát thanh, thông điệp truyền hình, chuyên mục, chuyên trang) được phát sóng mỗi năm với nội dung phong phú giúp công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, ý thức người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được nâng cao rõ rệt.
Cán bộ CDC lấy mẫu xét nghiệm cho người dân để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. |
Bên cạnh đó, để phát triển đơn vị vững mạnh toàn diện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những nhiệm vụ then chốt, vì vậy Trung tâm thường xuyên rà soát, sắp xếp bố trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ, đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hàng năm đều cử các cán bộ theo học các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chính trị, an ninh quốc phòng…. Năm 2021, từ chỗ chỉ có 114 cán bộ có trình độ đại học, trên đại học thì đến năm 2024 đơn vị đã có 124 cán bộ có trình độ đại học, trên đại học. Hiện tại, đơn vị vẫn đang có hơn 16 cán bộ đang theo học các lớp đại học và sau đại học tại các trường. Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm thực hiện, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học đã thực hiện từ khi thành lập đến năm 2024 là 12 đề tài, trong đó có 01 đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận ở cấp tỉnh. Các đề tài nghiên cứu khoa học công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Có thể thấy, với sự tin tưởng, ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban ngành, sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế và sự đoàn kết, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, sau 5 năm thành lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã từng bước phát triển lớn mạnh. Ghi nhận những kết quả đạt được của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị, trong 5 năm qua CDC đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Giấy khen của Sở Y tế đối với các cá nhân; Tập thể lao động tiên tiến; Tập thể lao động xuất sắc. Đó chính là phần thưởng xứng đáng ghi nhận sự cống hiến hết mình của từng cán bộ viên chức lao động theo từng giai đoạn phát triển của đơn vị và là nguồn động lực to lớn để CDC tiếp tục cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và sự nghiệp y tế dự phòng nói riêng. Bác sĩ CKII Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Kể từ khi sáp nhập 5 trung tâm thành CDC từ năm 2019, phải nói đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Thời điểm sáp nhập, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh bạch hầu và COVID-19 buộc CDC phải gấp rút tham mưu các kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Và có thể thấy, CDC đã là đơn vị đi đầu, giúp Sở Y tế kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản phòng, chống các dịch bệnh cũng như thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ của Bộ Y tế, các chương trình mục tiêu quốc gia và các dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời tham mưu xây dựng các kế hoạch, chiến lược từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Bên cạnh đó, Sở Y tế rất ghi nhận và đề cao sự nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động CDC, trong 5 năm qua, CDC đã giúp ngành Y tế khống chế các dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển của ngành Y tế trong đó có công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Có thể nói, 05 năm hình thành và phát triển tuy chưa phải là một chặng đường dài, nhưng đó là một hành trình mà tập thể lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng nhau đoàn kết, đồng lòng, chung sức, cống hiến hết mình với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân. “Có thể nói năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng đặc biệt các dịch bệnh mới nổi và có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2024 và định hướng giai đoạn 2025-2030, tập thể cán bộ viên chức lãnh đạo CDC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm yếu kém, và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp, nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Các nội dung chủ yếu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng;
Hai là: Giữ vững các kết quả đã đạt được tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắc xin phòng ngừa; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng;
Ba là: Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm;
Bốn là: Cải thiện tình trạng sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em, nhằm giảm TVM và TVSS đặc biệt ưu tiên các vùng sâu, vùng xa. Vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. nhằm giảm sự khác biệt trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế;
Năm là: Thực hiện công tác truyền thông GDSK theo 39 chủ đề chính về y tế, sức khỏe theo định hướng của Bộ Y tế, Truyền thông GDSK Trung ương; Truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông nguy cơ sức khỏe; Đẩy mạnh truyền thông số để tuyên truyền cho ngành. Tăng cường hợp tác với các đơn vị y tế, các đơn vị ngoài ngành để tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông GDSK;
Với tinh thần đó, CDC sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; xây dựng hệ thống giám sát, phòng chống dịch bệnh, phát triển các kỹ thuật..... xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, hiện đại, chuyên sâu, xứng đáng là đơn vị đứng đầu về lĩnh vực y tế dự phòng của tỉnh, xứng đáng với sự tin tưởng Đảng và nhân dân giao phó”, Thầy thuốc ưu tú, Ths.Bs CKII Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh./.
Tin liên quan
Đảm bảo công tác y tế trong các dịp nghỉ Lễ năm 2025
16:49 | 30/12/2024 Sức khỏe
Truyền thông trực tiếp phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trường THPT Lý Tự Trọng huyện Krông Năng
13:33 | 11/12/2024 Pháp luật & Sức khỏe
Ghi nhận trường hợp thứ 3 tử vong vì bệnh sốt xuất huyết.
09:34 | 19/10/2024 Sức khỏe
Cùng chuyên mục
Dịch vụ luật sư tư vấn M&A giỏi, giàu kinh nghiệm tại Russin & Vecchi
15:46 | 31/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Các tin khác
Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử
16:28 | 30/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Phẫu thuật nội soi hai cổng: Lựa chọn an toàn và hiệu quả cho người mắc bệnh lý hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa
10:00 | 30/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Cô bé 11 tuổi với hành trình chinh phục ước mơ
15:33 | 27/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Bách Hoá Xanh phản hồi thông tin về sản phẩm giá đỗ ở Đắk Lắk
09:08 | 27/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Khi công nghệ giúp bảo tồn, phát huy di sản gia tộc Việt Nam
00:25 | 26/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Tổng kết công tác Y tế năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025
10:04 | 25/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Trạm Y tế xã Hòa An chú trọng nâng cao sức khỏe đồng bào DTTS
10:03 | 25/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Nha khoa Dental 365 chào đón đoàn Đại học New Mexico, thắt chặt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nha khoa
17:10 | 23/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Khi các KOL/KOC lan tỏa hình ảnh chợ quê giữa nhịp sống Sài Gòn
13:46 | 23/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
5 giá trị đột phá từ ESG giúp doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới
23:42 | 19/12/2024 Thông tin tuyên truyền quảng cáo
Hội Nam y Việt Nam: Phát huy thành tích, đổi mới phương thức, tạo đà cho các hoạt động trong năm 2025
2 ngày trước Hoạt động hội
Hợp tác phát triển nền y học cổ truyền dân tộc, chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân
6 ngày trước Hoạt động hội
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo chuyển đổi số
18-12-2024 20:34 Hoạt động hội
Lễ dâng hương và báo cáo kết quả thừa kế di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
07-12-2024 13:48 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 50 năm ngày mất cố Lương Y Nguyễn Kiều
01-12-2024 20:00 Hoạt động hội