“Quyền được vui chơi” – làm sao xóa bỏ những rào chắn vô hình?
Vườn Giám, nằm cạnh khu di tích Văn Miếu, nay bỗng có tên gọi mới không chính thức là “Sân chơi Thánh Gióng” khi nhiều gia đình thích thú cho con em tới đây vui đùa, leo trèo lên con ngựa gỗ đặt giữa khu công viên. Ý tưởng độc đáo này là của Think Playgrounds (viết tắt là TPG), một doanh nghiệp xã hội đã “nghĩ về sân chơi trong phố” rồi họ hiện thực hóa các ý tưởng của mình trong những năm gần đây.
Cách không xa con ngựa gỗ khổng lồ là một tạo hình vết bàn chân to lớn đúng như trong truyền thuyết Thánh Gióng. Một vài bậc phụ huynh ngồi ở đó dõi theo trông chừng những đứa trẻ. Có lẽ chỉ chưa đầy 10 phút từ khi mấy đứa trẻ ùa vào sân chơi, một bà mẹ đã vội chạy ra giục giã: “Thôi về đi con! Nắng lắm rồi!”. Sau vài phút giằng co mặc cả, đứa bé thì vẫn muốn chơi thêm, người mẹ thương lượng: “Ở đây lắm bụi bẩn, về mẹ cho vào khu vui chơi trung tâm thương mại chơi tiếp”.
Ngựa gỗ ở Sân chơi Thánh Gióng trong vườn Giám. |
Một tình huống đơn lẻ nhưng có lẽ mang tính đại diện cho xu thế không hề hiếm gặp hiện nay. Khách quan thì do môi trường không khí ô nhiễm, chủ quan thì do tâm lý “an toàn” và có thể cả “thành kiến xấu” với những trò lấm lem đất cát ngoài trời, nên nhiều gia đình hiện nay luôn ưu tiên đưa con cái vào những khu vui chơi trong nhà vừa tiện vừa sạch sẽ lại dễ trông chừng. Họ muốn yên tâm là con mình đang ở trong khu vực khép kín không thể đi lạc hay chơi trò gì nguy hiểm.
“Những hàng rào vật lý ở các công viên có thể dỡ bỏ nhanh chóng, nhưng những ‘hàng rào’ vướng bận trong tâm trí thì vẫn cần nhiều thời gian mới có thể gỡ bỏ”, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập TPG, thừa nhận.
“Cảm giác muốn ‘an toàn trong nhà’ ở các bậc cha mẹ là có thực. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ được vận động trong các khu vui chơi trong nhà hay các trò chơi điện tử của thế giới ảo, thiếu các trải nghiệm vui chơi thực tế ngoài trời thì sẽ là thiếu sót rất lớn cho quá trình phát triển của trẻ em. Hơn nữa, các kỹ năng xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ em không có điều kiện vui chơi ở các địa điểm quen thuộc, gần nơi mình sinh sống, giữa các bạn bè người quen cùng chung khu dân cư xóm phố”.
Giải pháp của TPG là tạo ra các sân chơi ngoài trời an toàn với những vật liệu có sức bền và thân thiện với môi trường, được bảo trì thường xuyên, đảm bảo trẻ không gặp nguy hiểm hay xây xước khi chơi đùa. Bên cạnh đó, tính hấp dẫn và vẻ đẹp thẩm mỹ cũng được đề cao khi họ lồng vào những câu chuyện dân gian thú vị, những tạo hình bắt mắt. Con ngựa gỗ truyền thuyết ở Vườn Giám, con rồng gỗ uốn lượn giữa sân chơi cát phía dưới cầu Long Biên hay loài chim mai hoa bản địa ở công viên rừng Bờ vở Phúc Tân là những ví dụ. Một công viên mang trong mình đặc tính văn hóa, khẳng định đặc trưng của vùng đất chắc chắn sẽ có sức hút hơn nhiều một khu vui chơi thông thường.
Hơn thế nữa, một trong những thành công lớn nhất của doanh nghiệp xã hội này là đã thực sự đưa sân chơi vào giữa cộng đồng dân cư. Khu vực phía ngoài bãi Phúc Tân giáp sông Hồng, trước đây bỏ hoang ngập rác, thậm chí còn có những truyền miệng về tệ nạn xã hội khiến nhiều gia đình không cho con em ra đây chơi. Nhưng từ khi được TPG cải tạo thành sân chơi, nơi đây bỗng thay đổi hẳn diện mạo, trở thành địa điểm vui chơi thường xuyên mỗi ngày của trẻ em và chỗ tập thể dục thể thao của người lớn.
“Khi trẻ vui chơi trong cộng đồng gần nhà, giữa hàng xóm láng giềng thân quen, bố mẹ nhà này biết cả con nhà kia thì các gia đình sẽ có cảm giác an toàn. Và nếu sân chơi ngoài trời đó còn sạch đẹp, nhiều cây xanh, có các công năng tiện ích đầy đủ thì dần dần mọi người sẽ có cảm tình hơn với việc cho con em chơi ngoài trời. Sân chơi trong nhà hay ngoài trời không hề loại trừ hay triệt tiêu nhau, mà cùng nhau làm giàu có thêm lựa chọn vui chơi của trẻ em và các gia đình”, anh Đạt chia sẻ.
Mô hình rồng ở sân chơi phía dưới cầu Long Biên, Công viên Bờ vở Phúc Tân. |
Trước khi cơn bão Yagi ập tới, người dân Phúc Tân tham gia dọn rác, trồng cây, đổ cát, làm đường để cùng nhau tạo ra một sân chơi cộng đồng sạch đẹp. Sau khi bão tan nước rút, người dân khu phố lại chung tay khắc phục hậu quả để rồi cứ mỗi chiều nơi đây lại tràn đầy tiếng cười vui.
Vài ba đứa trẻ đuổi nhau chạy rầm rập trên con đường dốc dành cho xe lăn người khuyết tật dẫn xuống sân chơi. Nhưng ở đầu con dốc, vẫn có một cậu bé đứng lặng yên chưa muốn hòa nhập mặc dù người mẹ đứng cạnh liên tục động viên. Dáng vẻ cao lớn hơn đám bạn cùng tuổi, đeo mặt cặp mắt kính dày, nụ cười chỉ hơi nhếch trên miệng, D. (*) là một cậu bé mắc chứng tự kỷ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức chung về hội chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để nhóm người này, nhất là trẻ em có thể hòa nhập hơn trong môi trường xã hội.
Những “rào cản” thực chất đến từ cả hai phía. Chưa có nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng thừa nhận công khai rằng con em mình có những dấu hiệu bất bình thường. Kể cả khi người cha hay người mẹ đã tự thừa nhận trong tâm thức bản thân thì họ vẫn thường phủ nhận với người ngoài, không thể dễ dàng xếp lại kỳ vọng lớn lao dành cho con cái. Ở chiều ngược lại, từ bên ngoài dội vào, “văn hóa quan tâm” trong xã hội chúng ta nhiều khi vô tình đưa đến những lời “hỏi thăm” nhạy cảm gây tổn thương như: “Trông em bé kia không bình thường nhỉ? Cháu bị làm sao đấy?”, hoặc thậm chí còn “ác miệng” như: “Chắc gia đình ăn ở thế nào?”. Tệ hơn nữa, những lời nói theo dạng đó trong trường học, công sở, khu dân cư… thường chỉ bị coi là những lời đùa cợt, không cho là nghiêm trọng.
Và cứ như thế, các gia đình có trẻ khuyết tật sẽ càng xây chắc và cao hơn những “bức tường” bảo vệ ngăn cách con em họ với môi trường xã hội xung quanh, khiến những bệnh nhân này dần trở nên “vô hình”. Hiện nay nhiều vỉa hè tuyến phố hoặc cánh cửa các tòa nhà không đủ chiều rộng cho một chiếc xe lăn đi qua, một công viên không cần làm đường dốc bởi mọi người coi việc đi cầu thang là điều hiển nhiên, đó là những ví dụ buồn khi sự tồn tại của nhóm người khuyết tật bị quên lãng.
“Vui chơi cũng là một cách can thiệp trị liệu cho người khuyết tật, có thể giúp giảm bớt những hành vi không phù hợp đồng thời gia tăng nhận thức và độ tập trung, thậm chí huấn luyện được những kỷ năng cơ bản cho trẻ mắc chứng tự kỷ”.
Thạc Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Ngân, chuyên gia về vật lý trị liệu và trị liệu nhi khoa, một trong những người được mời tham vấn trong quá trình thiết kế sân chơi của TPG, cho biết: “Ngay từ đầu, TPG đã xác định sân chơi phải dành cho cả người không có nhu cầu đặc biệt và người có những nhu cầu đặc biệt, để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Họ đã khảo sát về nhu cầu của người khuyết tật và gia đình của họ, cũng như tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, từ đó đưa ra giải pháp thiết kế và thi công hợp lý. Sau đã chỉnh sửa mọi thứ cho phù hợp, họ còn có một buổi thử nghiệm, tiếp thu ý kiến những người tham gia trải nghiệm, từ đó điều chỉnh và rút kinh nghiệm.
Ví dụ như con ngựa gỗ Thánh Gióng lúc đầu chỉ có cầu thang khiến các bạn khuyết tật dù rất thích nhưng không thể đi lên được. Sau đó chúng tôi đã cùng thảo luận, thêm vào các tay vịn tay bám giúp các bạn khuyết tật có thể dễ dàng đi lên hơn. Các bước đi của TPG mang tính chất bền vững, không chỉ tạo dựng sân chơi để chơi cho vui thôi, mà còn mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu xã hội đặc biệt là giúp đỡ cho những người khuyết tật”.
Những sân chơi của TPG là một trong những giải pháp giúp trẻ khuyết tật được hòa nhập hơn. Khi người khuyết tật được tham gia từ khâu lên kế hoạch, thiết kế cho đến khi hoàn thiện và cùng trải nghiệm vui chơi, bản thân họ sẽ tự thấy mình trở nên “hữu hình” hơn. Và những người xung quanh sẽ dần thay đổi suy nghĩ về sự hiện hữu của nhóm người dễ tổn thương này ở địa phương mình. Nếu cộng đồng coi một sân chơi có tiện ích cho người khuyết tật là điều đương nhiên thì đó đã là một bước tiến trong tư duy.
“Tôi và các anh chị TPG đều muốn sau này sẽ có những buổi sinh hoạt cộng đồng, hay những cách thức để cả hai những người khuyết tật và người không khuyết tật có thể cùng lúc vui chơi. Như vậy thì người khuyết tật có thể hòa đồng hơn, thay vì hiện giờ thì những bạn không khuyết tật thường có tâm lý nhường các bạn khó khăn chơi trước sau đó họ mới chơi sau, hai nhóm vẫn tách biệt”, Thạc sỹ Ngân chia sẻ thêm về những mong muốn và dự định sắp tới.
Quả thực là như vậy. Khi chiều muộn, lúc những bạn không khuyết tật đã vui đùa mệt mỏi, lần lượt ra về hay được cha mẹ đến đón, D. mới từ từ e dè từng bước một tiến vào sân chơi để một mình cười nói trong thế giới riêng của cậu bé.
TPG trong thời gian qua đã thành công tạo ra nhiều sân chơi văn minh và thú vị tại Hà Nội. Tuy nhiên, ghi nhận trực tiếp từ thực địa cho thấy vẫn còn nhiều thách thức từ môi trường xã hội, định kiến xưa nay từ các gia đình, và cả mặc cảm của chính những người dễ tổn thương. TPG xác định sứ mệnh của họ là đảm bảo “Quyền được chơi”, nhưng làm thế nào để đưa “quyền” đó tới đúng và đủ các cộng đồng thì vẫn là con đường dài mà TPG tiếp tục tìm kiếm các giải pháp.
(*) Tên nhân vật được giấu theo đề nghị của gia đình.
Tin liên quan
Gia Lai triển khai thực hiện Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng
17:13 | 22/10/2024 Tin tức
Bệnh viện Phúc Sơn thăm và tặng quà người cao tuổi
14:04 | 02/10/2024 Tin tức
Quảng Nam: Cấp Căn cước cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi tại làng Hòa Bình
21:57 | 14/08/2024 Tin tức
Các tin khác
Nghiên cứu, xác định thành phần hóa học có hoạt tính của một số loài đinh lăng tại Việt Nam
15:14 | 31/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững
13:56 | 31/10/2024 Thông tin đa chiều
Điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế khi mua thuốc ngoài bệnh viện
06:50 | 31/10/2024 Thông tin đa chiều
Đề xuất Quốc hội cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
07:00 | 30/10/2024 Thông tin đa chiều
Đề xuất ngân sách bù chi mức đóng BHYT giảm dần đối với hộ gia đình
20:32 | 28/10/2024 Thông tin đa chiều
Cần phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm
19:54 | 26/10/2024 Thông tin đa chiều
Rà soát, cập nhật thuốc mới trong danh mục bảo hiểm y tế
20:25 | 25/10/2024 Thông tin đa chiều
70 năm tập kết ra Bắc: Tấm lòng người Thanh Hóa đón chào đồng bào miền Nam
17:46 | 24/10/2024 Nghiên cứu trao đổi
Phát triển ngành công nghiệp dược, giúp người dân tiếp cận thuốc tốt và an toàn
06:30 | 24/10/2024 Thông tin đa chiều
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi): Quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường
16:14 | 22/10/2024 Thông tin đa chiều
Hội Nam y Việt Nam công bố quyết định thành lập Chi hội Nam y Thái Bình
21-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam và Công ty Cổ phần Ao Vua hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với nhân dân xã Phượng Vĩ (Cẩm Khê, Phú Thọ)
12-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng cao Nậm Nhùn (Lai Châu)
12-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam: Xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức "Giải thưởng Tuệ Tĩnh" năm 2024
06-10-2024 15:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam đẩy mạnh phương án phát triển nền y học cổ truyền
30-09-2024 18:58 Tin tức