Mới nhất Đọc nhiều

Hải Thượng Lãn Ông: Những di sản về y đạo và y thuật

Danh y Lê Hữu Trác, còn được biết tới với biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông, được mệnh danh là vị Đại danh y trong nền y học Việt Nam. Những thành tựu của ông đã đặt nền móng xây dựng và phát triển y thuật cho nền y học dân tộc. Dù trải qua hàng trăm năm những di sản về y đức và y thuật của ông vẫn vẹn nguyên giá trị và tính ứng dụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những di sản về y đạo và y thuật của ông.

Trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt nam đã tạo dựng nền văn hóa mang nhiều nét đặc sắc và độc đáo, để lại cho đời sau những di sản tốt đẹp trong đó có di sản quý báu về Y học cổ truyền, đã và đang giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nền Y tế Việt Nam tự hào có Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông được nhân dân và ngành y tế suy tôn là Đại danh y tài cao, đức rộng. Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như một viên ngọc quý, càng mài càng thấy sáng.

Quý Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, còn có tên khác là Lê Hữu Huân sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (tức ngày 11 tháng 12 năm 1724). Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, Tỉnh Hải Hưng). Năm 1746, ông về quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh). Ông qua đời tại đó ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) – thọ 67 tuổi.

Hiệu “Hải Thượng” của ông ghép từ chữ “Hải” của tên tỉnh Hải Dương, và chữ “Thượng” của tên phủ Thượng Hồng, bạn của xứ Bầu Thượng. Lãn Ông có nghĩa là ông lười, người không ham danh lợi.

Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Ông nội, bác ruột, cha và các chú, anh em đều đỗ đạt cao, từng giữ nhiều trọng trách trong triều. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực dưới thời Vua Lê-Chúa Trịnh, ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ, đói rét, loạn lạc, bệnh tật. Năm 1746 ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và học nghề thuốc. Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là “Lãn Ông” – ông già lười, nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng. Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện điều tâm niệm cao cả của mình: “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng dồn hết khả năng trước thuật rộng rãi để dựng nên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường”.

Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi, kể công”. “Nghề y thiết thực ích lợi cho mình, giúp đỡ được mọi người”, đó là một hướng đi tích cực, đúng đắn, thiết thực, cao quý. Hướng đi ấy có tính chất lý tưởng hoá bản tính và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau.

Tấm gương sáng về y đức được thể hiện ngay trong chín điều “Y huấn cách ngôn” ở phần đầu của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” chứng tỏ ông rất chú trọng đến y đức. Đó chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược nhằm răn dạy người thầy thuốc vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay. Người thầy thuốc chân chính cần tuân thủ tám chữ: “Nhân-Minh-Đức-Trí-Lượng-Thành-Khiêm-Cần” (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Tâm niệm của ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật” được thể hiện trong nhiều tập sách. Theo ông “nhân” là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy nên là điều kiện tiên quyết để vào nghề y: nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì không nên hành nghề y.

Hải Thượng Lãn Ông: Những di sản về y đạo và y thuật
Hải Thượng Lãn Ông - tấm gương sáng về y đức, y thuật/ Ảnh Internet/https://suckhoeviet.org.vn/

Ông nói: “Tôi thường thấm thía rằng, thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta; lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y”.

Theo ông, nghề y liên quan chặt chẽ với đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài: “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”. Hành nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao dầy, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh. Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm thất đức không nhỏ.

Ông luôn phê phán những người lợi dụng ngành y để trục lợi, lừa dối: “bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...”. Ông phàn nàn rằng: “ Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc,người chết oán hờn, không thể tha thứ được”. Có thể nói “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”, cũng có thể nói “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”

Đối với học trò, ông thường răn dạy: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương, giúp đỡ người khác làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”

Suốt đời Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, ngay cả khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau, đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở... ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho phương thuốc, không kể là bệnh có thể lây lan hay bệnh dễ. Bệnh nặng cần mua thuốc tốt, ông sẵn sàng bỏ tiền để cứu bệnh nhân dù biết rằng sau này bệnh nhân có thể sẽ không hoàn trả. Khi đã hành nghề y, những thú vui riêng tư “mang rượu trèo non, chơi bời ngắm cảnh” cũng phải hy sinh vì “nhỡ khi vắng mặt ở nhà có người đến cầu bệnh nguy cấp thì phụ lòng trông mong của họ, lỡ nguy hại đến tính mạng...”. Đối với tầng lớp nghèo khổ, vợ góa con côi ông cũng luôn tận tâm chăm sóc bởi vì Hải Thượng Lãn Ông cho rằng “kẻ giàu sang không thiếu gì người chăm sóc, người nghèo hèn không đủ sức để mời danh y”. Ông luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng, tôn trọng người bệnh: “Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh... để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm”.

Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương về lòng cương trực, thanh cao, không màng công danh, phú quý, không xu nịnh kẻ giàu sang “Ngay cả khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp, vì nhận quà của người ta thường sinh ra nể nang huống hồ đối với kẻ giàu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh dễ bị khinh thường. Nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch”. Đồng thời, ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi, không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử Y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng Y thuật. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và Y Dược cổ truyền Việt Nam. Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển khắc in vào năm 1885. Trong tác phẩm đồ sộ này, Hải Thượng đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà.

Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau. Trong đó ông đã đề cập đến toàn bộ các vấn đề nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, chế biến các món ăn kể cả việc nuôi tằm dệt vải... Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc Nam. Ông cho rằng, muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề dập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Trong lập luận và nghiệp vụ, bộ sách có vài điểm đặc thù đó là làm thuốc theo lối “vương đạo” và thiên về “thủy hỏa”.

Quyển số 6 “Huyền Tẫn phát vi” được dành riêng về thuyết thủy hỏa. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thủy – Hỏa: “Nhà y mà không hiểu rõ chân tướng của tiên thiên thái cực, không nghiên cứu tác dụng thần hiệu của Thủy – Hỏa vô hình, không trọng dụng được những bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì đạo làm thuốc còn thiếu sót đến hơn một nửa.” Ông nói “Đại bệnh chữa Thủy – Hỏa, tiểu bệnh chữa Khí – Huyết”. Hai bài Lục vị, Bát vị được sử dụng rất rộng rãi, biện luận nhiều chỗ đều quy vào Thủy- Hỏa. Ông cũng có chú trọng đến thuyết âm dương, đã có những luận điểm về điều hòa âm dương, bổ dương tiếp âm, bổ âm tiếp dương và sáng chế ra những bài thuốc tương ứng, song nổi lên vẫn là thuyết Thủy – Hỏa.

Ông cũng có những lập luận độc đáo về loại bệnh ngoại cảm. Ông sáng chế ra ba phương thuốc giải biểu: 1- Hòa Vinh bảo vê tán tà phương. 2- Điều khí thư uất phương. 3- Lương Huyết tán tà phương. Theo ông “…phàm gặp loại chứng hậu cần phát tán chỉ dùng các bài chữa về khí huyết, thêm một vài vị có tính chất phát dương nhẹ nhàng… cũng có thể… giải tán bệnh tà... Khí, huyết, vinh, vệ là một phần chính khí. Trong bệnh ngoại cảm ông vẫn chú trọng đến chính khí. Ông nói: “…Lúc nào cũng phải để ý đến chính khí làm đầu, (cứ nhằm chữa chính khí dù) không phát hãn mà hãn tự ra, không công tà mà tà tự rút”… Lập luận của ông nhất trí với kinh văn: - Sở dĩ là khí (bên ngoài) xâm nhiễm gây hại cho cơ thể là do chính khí (vốn có ở bên trong) đã có phần suy yếu (rối loạn không thích ứng nổi)”.

Chính khí còn được chú trọng đến thời kỳ cuối của bệnh ngoại cảm, đặc biệt là vẫn vận dụng thuyết Thủy – Hỏa. “… Đến khi tà đã lui, thời nên dùng những loại thuốc chính về Thủy – Hỏa để tiếp bổ thêm, không cần phải phân tích vụn vặt mà công hiệu rất mau chóng”(Ngoại cảm). Ông còn bổ sung thêm sáu phương thuốc hòa lý nhằm bồi dưỡng tạng khí, Thủy – Hỏa, Khí – Huyết. – Gia giảm lục vị địa hoàng thang – Gia giảm bát vị địa hoàng thang – Gia giảm Tứ vật thang, - Gia giảm Tứ quân tử thang – Bổ tỳ âm phương – Bổ vị dương phương.

Như vậy, bệnh ngoại cảm cũng như bệnh nội thương, Hải Thượng đều chú ý đến bồi bổ chính khí. Chú trọng mặt bồi bổ trong khi chữa bệnh là đường lối của phái “Vương đạo”, khác với phái “Bá đạo” thiên về phép công tả. Trong đường lối chữa bệnh “Vương đạo” trong bệnh nội thương, cả trong loại bệnh ngoại cảm ông vẫn trọng dụng thuyết Thủy – Hỏa. Đó là hai đặc điểm nổi bật được Lãn Ông chủ trương và trình bày.

Từ cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với thực tế xã hội, với những điều kiện đương thời của mình, Hải Thượng Lãn Ông còn để lại những giá trị lớn về tư tưởng. Ðó là quan điểm về cuộc sống, quyết tâm vứt bỏ “cái chí bon chen trong trường danh lợi” để theo đuổi chí hướng “Nghề y thiết thực lợi ích cho mình, giúp đỡ mọi người”. Về nghề nghiệp, về ý thức phục vụ với ông “nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân ái”. Bệnh là đối tượng số một. Bệnh nguy cần chữa trước, bệnh chưa nguy có thể để chậm lại sau, tuỳ trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo. Do xác định được đối tượng số một đó mà Lãn Ông đặt sang bên những điểm khác như giàu nghèo, quyền uy, định kiến, sở thích, thuật số…

Về trước tác và truyền thụ, ông muốn “thâu tóm toàn bộ hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc” và xem đây như là một yêu cầu của thời bấy giờ. Ông cũng rất thận trọng trong việc viết sách “ Tôi nghĩ việc trước thư lập ngôn không phải dễ. Ngạn ngữ có câu “cho thuốc không bằng cho phương”, vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp đỡ người ta vô tận. Nhưng nghĩ cho kỹ, nếu trong phương có một vị không đúng thì hàng trăm nhà chịu tai hại. Huống chi viết lên sách, mỗi lời nói đều thành khuôn phép nhất định khó mà thay đổi được, nhỡ trong câu có điều sai lầm thì tai hại còn lớn hơn những bài thuốc nhiều”. Kê đơn chữa bệnh nếu có chỗ sơ xuất, chỉ chết một người bệnh đó và thầy thuốc có thể rút kinh nghiệm tránh cho lần khác. Khi giảng dạy thầy nói có điều sai, một số người nghe sau về chữa bệnh gặp điều sai đó cũng sẽ rút kinh nghiệm, nhưng số người bị hại sẽ nhiều hơn. Còn như việc viết sách cho hàng ngàn, hàng vạn… người học thì tai hại sẽ vô cùng, điều tai hại ấy cũng dây dưa từ đời này sang đời khác. Viết sách quan hệ như vậy, không thận trọng sao được! Trách nhiệm người cầm bút lớn lao như vậy, viết cẩu thả sao được! Không những sách chuyên môn mà những loại sách khác cũng vậy”.

Về kế thừa và học tập, ông nêu cao tinh thần khổ học: “tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa thì ghi ngay tại chỗ biện luận kỹ càng, thức nhấp luôn luôn suy nghĩ. Phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy ra trong lúc suy tưởng, nhân đó suy rộng ra, càng ngày càng tinh vi, như chiếc vòng không cùng tận…”. Học phải có chọn lọc, hai chữ “tâm lĩnh” trong tên bộ sách cũng đã nói lên cách học có chọn lọc của ông. Học có sáng tạo, không rập khuôn hoàn toàn. Ông lập luận riêng về bệnh ngoại cảm ở nước ta, ông đặt ra ba phương giải biểu và sáu phương hòa lý (Ngoại cảm thông trị). Ông lại sáng chế ra một số bài mới ghi lại ở quyển “Hiệu phỏng tân phương”. Học có phương pháp, ông nói: “học được rộng, biết được nhiều điều xa lạ mà quy hẹp lại cho thật đơn giản và sát đúng mới là đặc sắc trong y thuật”. Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “biến thông linh hoạt”. Học với tinh thần suy nghĩ độc lập cao.

Khó có người làm thuốc nào như ông không hề giấu “dốt”, dám trình bày lại những trường hợp bệnh chữa không khỏi, người bệnh đã chết để người sau rút kinh nghiệm: “Nhưng thói thường cứu được một người thì hoa chân múa tay biểu dương cho mọi người cùng biết, còn lỡ thất bại thì giấu đi, thường người ta hay giấu những thói xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác… Trong việc chữa bệnh, tôi từng ứng biến để đối phó với bệnh tình, chuyển nặng ra nhẹ, cứu chết lấy sống được bao nhiêu trường hợp mà vẫn có những chứng phải bó tay đợi chết cũng không phải là ít. Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những ‘Dương án’ lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là ‘Âm án’. Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh”….

Về phong cách đối nhân xử thế, ông luôn khiêm tốn, không hề tự cao, tự đại, luôn tranh thủ sự đồng tình của người khác để cầu học hoặc thu kết quả trong việc làm. Ðối với người bệnh ông tận tình cứu chữa, theo ông phải biết “quên mình cứu chữa người ta, ngoài ra tất cả chỉ là mây trôi”.

Cuộc đời của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả, đức hy sinh, nhẫn nại, tận tâm, lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng về y đức - y đạo - y thuật cho muôn đời sau noi theo.

Theo PGS.TS. Trần Văn Thanh “Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương”.

https://suckhoeviet.org.vn/

Thúy Hà (t/h)

Tin liên quan

Mẹo điều trị khi bị kiến cắn

Mẹo điều trị khi bị kiến cắn

Kiến là một loại côn trùng sống thành đàn, có tính xã hội cao. Những vết cắn đó có thể có triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào loại kiến.
"Tăng động" (ADHD) tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy phát triển rối loạn tâm thần và tự tử

"Tăng động" (ADHD) tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy phát triển rối loạn tâm thần và tự tử

Nghiên cứu mới cho thấy rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) có liên quan đến sự tăng cao tỷ lệ trầm cảm, chán ăn, rối loạn căng thẳng cũng như...
Cây Bìm bịp chữa gãy xương hiệu quả không?

Cây Bìm bịp chữa gãy xương hiệu quả không?

Dùng cây bìm bịp chữa gãy xương là một trong những bài thuốc dân gian được áp dụng phổ biến bởi hiệu quả tốt, lại an toàn và lành tính.

Cùng chuyên mục

GS.TS Lương y Nguyễn Hồng Cảnh - Cánh chim không mỏi

GS.TS Lương y Nguyễn Hồng Cảnh - Cánh chim không mỏi

SKV - Như một “cánh chim không mỏi”, là ấn tượng chung của biết bao nhiêu người khi nhắc đến vị GS.TS Lương y Nguyễn Hồng Cảnh vì đã đến tuổi ngũ tuần nhưng ông làm việc như thể sẽ không dành riêng cho mình một ngày nghỉ ngơi, thư giãn.
Ăn hoa đu đủ đực có tác dụng gì?

Ăn hoa đu đủ đực có tác dụng gì?

So với quả đu đủ, hoa đu đủ đều tốt cho sức khỏe không kém và được biết đến với những công dụng thần kỳ đối với sức khỏe.
Thừa Thiên Huế: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Thừa Thiên Huế: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Việc phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị sẽ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho bà con dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những lợi ích sức khỏe khiến nhiều người ngỡ ngàng của hành lá

Những lợi ích sức khỏe khiến nhiều người ngỡ ngàng của hành lá

Hành lá còn có tên gọi khác là hành hoa, hành hương, hom búa (Thái), búa (Tày), thông bạch, sông (Dao)… Trong Y học cổ truyền, hành lá có vị cay, tính nóng, tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai. Thường dùng chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, bụng lạnh...
Công dụng của rau càng cua trong bài thuốc Y học cổ truyền

Công dụng của rau càng cua trong bài thuốc Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ. Rau càng cua được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày - ruột, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét.
Cát Căn: Đặc điểm, công dụng và cách dùng chữa bệnh

Cát Căn: Đặc điểm, công dụng và cách dùng chữa bệnh

Cát căn là một vị thuốc nam quen thuộc trong y học cổ truyền, có thể mang tới nhiều tác dụng quan trọng như giảm đau, hạ sốt,...

Các tin khác

Ích mẫu - Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh

Ích mẫu - Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh

Ích mẫu là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, xuất hiện nhiều ở nước ta.
Dẻ thơm và các bài thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền

Dẻ thơm và các bài thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền dẻ thơm có vị cay và tính hơi ấm có tác dụng an thần, sát trùng, giải độc... Hoa, lá và rễ rẻ thơm được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền chữa mụn nhọt mẩn ngứa hay đau nhức xương khớp.
Cỏ roi ngựa - dược liệu thông kinh lạc, hoạt huyết, thanh nhiệt

Cỏ roi ngựa - dược liệu thông kinh lạc, hoạt huyết, thanh nhiệt

Theo Y học cổ truyền cỏ roi ngựa có vị đắng, tính hơi mát, quy vào hai kinh tỳ: Kiện tỳ ích khí, có tác dụng thông kinh hoạt huyết, tẩy ứ huyết, thông kinh lạc, thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, giải độc. Cỏ roi ngựa được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền chữa chảy máu tử cung, sốt rét kinh niên, đầy bụng, sưng vú, mụn cơm, kinh nguyệt không đều, đái dắt, ỉa ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù thũng.
Tận dụng thảo dược quanh nhà hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Tận dụng thảo dược quanh nhà hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, nếu biết cách tận dụng thảo dược quanh nhà, kết hợp các bài thuốc Đông y cổ truyền sẽ giúp người bệnh giảm triệu chứng, khôi phục số lượng tiểu cầu, tăng khả năng miễn dịch.
Phù dung - dược liệu giải độc, tiêu sưng trong Y học cổ truyền

Phù dung - dược liệu giải độc, tiêu sưng trong Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, lá và hoa phù dung có vị cay, tính bình, có tác dụng giải độc, tiêu sưng, giảm đau, dùng trong các trường hợp mụn nhọt đau nhức, đau mắt đỏ, bệnh zona, vết thương phần mềm. Lá và hoa phù dung được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền với công dụng giảm đau, tiêu độc, giải cảm,trừ phù thũng ...
Nấm linh chi: Tổng quan đặc điểm và các bài thuốc trị bệnh

Nấm linh chi: Tổng quan đặc điểm và các bài thuốc trị bệnh

Nấm linh chi một loại dược liệu có nhiều công dụng đặc biệt trong việc hỗ trợ sức khỏe và điều trị một số bệnh lý.
Hà Giang theo đuổi mục tiêu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu

Hà Giang theo đuổi mục tiêu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu

Tỉnh Hà Giang có tới 1.560 loài dược liệu, chiếm gần 40% số loài dược liệu hiện có ở Việt Nam. Trong đó có 51 loài cây có nguy cơ bị đe dọa và 97 loài trong diện bảo tồn cấp quốc gia.
Thảo dược nào giúp hạn chế và làm sạch máu nhiễm mỡ?

Thảo dược nào giúp hạn chế và làm sạch máu nhiễm mỡ?

Máu nhiễm mỡ hay mỡ máu cao là một bệnh lý phổ biến mà nhiều người mắc phải. Cùng với các loại thuốc tây y, nhiều người lựa chọn sử dụng dược liệu Y học cổ truyền để làm sạch mạch máu để cải thiện tình trạng bệnh, giảm tình trạng mỡ máu cao.
Yến Sào: Tìm hiểu đặc điểm, công dụng và lưu ý khi sử dụng

Yến Sào: Tìm hiểu đặc điểm, công dụng và lưu ý khi sử dụng

Yến sào là một loại thực phẩm được coi là có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời là một dược liệu cực quý trong y học cổ truyền.
Cây Dền gai và các bài thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền

Cây Dền gai và các bài thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, cây Dền gai có tính hơi lạnh, vị ngọt nhạt, là một vị thuốc có nhiều công dụng với khả năng giảm đau, thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp rất hiệu quả. Theo đó, vị thuốc này được dùng để trị các bệnh về thận, phù thũng và làm thuốc điều kinh…
Xem thêm
Chi hội Nam y Pháp bảo khỏe đạt nhiều thành tích ấn tượng tại Chương trình Asia Top Brand Awards 2023

Chi hội Nam y Pháp bảo khỏe đạt nhiều thành tích ấn tượng tại Chương trình Asia Top Brand Awards 2023

Ngày 6 tháng 8 năm 2023, tại Hội trường Thống Nhất – Dinh Độc Lập, sự kiện tôn vinh và vinh danh các thương hiệu uy tín hàng đầu tại Châu Á - Asia Top Brand Awards 2023 đã diễn ra, và đáng chú ý, Chi Hội Nam Y Pháp Bảo Khỏe (Hội Nam Y Việt Nam) đã giành được những thành tích ấn tượng tại sự kiện này.
Kỳ họp thứ I Ban Kinh tế Hội Nam y Việt Nam

Kỳ họp thứ I Ban Kinh tế Hội Nam y Việt Nam

Sáng ngày 14/8, tại trụ sở Hội Nam y Việt Nam, lãnh đạo Hội tổ chức kỳ họp thứ I Ban Kinh tế để chuẩn bị các bước đi cần thiết thúc đẩy hoạt động trong thời gian tới.
Hội Nam y Việt Nam với "Dấu ấn Việt Nam"

Hội Nam y Việt Nam với "Dấu ấn Việt Nam"

Chủ đề thứ 5 "Y học cổ truyền trong đời sống hiện đại" của Chương trình "Dấu ấn Việt Nam" sắp được phát sóng trên kênh VTV4 và các nền tảng số.
Lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam dự họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Chi hội Nam y Hùng Vương

Lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam dự họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Chi hội Nam y Hùng Vương

Sáng 4/7/2023, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Chi hội Nam y Hùng Vương đã tổ chức Họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam đã đến dự.
Tạp chí Sức Khỏe Việt: Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và sứ mệnh Phổ biến Kiến thức Nam y

Tạp chí Sức Khỏe Việt: Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và sứ mệnh Phổ biến Kiến thức Nam y

Ngày 21/6, tại thủ đô Hà Nội, Tạp chí Sức Khỏe Việt đã tổ chức buổi gặp mặt đầy ấm cúng nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023). Buổi gặp mặt có sự tham gia của lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam và lãnh đạo của Tạp chí Sức Khỏe Việt, cùng các Nhà báo, biên tập viên, phóng viên của tòa soạn.
Phiên bản di động