Đặc điểm của bệnh sốt mò và những điều cần lưu ý

Sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bệnh nhập viện trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt, đau ngực.
Đặc điểm của bệnh sốt mò và những điều cần lưu ý

Liên tiếp các trường hợp được phát hiện mắc sốt mò

Theo thông tin từ sở y tế tỉnh Yên Bái, trong tháng 8, tỉnh đã ghi nhận 94 ca sốt mò tại 4 huyện và thị xã Nghĩa Lộ.

Trong đó huyện Mù Cang Chải ghi nhận nhiều nhất với 41 ca, huyện Văn Chấn 22 ca, 4 ca tại thị xã Nghĩa Lộ, 6 ca tại huyện Văn Yên, 1 ca vãng lai có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Sơn La. Tại huyện Trạm Tấu ghi nhận 20 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở xã Xà Hồ.

Gần đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hoá, Bệnh viện 108 cũng đã tiếp nhận nhiều người bị sốt mò ở mọi lứa tuổi vào nhập viện với các biến chứng khác nhau. Nặng nhất phải kể tới bệnh nhân nam Nguyễn Quốc Đ. (SN 1973), nhập viện trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt, đau ngực.

Anh Đ. cho biết, mình bị sốt kéo dài đã 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run, đau đầu, mệt, chán ăn và có vết loét vảy đen kích thược 2x2cm, có chảy ít dịch, nhưng không đi khám. Khi thấy mệt nhiều, gia đình đưa anh tới Bệnh viện 108, lúc này bệnh của anh đã biến chứng nặng và nguy hiểm, phải thở máy. Kết quả xét nghiệm khẳng định anh nhiễm vi khuẩn Rickettsia – gây bệnh sốt mò – các bác sĩ đã sử dụng thuốc đặc hiệu để điều trị. Một tuần sau, bệnh nhân đã hết sốt, tự thở tốt, huyết áp ổn định.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, cho biết: "Đây là 1 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan không đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám bệnh kịp thời. Nếu nhập viện muộn, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng, như viêm cơ tim, trụy tim mạch, đông máu nội mạc rải rác, viêm phổi nặng, suy hô hấp, viêm não và màng não, suy gan cấp, sốc nhiễm khuẩn hay xuất huyết nội tạng, dẫn đến biến chứng nguy hiểm".

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cũng tiếp nhận 2 người trong 1 gia đình vào nhập viện với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, vật vã. Theo người nhà cho biết, sau khi đi rừng về, cả hai đột nhiên sốt cao liên tục gần 1 tuần không đỡ mới được đưa vào viện. Cả hai đều có nốt côn trùng đốt gây tổn thương trên da ở phần bụng, nên bác sĩ cho xét nghiệm và chẩn đoán mắc sốt mò.

1. Đặc điểm của bệnh sốt mò

1.1. Vị trí của bệnh: Bệnh Sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX, bệnh chưa được chú ý; chỉ được mô tả lẻ tẻ năm 1923-1932 (P.E. Lagrange; Souchard E et al); tới tháng 6/1965 một vụ dịch Sốt mò lớn bùng phát ở Sơn La (dân vào hang trú bom, bùng phát hàng trăm bệnh nhân); từ đó bệnh được chú ý hơn, được đăng ký chính thức trong báo cáo ngành, nhiều ổ dịch được xác định thêm, nhiều bệnh nhân được phát hiện thêm; trong bộ đội năm 1969 tại Hà Tuyên có 175 bệnh nhân với 2 ca tử vong. Gần đây, nghiên cứu đã xác định 3 điểm đáng lưu ý:

- Sốt mò có mặt ở hầu hết 24 tỉnh phía Bắc (chưa kể phía Nam);

- Chiếm 38,51% số bệnh nhân sốt nhập viện, không rõ căn nguyên;

- Khoảng 31,8% bệnh nhân Sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.

Ba điểm trên gợi ý Sốt mò cần được tăng cường giám sát và phòng chống.

1.2. Định nghĩa ca bệnh

- Ca bệnh lâm sàng: Ủ bệnh, trung bình 8-12 ngày (6 đến 21 ngày); Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý; sau 1 số ngày nung bệnh, bệnh phát ra với những triệu chứng sau:

+ Sốt ≥ 38 - 400C, liên tục, kéo dài 15-20 ngày thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị; Có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

+ Nốt loét đặc trưng (điển hình của Sốt mò): thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt); đặc điểm của nốt loét: không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2-3 nốt; hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2 cm; nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét; sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui; từ khi hết sốt nốt loét liền dần; nốt loét gặp ở 65 - 80% các trường hợp.

+ Hạch và ban dát sẩn: Hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 - 3 ngày, là chỉ điểm tìm nốt loét; Hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn, trừ những ca nặng. Ban dát sẩn mọc cuối tuần thứ nhất đầu tuần thứ hai, mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần, thưa hơn so với sốt Dengue cổ điển, khoảng 35 - 70% số bệnh nhân xuất hiện ban, tùy thời điểm bệnh nhân được khám; đôi khi có đốm xuất huyết (dưới 10%). Trong mấy ngày đầu, da và niêm mạc xung huyết ở đa số các trường hợp (khoảng 88%) ; khác với sốt rét và thương hàn.

+ Ở bệnh nhân nặng hay gặp: tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình...

+ Ngoài ra, Sốt mò còn có thể ẩn và thể không điển hình (không có nốt loét)

+ Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, sẽ cắt sốt nhanh. Tái phát thường sau 5-14 ngày do Chlorocid và Tetracycline chỉ kìm khuẩn, mầm bệnh vẫn tồn tại trong các hạch. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể có biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.

+ Tử vong khác nhau ở từng nước, từng vùng, phụ thuộc vào chủng lưu hành ở địa phương: Việt Nam 1%, Indonesia và Đài Loan 5-20%, Malaysia 15-20%, Nhật Bản 20-60%.

1.3. Chẩn đoán bệnh: Dựa vào tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm

Tiêu chuẩn xác định bệnh:

a. Chỉ cần 1 tiêu chuẩn lâm sàng

- Sốt, vết loét đặc trưng,+/- hạch sưng đau, ban dát sẩn, bạch cầu 4.000 - 12.000, Lympho bình thường hoặc tăng, máu lắng tăng.

- Chỉ tiêu bắt buộc: phải có vết loét đặc trưng

b. Nếu không có vết loét đặc trưng, bắt buộc phải có một test sau đây dương tính: test IgM ELISA (xét nghiệm hấp phụ miễn dịch gắn men); hoặc test IFA (Xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp); hoặc test IIP (Xét nghiệm kháng thể miễn dịch peroxidase gián tiếp); riêng test nhanh RFA (Xét nghiệm thẩm thấu nhanh) chỉ có giá trị phát hiện định tính IgM, IgG, cho kết quả sau 15 phút, đọc bằng mắt thường, có thể dùng ở xã và thực địa. Một số xét nghiệm khác có giá trị nhưng phức tạp, chủ yếu dùng ở Viện nghiên cứu: phân lập Orientia tsutsugamushi; nhuộm soi kính hiển vi điện tử phát hiện vi khuẩn ở tế bào nuôi cấy; phản ứng PCR (phản ứng nhân chuỗi men polymerase).

c. Phản ứng Weil-Felix với kháng nguyên OXK, độ nhạy và độ đặc hiệu không cao nhưng rẻ tiền, vẫn có thể dùng ở tuyến huyện;

d.Test điều trị thử: để giải quyết sớm bệnh nhân nên dùng thử Tetracycline hay Chlorocid, chỉ có giá trị chẩn đoán nghi ngờ.

Đặc điểm của bệnh sốt mò và những điều cần lưu ý
Hình ảnh tiến triển của vết loét theo thời gian ( nguồn: Jin Park, Evolution of Eschar in Scrub Typhus)

1.4. Chẩn đoán phân biệt:

- Bệnh do xoắn khuẩn: cũng có sốt, xung huyết, mắt đỏ, đau cơ, ban và hạch nhưng không có nốt loét đặc trưng, thường có xuất huyết dưới da.

- Thương hàn: cũng sốt kéo dài, li bì, mạch nhiệt phân ly nhưng đào ban rất thưa, bụng thường chướng, có óc ách hố chậu phải và không có nốt loét đặc trưng.

- Sốt Dengue: sốt thường kéo dài trung bình 6 - 7 ngày, nhưng ở Dengue cổ điển ban dát sẩn dày hơn, đau cơ khớp rõ hơn; ở Dengue xuất huyết ban xuất huyết hay xuất hiện khi sốt về bình thường, không có nốt loét đặc trưng .

- Sốt rét: tuy sốt rét tiên phát có sốt liên tục, nhưng rồi cũng chuyển vào cơn sốt chu kỳ với 3 giai đoạn rét - nóng - vã mồ hôi; không có nốt loét đặc trưng; ký sinh trùng sốt rét dương tính.

2.Tác nhân gây bệnh:

- Mầm bệnh là Orientia tsutsugamushi (còn tên R.orientalis, hoặc R.tsutsugamushi), ký sinh nội bào bắt buộc, bắt màu Giemsa 2 cực đậm, dài 1,2 - 3 mm, rộng 0,5-0,8 mm, hình cầu hoặc cầu trực khuẩn, xếp thường thành đám mầu tím đỏ, dưới kính hiển vi điện tử có màng bọc.

- R.orientalis có hệ men không hoàn chỉnh buộc phải ký sinh trong tổ chức sống. Cấu trúc kháng nguyên đa dạng, tùy thuộc vào loài mò, gặm nhấm và vùng địa lý. Trong vùng có thể có nhiều chủng cấu trúc kháng nguyên khác nhau nên tái nhiễm dễ có và sản xuất vắc xin khó khăn. Hiện có 3 týp huyết thanh chủ yếu Gilliam, Karp và Kato, có phản ứng chéo với kháng nguyên các chủng khác; ngoài ra có hơn 30 chủng huyết thanh khác đã xác định trên toàn cầu; ngoài kháng nguyên đặc hiệu, R.orientalis còn có kháng nguyên không đặc hiệu giống kháng nguyên OXK của Proteus mirabilis. Độc lực rất khác nhau tùy chủng : ở Nhật Bản và Trung Quốc, thường nặng hơn Malaysia và Việt Nam.

- Sức đề kháng yếu, dễ bị diệt bởi nhiệt độ cao, trong môi trường bên ngoài và thuốc sát trùng thông thường, dung dịch 0,1% ÚP formaldehyde diệt trong vài giờ, sống lâu ở dạng đông khô trong bảo quản lạnh -700C. Nhật Bản còn thông báo một số chủng sốt mò không điển hình như Shichitonetsu, R.seunetsu gây bệnh không điển hình.

3. Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương), từ Nhật Bản sang Pakistan, từ Triều Tiên xuống Bắc Úc, tính chất những ổ dịch nhỏ rải rác (đảo Typhus) trên các trảng bìa rừng, các rừng mới phá hoặc mới trồng, vùng giáp danh, nơi nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy, những điểm có bóng mát dâm và đất ẩm, thậm chí vùng sa mạc mới khai khẩn và núi cao Hymalayia cũng có. Mọi lứa tuổi đều thụ bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động, phân bố tính chất nghề nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội; bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn rừng núi (80,5%), hiếm ở thành thị.ở vùng ôn đới và nhiệt đới bệnh phát triển về mùa hè và những tháng mưa có độ ẩm cao là thời gian chỉ số mò cao. Bệnh xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 9-10, đỉnh cao vào những tháng 6-7. Bệnh thường tản phát nhưng dịch có thể bùng ra khi có nhiều người chưa miễn dịch vào đúng giữa một ổ dịch (dân đi khai hoang, bộ đội hành quân tập luyện dã ngoại).

4. Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: R.orientalis có 2 ổ chứa trong thiên nhiên là mò và gặm nhấm - thú nhỏ.

+ Ổ chứa nguồn truyền nhiễm chủ yếu là mò nhiễm R.orientalis: mò có khả năng truyền mầm bệnh cho các loài gặm nhấm và thú nhỏ, truyền dọc mầm bệnh qua trứng sang đời sau; truyền ngẫu nhiên mầm bệnh sang người.

+ Ổ chứa thứ yếu có vai trò nguồn truyền nhiễm không đáng kể là gặm nhấm - thú nhỏ: khả năng nhiễm mầm bệnh từ gậm nhấm/thú nhỏ vào ấu trùng mò thường thấp, mầm bệnh nhiễm vào thường không nhân lên được mò và sau đó không được truyền sang người hoặc thú nhỏ khác vì ấu trùng mò chỉ đốt hút máu 1 lần trong đời.

Những loài mò ổ chứa mầm bệnh: chủ yếu là Trombicula akamushi, Trombicula delhiensis; thứ yếu là T.scutellaris, T.pallida..T. akamushi có nhiều ở Nhật Bản; T.pallidumT.scutellaris lưu hành ở các nước khí hậu ôn hòa như Nhật, Hàn Quốc, Viễn Đông Nga; T.delhiensis phân bố rộng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Úc và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan,...; Ở Việt Nam, tại một ổ dịch T.delhiensis chiếm 62% trong 19 loại mò đã phân lập được 91 mẫu R.orientalis gồm 21 mẫu từ 108 mò, 41 mẫu từ 174 chuột, 3 mẫu từ 16 sóc và 26 mẫu từ 40 bệnh nhân.

Những loài gặm nhấm - thú nhỏ là ổ chứa mầm bệnh thứ yếu: chuột, sóc, chồn, nhím, cầy, cáo, thỏ, chim; một số gia súc (gà, chó, lợn...) cũng có thể bị mò đốt và chứa mầm bệnh từ phủ tạng 25 loài thú nhỏ ở Mộc Châu, Nghi Sơn, Đồ Sơn, Kiến An phân lập được R.orientalis trên 14 loài (9 loài chuột: chuột rừng R.koratensis, chuột bóng R.nitidus, chuột núi R.sabanus, chuột dang (puộc) R.bowersi, chuột nhà R.flavipectus; 3 loài Sóc (sóc má đào, sóc chuột, sóc bụng đỏ) và 2 loài chuột (chuột chũi và chuột trù núi đuôi trắng); và phát hiện kháng thể R.orientalis ở 9 trên 15 loài thú nhỏ bắt ở Tây Nguyên

5. Phương thức lây truyền - Côn trùng trung gian truyền bệnh:

5.1. Đường truyền bệnh: Sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò; như vậy mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh; người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác

5.2. Côn trùng trung gian truyền bệnh: Ấu trùng mò nhiễm R.orientalis là vectơ truyền bệnh; Mò Trombiculidae thuộc họ ve bét (Acariformes), lớp nhện (Arachnida), ngành chân đốt (Arthropoda); kích thước bé dưới 1 mm, mầu sắc từ vàng đến da cam, còn gọi là mò đỏ; phát triển qua 4 giai đoạn: trứng ấu trùng, nhộng và mò trưởng thành; ấu trùng là giai đoạn phát triển duy nhất của mò ký sinh ở động vật có xương sống (chuột và thú nhỏ); thời gian đốt kéo dài trung bình 48-72 giờ; đốt xong ấu trùng trở về mặt đất, trưởng thành,và sinh sản ra thế hệ sau; chu kỳ sinh trưởng của mò dài 2-3 tháng (vùng ấm) và trên 8 tháng (vùng lạnh); mò trưởng thành sống trung bình 15 tháng; ấu trùng chưa đốt động vật có thể sống 30 ngày và có tầm di chuyển rất hạn chế cho nên ổ dịch Sốt mò có tính chất nhỏ hạn chế (thú nhỏ-gặm nhấm tuy di chuyển được xa nhưng vai trò ổ truyền bệnh thấp như đã phân tích ở trên).

5.3. Điều kiện lây truyền sang người: Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau:

- Sinh hoạt lao động trong ổ dịch

- Phát rẫy làm nương

- Bộ đội đi dã ngoại

- Ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây…

6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch (ở cơ thể người)

- Mọi lứa tuổi đều thụ được bệnh.

- Bệnh để lại miễn dịch dài với đồng chủng nhưng miễn dịch lâm thời với dị chủng.

- Tái nhiễm do dị chủng nếu xảy ra sớm trong vòng vài tháng sau khi khỏi bệnh sẽ mắc bệnh nhẹ nhưng nếu tái nhiễm sau một năm trở lên sẽ mắc bệnh điển hình.

Người sống trong ổ dịch có thể nhiễm bệnh 2-3 lần, nhưng thường mắc bệnh thể nhẹ hoặc tiềm tàng (không triệu chứng )

- Nhiễm R.orientalis gây đáp ứng miễn dịch tế bào và dịch thể: Huyết thanh chứa kháng thể không diệt được vi khuẩn, nhưng ngăn cản vi khuẩn gắn kết vào màng và xâm nhập vào trong tế bào, khả năng này đặc hiệu đồng chủng; miễn dịch tế bào có vai trò bảo vệ trên chuột thực nghiệm, do lympho T, do các đại thực bào bị xâm nhiễm trình diện kháng nguyên mầm bệnh cho các lympho T, ngoài ra sản xuất các cytokines như TNFa; trong nhiễm tiên phát, lympho T hoạt hóa giảm ở tuần đầu và tăng lên khi hồi phục, IgM xuất hiện sớm vào ngày thứ 8, IgG xuất hiện vào ngày thứ 12; trong nhiễm thứ phát, lympho T hoạt hóa không giảm trong tuần đầu và tăng ngay từ tuần bệnh thứ 2, IgG xuất hiện sớm ngày thứ 6, còn IgM chỉ xuất hiện ở một số bệnh nhân vào khoảng ngày thứ 12.

Đáp ứng miễn dịch của sốt mò chủ yếu có tác dụng với đồng chủng; người được điều trị kháng sinh sớm có đáp ứng kháng thể thấp hơn và hay tái phát hơn so với điều trị muộn. Thời gian tồn tại của kháng thể trung bình là 51 tuần, tỷ lệ chuyển đổi hiệu giá kháng thể xuống dưới 1/50 là 61% (Saunders J P, 1980); yếu tố này cùng với sự thường có mặt của nhiều chủng R.orientalis tại vùng lưu hành làm cho tần suất mắc Sốt mò thường cao trong ổ dịch.

7. Biện pháp phòng chống dịch.

7.1. Biện pháp phòng bệnh:

- Tuyền truyền giáo dục sức khỏe :

- Vệ sinh phòng bệnh :

a. Điều tra cơ bản phát hiện ổ dịch ở địa bàn nghi ngờ và có người ở (bắt thú nhỏ gặm nhấm, bắt mò, phân loại, phân lập R.orientalis, tìm kháng thể, phát hiện bệnh nhân).

b. Tại ổ dịch đã xác định hoặc nghi ngờ:

- Biện pháp ngăn ngừa mò đốt:

+ Tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy,hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần

+ Tối ưu tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò (permethrine và benzyl benzoat) hoặc xoa chân tay cổ thuốc sua mò (diethyltoluamid, DEET)

- Diệt mò ở môi trường: phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi dâm mát thuốc diazinon, fenthion, malathion, lindane, dieldrin, chlordan.

- Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước.

- Phát quang thảm thực vật quanh nhà chọn lọc các đám thực vật có nhiều ấu trùng mò (đảo mò).

- Điều trị dự phòng: biện pháp này hạn chế vì nhiễm bệnh tại ổ dịch không dễ dàng; khi có đơn vị bộ đội phải vượt qua ổ dịch đi làm nhiệm vụ có thể dùng Doxycycline 200 mg/tuần

7.2. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức : Cảnh giác phát hiện bệnh tại ổ dịch; báo cáo ngay khi gặp ca đầu tiên hoặc khi có dịch liên quan đến địa bàn

- Chuyên môn:

- Với bệnh nhân: nơi có dịch, hàng ngày thăm mọi người và khám kỹ mọi người có sốt trong địa bàn đó; không cần cách ly bệnh nhân; với người tiếp xúc không cần điều tra, cách ly, điều trị dự phòng và tiêm chủng;

- Các biện pháp khác như truyền thông, tổng vệ sinh phát quang thảm thực vật quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột, bảo vệ cá nhân, xoa thuốc xua, tẩm quần áo thuốc xua diệt... cần tăng cường; tới nay chưa có vắc xin hiệu lực;

7.3. Điều trị:

điều trị bệnh nhân bằng Tetracycline 2 gam/ngày đầu,và 1 gam/24 giờ ngày sau, tới khi cắt sốt 2-3 ngày, tổng liều 6-7 gam; hoặc Doxycycline 100-200 mg/24 giờ, tiếp theo 100 mg/24giờ những ngày sau; hoặc Chlorocid nếu Tetracycline chống chỉ định; khi can thiệp sớm (trong 3 ngày đầu), sau 6 ngày nghỉ thuốc, nên chỉ định đợt II trong 3-4 ngày, để chặn tái phát; khử trùng, tẩy uế hàng ngày và lần cuối không có ý nghĩa cắt lây lan; thu dung: thể thông thường điển hình tại bệnh xá; thể nặng có biến chứng tại Bệnh viện; tiêu chuẩn ra viện: hết sốt 7 ngày, ổn định.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: tầu thủy, máy bay xuất phát từ địa bàn là ổ dịch hoặc đang có dịch phải giám sát các chuột - thú nhỏ.

Minh Thuỳ (t/h)
suckhoeviet.org.vn

Tin liên quan

Kiểm tra, giám sát chặt thị trường sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Kiểm tra, giám sát chặt thị trường sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Ngày 18/4, Bộ Công Thương có công điện hỏa tốc gửi Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, UBND, Sở Công Thương các địa phương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Lương nhân viên công ty bảo hiểm có mua được một chỉ vàng?

Lương nhân viên công ty bảo hiểm có mua được một chỉ vàng?

Một số thông tin gần đây phản ánh thu nhập trung bình của nhân viên các công ty bảo hiểm có thể lên đến hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, tương đương một lượng vàng. Vậy con số này có thực sự "trong mơ", hay tạo ra những chuyện dở khóc dở cười cho chính người trong cuộc.

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết về Quân - Thần - Tá - Sứ trong đơn thuốc Đông y cổ phương

Những điều cần biết về Quân - Thần - Tá - Sứ trong đơn thuốc Đông y cổ phương

Bước vào một tiệm thuốc Đông y, chắc hẳn bạn đã từng thấy các thầy thuốc kê những thang thuốc toàn cây lá cành. Trông tưởng ngẫu nhiên nhưng không hề, Đông dược cũng có những quy tắc chữa bệnh như Tây y. Trong đó, Quân - Thần - Tá - Sứ là một nguyên tắc bốc thuốc của y học cổ truyền.
Essential Minerals Iron: Bí quyết cho cơ thể khỏe mạnh, đầy năng lượng

Essential Minerals Iron: Bí quyết cho cơ thể khỏe mạnh, đầy năng lượng

Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, tóc dễ gãy rụng? Rất có thể bạn đang bị thiếu sắt! Thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hãy cùng khám phá bí quyết cho một cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy sức sống với TPBVSK Essential Minerals Iron của Siberian Wellness trong bài viết này!
DÂN GIAN ĐIỀU TRỊ CHỨNG CHẤN CHIÊN PHONG TRẠO (PARKINSON)

DÂN GIAN ĐIỀU TRỊ CHỨNG CHẤN CHIÊN PHONG TRẠO (PARKINSON)

Điều trị bệnh Parkinson theo Y học cổ truyền (YHCT) mang đến giải pháp tự nhiên, an toàn, giúp kiểm soát triệu chứng liệt rung như run chân tay, co cứng cơ, làm chậm thời gian tiến triển bệnh và giảm tác dụng phụ của dopamine.
CHẨN ĐOÁN PARKINSON VÀ CHỨNG CHẤN CHIÊN THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

CHẨN ĐOÁN PARKINSON VÀ CHỨNG CHẤN CHIÊN THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Bệnh Parkinson là nhóm bệnh thần kinh thoái hoá với biểu hiện đặc trưng là liệt rung tiến triển chậm ở người cao tuổi.
Sai lầm nguy hiểm: Hành động nhỏ, hậu quả lớn

Sai lầm nguy hiểm: Hành động nhỏ, hậu quả lớn

SKV - Mới đây, Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hai trường hợp hy hữu khi hai nam thanh niên phải nhập viện trong tình trạng dương vật sưng to, bầm tím và đau đớn dữ dội. Đáng nói, nguyên nhân của chấn thương nghiêm trọng này lại xuất phát từ hành động tự bẻ dương vật khi đang cương cứng.
Hướng dẫn phòng ngừa, điều trị và dinh dưỡng cho trẻ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

Hướng dẫn phòng ngừa, điều trị và dinh dưỡng cho trẻ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

SKV - Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày và tá tràng ở cả người lớn và trẻ em. Ở trẻ nhỏ, việc nhiễm HP có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, chán ăn, và trong một số trường hợp, gây biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là tổng hợp các phương pháp phòng ngừa, chữa trị và chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ bị nhiễm HP dạ dày.

Các tin khác

Chuyên gia chia sẻ bí quyết hữu ích cho tất cả cặp đôi sinh con khỏe mạnh

Chuyên gia chia sẻ bí quyết hữu ích cho tất cả cặp đôi sinh con khỏe mạnh

(SKV) - Thấu hiểu sinh con khỏe mạnh là hạnh phúc tuyệt vời nhất với tất cả cha mẹ, tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, mẹ bầu an tâm được chuyên gia đồng hành, tư vấn trước và trong quá trình mang thai. Đặc biệt, để hành trình mang thai được trọn vẹn, mẹ bầu còn được chuyên gia tư vấn về phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn hiện đại bậc nhất - xét nghiệm NIPT giúp con chào đời khỏe mạnh.
Chuyên gia lý giải nguyên nhân gia tăng ca mắc cúm mùa

Chuyên gia lý giải nguyên nhân gia tăng ca mắc cúm mùa

Tỷ lệ tiêm phòng cúm trong dân tại Việt Nam thấp, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; thời tiết đông xuân nồm ẩm... là những yếu tố gây ra tình trạng gia tăng ca mắc cúm thời gian gần đây.
Kinh nghiệm chẩn đoán chứng Đởm thạch (Sỏi mật) dưới góc nhìn Y học hiện đại

Kinh nghiệm chẩn đoán chứng Đởm thạch (Sỏi mật) dưới góc nhìn Y học hiện đại

(SKV) - Sỏi mật là cách gọi tắt của bệnh lý sỏi tồn tại trong hệ thống đường mật, gây ra cơn đau gan mật, vàng da, khi gây biến chứng thường nguy hiểm đến tính mạng.
Nên ăn uống và tập luyện như thế nào sau khi mổ cắt túi mật?

Nên ăn uống và tập luyện như thế nào sau khi mổ cắt túi mật?

SKV - Phẫu thuật cắt túi mật là một thủ thuật phổ biến để điều trị các vấn đề như sỏi mật, viêm túi mật hoặc các bệnh lý khác liên quan đến túi mật. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, cơ thể cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi trong quá trình tiêu hóa, đặc biệt là việc thiếu túi mật - cơ quan dự trữ và giải phóng mật để tiêu hóa chất béo.
6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản

6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng các phế quản bị giãn ra và khó hồi phục được, dễ gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị và quản lý bệnh tốt.
Y học cổ truyền là gì, ngành Y học cổ truyền, khám y học cổ truyền là học và khám những gì?

Y học cổ truyền là gì, ngành Y học cổ truyền, khám y học cổ truyền là học và khám những gì?

Y học cổ truyền là gì, ngành Y học cổ truyền, khám y học cổ truyền là học và khám những gì? Câu hỏi này được rất nhiều bạn sĩ tử và người bệnh quan tâm hiện nay. Khám Y học cổ truyền là phương pháp được dùng trong điều trị nhiều bệnh lý hiện nay. Khi đến khám tại phòng khám Y học cổ truyền, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn những địa chỉ thăm khám Y học cổ truyền uy tín để bệnh được chữa trị hiệu quả.
Kết quả bất ngờ của công nghệ chụp đáy mắt màu với hệ thống SLO

Kết quả bất ngờ của công nghệ chụp đáy mắt màu với hệ thống SLO

Các thiết bị được trang bị hệ thống SLO không chỉ mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn, mà còn cung cấp nhiều hơn các thông tin trên các cấu trúc võng mạc ở các độ sâu khác nhau so với công nghệ thông thường.
Có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu?

Có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu?

Có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu hay không, nếu có thì trước bao nhiêu tiếng... là những câu hỏi khá nhiều người quan tâm khi đi kiểm tra sức khỏe.
Hội chứng ruột kích thích cần xử trí như thế nào?

Hội chứng ruột kích thích cần xử trí như thế nào?

Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt, là các rối loạn chức năng của đại tràng, thường bị tái đi tái lại nhiều lần, khó điều trị dứt điểm.
Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị

Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị

Đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine, là bệnh rất thường gặp, dễ chẩn đoán và dễ tái phát. Do đó bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài.
Xem thêm
Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước

Chi Hội Nam Y An Giang tổ chức trao quà thiện nguyện tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước

SKV – Ngày 16/4/2025, thực hiện kế hoạch công tác quý II năm 2025, Chi Hội Nam Y tỉnh An Giang đã tổ chức đoàn thiện nguyện đến trao quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại khóm Phước Quản, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú. Hoạt động diễn ra trong không khí ấm áp, nghĩa tình và đầy tính nhân văn.
Hội Nam Y TP. HCM tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Chánh Giác

Hội Nam Y TP. HCM tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Chánh Giác

SKV - ngày 29/03/2025, Chi Hội Nam Y TP. HCM cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức chương trình khám chữa bệnh và tặng quà cho bà con tại chùa Chánh Giác Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong chương trình, gần 200 người, bao gồm người khiếm thị, bà con nghèo và tăng ni Phật tử, đã được khám chữa bệnh miễn phí. Đồng thời, gần 300 phần quà thiết thực đã được trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn. Sự kiện này thể hiện vai trò tiên phong của Hội Nam Y TP. HCM trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và lan tỏa tinh thần nhân ái.
Hợp tác chiến lược toàn diện cùng kế thừa, bảo tồn và phát triển tinh hoa y dược cổ truyền

Hợp tác chiến lược toàn diện cùng kế thừa, bảo tồn và phát triển tinh hoa y dược cổ truyền

Chiều 26/3, tại Khu du lịch sinh thái Tuần Châu (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa Hội Nam y Việt Nam và Tập đoàn Đông y dược Việt Nam.
Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ

Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ

Sáng 25/3/2025, tại Ao Vua, Ba Vì (TP Hà Nội), đã diễn ra Hội thảo khoa học “Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ”.
Chi hội Nam y Sóc Trăng lan tỏa yêu thương đến với bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Tịnh xá Ngọc Châu Như

Chi hội Nam y Sóc Trăng lan tỏa yêu thương đến với bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Tịnh xá Ngọc Châu Như

SKV - Ngày 23/03, Chi hội Nam y Sóc Trăng phối hợp cùng các mạnh thường quân tổ chức chương trình trao quà cho bà con khó khăn tại Tịnh xá Ngọc Châu Như (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).
Phiên bản di động