Nhiều bài thuốc từ cây địa hoàng giúp chữa thiếu máu, sốt xuất huyết
Thông tin về cây địa hoàng
Cây địa hoàng mọc ở nhiều nơi, là một vị thuốc quý mà không phải ai cũng biết đến. Ngoài tên gọi này, người ta còn gọi dược liệu là cây sinh địa, nguyên sinh địa, sinh địa hoàng, thục địa,… Theo tiếng Trung Quốc gọi là Sheng Di Huang, tên khoa học là Rehmannia Glutinosa (Gaerth) Libosch.ex Steud, thuộc chi Địa hoàng, họ Cỏ chổi.
Đặc điểm hình thái
Cây địa hoàng hay cây sinh địa là một loài cây sống lâu năm với thân thảo, có những đặc điểm nhận diện như sau:
- Cây thân thảo cao trung bình từ 30cm – 40cm khi trưởng thành. Bên ngoài thân có một lớp lông tơ mềm, thân có màu trắng xám tro.
- Lá cây dược liệu là dạng lá đơn, mọc xung quanh gốc cây lên theo vòng xoắn ốc, phần lá dưới mặt đất xòe rộng. Thường lá không mọc trên thân cây. Chiều dài lá từ 3 cm – 15 cm, rộng từ 1,5 cm – 6 cm. Lá có hình trứng ngược, hơi tròn ở phần gốc, đầu nhọn và thuôn dài. Bên ngoài mép có răng cưa tròn nhưng không đều, lá được phủ một lớp lông. Có thể quan sát trên phiến lá có nhiều gân nổi rõ ở mặt dưới, cấu tạo này làm cho lá gần giống như phồng rộp, chia phiến ra ra thành các múi nhỏ. Đây là đặc điểm đặc trưng của lá cây sinh địa.
- Cây mọc rễ củ, chồi mọc lên từ củ hom, rễ tơ mọc trên mầm của củ hom ngắn nhưng mọc nhiều. Rễ củ từ các mầm có đường kính từ 0,5 cm đến 3 cm.
- Cây dược liệu ra hoa vào khoảng tháng 4 đến tháng 6. Hoa mọc theo chùm, có cuống dài, màu sắc hoa màu tím đỏ, viền ngoài có màu trắng. Hoa dài khoảng 3cm, hình ống và có 5 cánh hoa khía hình môi ở đầu. Đài và tràng hoa hình chuông, trong mỗi hoa có 3 nhị.
- Địa hoàng ra quả vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm. Hình dạng quả đặc trưng với hình trứng, quả nang bế đôi, mỗi quả dài từ 1,3 cm đến 1,6 cm, đường kính không quá 0,9 cm. Bên trong mỗi quả địa hoàng thường chứa rất nhiều hạt nhỏ.
Bộ phận sử dụng
Sử dụng phần rễ củ làm thuốc.
Phân bố
Cây địa hoàng là dược liệu quen thuộc được trồng ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Tại nước ta, có thể tìm thấy dược liệu ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Bắc Giang, ngoài ra bạn cũng có thể bắt gặp dược liệu tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ,…
Phân loại
Cây địa hoàng và thục địa, sinh địa có giống nhau không? Đây là thắc mắc được nhiều người đặt ra. Thực tế, cây thuốc trong thiên nhiên có tên gọi chính là địa hoàng. Còn các tên như sinh địa, thục địa, tiên địa hoàng,… là cách gọi của các dạng bào chế khác nhau từ cây thuốc. Cụ thể:
- Tiên địa hoàng là rễ củ địa hoàng dùng làm thuốc ở dạng tươi. Sau khi được thu hái, rễ củ sẽ được rửa sạch, thái mỏng và sử dụng ngay.
- Can địa hoàng là phần rễ củ địa hoàng đã được sấy nhẹ cho khô nước.
- Sinh địa là phần rễ củ được sấy bằng lò sấy, loại này thường có vỏ màu xám và phần ruột có màu vàng nâu.
- Thục địa là phần rễ củ đã tầm rượu 9 lần hoặc đã được chưng với rượu, nước gừng, sa nhân đến khi dược liệu có màu đen nhánh.
Thu hái
Hàng năm, địa hoàng được người dân thu hái vào hai vụ chính là đông xuân từ tháng 2 – tháng 3, vụ hạ từ tháng 8 – tháng 9. Thu hái vào những ngày nắng ráo, rễ củ sau khi được thu hoạch sẽ được sơ chế dùng tươi hoặc sấy khô để bảo quản sử dụng lâu hơn.
Phần rễ củ chất lượng thường từ 6 tháng tuổi trở lên. Hình dáng của rễ củ thường cong queo, hình trụ, nếu tác động mạnh dễ bị gãy. Quan sát phần vỏ rễ có màu vàng đỏ và chia thành nhiều khoanh do một số đoạn bị thắt lại.
Chế biến
Như đã đề cập, người dùng có thể sử dụng loại củ tươi hoặc phơi, sấy khô. Theo đó, tiên địa hoàng và can địa hoàng chế biến đơn giản, trong khi sinh địa và thục địa sẽ đòi hỏi chế biến công phu hơn. Cụ thể:
Tiên địa hoàng: Dùng tươi, chỉ cần mang rễ củ của cây dược liệu rửa sạch loại bỏ tạp chất và sử dụng.
Can địa hoàng: Dùng khô, rửa và cắt lát nhỏ rồi phơi khô và sử dụng.
Sinh địa: Sấy khô, trước khi sấy mang rửa sạch, cắt lát mỏng, sấy trong 6 – 7 ngày.
Thục địa: Có hai cách sử dụng:
- Cách thứ 1: Sử dụng các củ dược liệu nhỏ, nấu lấy nước rồi dùng nước này tẩm vào các rễ củ to đã qua chọn lọc. Sau đó đem rễ củ to đi phơi khô, tiếp tục tẩm nước liên tục 9 lần đến khi màu rễ chuyển thành đen nhánh. Đây được gọi là quy tắc cửu chưng, cửu sái được lưu truyền từ người Trung Quốc.
- Cách thứ 2: Dùng củ địa hoàng nấu cùng với nước và rượu trắng 40 độ, đun trên lửa nhỏ kết hợp khuấy đều tay để rượu ngấm vào củ thuốc. Đến khi nước cạn hẳn, cho thêm gừng và nước vào nấu lần 2, khi thấy củ chuyển sang màu đen nhánh là đạt.
Bảo quản
Sau khi chế biến, dược liệu được cho vào túi kín hoặc bình có nắp đậy để bảo quản. Đặt dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt. Rễ tươi có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
Thành phần hóa học
Dược liệu có thành phần hóa học chính gồm nhiều hoạt chất, trong đó có thể kể đến như rehmanin, glucozit, caroten, glucoza, manit, ancaloit, acid sucinic, acid palmitic, campesterol,…
Quy kinh và tính vị
Quy vào kinh Can, Thận, Tâm.
Dược liệu có tính hàn, vị ngọt đắng.
Tác dụng dược lý của cây địa hoàng
Theo Y học cổ truyền: Địa hoàng ở các dạng bào chế khác nhau sẽ mang lại các tác dụng khác nhau, nhờ quá trình chế biến làm dược tính cũng có phần thay đổi. Cụ thể:
- Địa hoàng tươi: Có vị đắng, tính hàn, giúp thanh nhiệt, cầm máu, lợi tiểu, bổ âm,… Nhờ đó được dùng trong điều trị các vấn đề như tiêu khát, lưỡi đỏ, phát ban, ho ra máu, đau họng, chảy máu cam,… Đặc biệt dược liệu còn giúp lợi tiểu, tốt cho người bị thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt rối loạn, phụ nữ mang thai bị động thai.
- Sinh địa: Có tính hàn, vị ngọt. Loại này có tác dụng thanh nhiệt, bổ máu, vì thế được chỉ định cho đối tượng bị thổ huyết, băng huyết, động thai, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, sưng yết hầu ở nam giới.
- Thục địa: Có tính ôn, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt. Dược liệu có tác dụng bổ máu, bổ thận dưỡng âm, tốt cho can thận, được dùng cho đối tượng bị đau họng, rối loạn kinh nguyệt, khó tiểu, mất máu, nóng trong người, tiêu khát, khó thở, chất lượng tinh trùng kém, rối loạn cương dương,…
Theo Y học hiện đại: Nhờ chứa các hoạt chất hóa học phong phú kể trên, cây địa hoàng được thu hái rễ củ làm thuốc giúp điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn như:
- Dược liệu có tác dụng kháng viêm, ổn định đường huyết.
- Có lợi cho hệ thống tim mạch, huyết áp, gan, thận.
- Có tác dụng lợi tiểu, chống nấm, chống chất phóng xạ, cầm máu,…
Liều dùng và cách sử dụng
Tùy vào dạng dược liệu bạn sử dụng liều dùng sẽ khác nhau:
- Địa hoàng tươi dùng mỗi lần từ 12 gram – 30 gram.
- Địa hoàng khô dùng mỗi lần từ 9 gram – 15 gram.
Sử dụng mỗi ngày từ 2 – 3 lần, có thể dùng sắc nước uống, tán bột vo thành viên hoàn và kết hợp với nhiều dược liệu khác.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây địa hoàng
Nhờ mang lại nhiều lợi ích kể trên, thế nên cây địa hoàng ngày càng được nhiều người biết đến. Tùy vào mục đích điều trị mà người bệnh sử dụng các dạng dược liệu phù hợp. Dưới đây là gợi ý một số bài thuốc chữa bệnh từ địa hoàng tươi, địa hoàng khô, sinh địa, thục địa, bạn đọc có thể tham khảo:
1. Bài thuốc chữa ho khan, ho có đờm, ho khạc ra máu, bệnh giãn phế quản
Chuẩn bị: Rễ củ tươi của cây địa hoàng.
Thực hiện:
- Địa hoàng rửa sạch, giã nát vắt lấy 300ml nước ép.
- Tiến hành nấu cháo gạo tẻ cho chín nhừ, rồi đổ nước ép dược liệu vào đun sôi.
- Ăn cháo nấu với nước địa hoàng khi bụng đói.
Cháo nấu từ dược liệu dễ ăn, dễ nuốt thích hợp cho người đang bị bệnh ho khan, ho có đờm ít, ho khạc ra máu, giãn phế quản. Dược chất giúp cầm máu, giảm ho, thúc đẩy tổn thương ở phế quản sớm phục hồi.
2. Bài thuốc chữa nóng, sốt xuất huyết, sốt phát ban
Chuẩn bị: 24g địa hoàng tươi, 12g mỗi vị gồm lá sen, trắc bá diệp tươi và 8g ngải diệp tươi.
Thực hiện:
- Nguyên liệu rửa sạch cho vào ấm.
- Đun với lượng nước vừa đủ đến khi nước thuốc đổi màu.
- Dùng nước thuốc mỗi ngày 2 – 3 lần, kiên trì giúp cơn sốt giảm dần, trị bệnh sốt xuất huyết, sốt phát ban.
3. Bài thuốc chữa chảy máu cam
Chuẩn bị: Dùng can địa hoàng, bạc hà và long não mỗi vị liều lượng bằng nhau, trộn đều.
Thực hiện: Khi dùng lấy ra khoảng 8g thuốc uống với mật ong, uống ngày 3 lần giúp cầm máu khá hiệu quả.
4. Bài thuốc chữa bệnh tiểu đường
Chuẩn bị: 12g thục địa, kết hợp với 16g thái tử sâm, 20g sơn dược, cuối cùng thêm vào 8g ngũ vị tử.
Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch, cho vào nồi sắc với lượng nước vừa đủ. Chia nước thuốc thành nhiều lần uống hết trong ngày.
5. Bài thuốc chữa đau mỏi lưng, đổ mồ hôi trộm, thận âm
Chuẩn bị: 20g sinh địa, 16g sơn dược, kết hợp với 12g mỗi vị gồm câu kỷ tử, sơn thù, thỏ ty tử, ngưu tất, cao ban long.
Thực hiện:
- Nguyên liệu tán thành bột, thêm vào mật ong nguyên chất.
- Vo thành viên hoàn, mỗi lần dùng 12g, sử dụng ngày 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng sinh địa kết hợp với quy bản, tri mẫu, hoàng bá, tất cả tán thành bột trộn cùng với tủy xương sống lợn, vo viên và dùng mỗi ngày với liều lượng tương tự cách làm trên.
6. Bài thuốc chữa bệnh phụ nữ như kinh nguyệt không đều
Chuẩn bị: 16g sinh địa, kết hợp 10g mỗi vị như đương quy, bạch thược, 5g xuyên khung.
Thực hiện: Nguyên liệu sắc nước thuốc dùng mỗi ngày 1 thang.
7. Bài thuốc chữa mụn độc, mụn nhọt, phát ban ôn độc
Chuẩn bị: 240g sinh địa, xạ hương và hùng hoàng dùng mỗi vị một ít nhỏ bằng hạt đậu, 480g đậu xị và 960g mỡ heo.
Thực hiện: Trước tiên đun các nguyên liệu như mỡ heo, đậu xị và sinh địa đến khi sôi, nước cạn còn 3 phần thì thêm hai nguyên liệu còn lại vào. Uống nước thuốc mỗi ngày để giúp độc tố xuất khỏi da, giảm mụn.
8. Bài thuốc bồi bổ cho phụ nữ sau khi sinh
Chuẩn bị: 16g sinh địa, 20g hà thủ ô đỏ, thêm vào 12g sâm nam và ích mẫu 16g.
Thực hiện: Thang thuốc sắc với nửa lít nước đến khi cạn còn 250ml, chắt nước uống khi còn ấm. Kiên trì dùng giúp phụ nữ sau sinh bồi bổ cơ thể, bổ máu.
9. Bài thuốc bồi bổ cơ thể
Chuẩn bị: 20g mỗi loại sinh địa, thiên môn, kết hợp 10g đảng sâm.
Thực hiện: Ngâm sinh địa, đẳng sâm được thái nhỏ cùng với 100ml rượu trắng 35 độ trong 10 đến 15 ngày. Nấu cao thiên môn, sau đó thêm vào 150g đường kín, đun đến khi cao cô đặc lại, để nguội. Tiến hành trộn cao và rượu thuốc đã ngâm. Mỗi lần sử dụng khoảng 20ml rượu thuốc, uống trước khi ăn nửa tiếng. Ngày dùng 2 lần.
10. Bài thuốc sinh tinh, tốt cho nam giới
Chuẩn bị: 50g địa hoàng khô và gạo tẻ.
Thực hiện: Nấu cháo gạo tẻ cùng với địa hoàng khô. Sau khi cháo chín cho thêm một ít giấm và mật ong vào. Ăn cháo khi còn ấm.
11. Bài thuốc chữa bệnh lao phổi, ho nhiều ngày không khỏi
Chuẩn bị: 30g sinh địa và thục địa, 60ml mật ong.
Thực hiện: Sinh địa và thục địa sắc nước thuốc, sau đó cho mật ong vào đun đến khi nước thuốc cô đặc lại dạng siro. Dùng mỗi ngày 1 – 2 muỗng nước thuốc đến khi cơn ho thuyên giảm.
12. Bài thuốc chữa viêm họng, khô đắng miệng
Chuẩn bị: 12g sinh địa, 10g mỗi vị gồm mạch môn, huyền sâm và cam thảo 8g.
Thực hiện:
- Nguyên liệu thái nhỏ, phơi khô.
- Sau đó cho vào ấm nấu cùng với 200ml nước đến khi cạn còn 1/4.
- Chắt lấy nước thuốc uống khi còn ấm, kiên trì dùng trong 3 – 5 ngày liên tục.
13. Bài thuốc chữa chứng phong tạng độc, xuất huyết
Chuẩn bị: Sinh địa, hoàng bá đã sao vàng.
Thực hiện: Tán dược liệu thành bột mịn, trộn với mật ong rồi vo thành viên hoàn. Dùng mỗi lần 80 viên uống cùng với nước cơm khi bụng đói. Kiên trì để bệnh sớm cải thiện.
14. Bài thuốc chữa đại tiện khó
Chuẩn bị: 32g mỗi vị gồm sinh địa, mạch môn, 40g nguyên sâm.
Thực hiện: Nguyên liệu sắc với 8 bát bước nhỏ, khi nước cạn còn khoảng 3 bát chắt lấy nước thuốc dùng hàng ngày. Uống khi miệng bị khô, mỗi lần dùng 1 bát nhỏ đến khi đi đại tiện lại bình thường.
15. Bài thuốc chữa tiêu chảy mãn tính, cơ thể suy nhược
Chuẩn bị: 16g thục địa, 12g mỗi loại gồm sơn thù, hoài sơn, 8g mỗi loại gồm trạch tả, phụ tử chế, phục kinh, 4g nhục quế.
Thực hiện: Nguyên liệu nấu với 400ml nước đến khi cạn còn 1/4, chắt nước chia thành 2 lần uống hết trong ngày.
Lưu ý khi chữa bệnh bằng cây địa hoàng
Sử dụng rễ củ của cây địa hoàng làm dược liệu điều trị nhiều chứng bệnh của cơ thể. Trong quá trình sử dụng, bạn đọc nên lưu ý thêm một vài vấn đề sau đây:
- Hãy thăm khám, xác định bệnh lý trước khi sử dụng dược liệu để đảm bảo điều trị đúng bệnh. Ngoài ra bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và thầy thuốc trước khi dùng.
- Cần nhận diện cây địa hoàng, phân biệt với các loại dược liệu khác có trong thiên nhiên để tránh nhầm lẫn vị thuốc, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả.
- Sử dụng với liều lượng phù hợp, tránh lạm dụng dược liệu có thể phát sinh các rủi ro không mong muốn.
- Không kết hợp địa hoàng cùng với các vị thuốc khác, đặc biệt là lai phục tử. Tuyệt đối không tự ý kết hợp bừa bãi để hạn chế nguy cơ phát sinh các tương tác thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe.
- Trường hợp người bệnh có cơ địa nhạy cảm, khi dùng dược liệu có thể phát sinh các phản ứng phụ. Khi đó bạn nên ngưng dùng và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
- Kết hợp điều trị và chăm sóc có thể từ chế độ dinh dưỡng và điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học hơn.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi quá trình phục hồi. Nếu có phát sinh các vấn đề khác, bác sĩ sẽ kịp thời tư vấn hướng điều trị, giúp bạn khắc phục sớm, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Tin liên quan
Đắk Nông: Trong 10 tháng ghi nhận 21 bệnh truyền nhiễm với 6.020 ca mắc, 2 trường hợp tử vong
11:14 | 15/11/2024 Sức khỏe
Gia Lai: Trong 10 tháng đầu năm 2024 có 2.023 trường hợp mắc sốt xuất huyết
08:47 | 08/11/2024 Sức khỏe
Gia Lai: Trong 8 tháng đầu năm 2024 có 1087 trường hợp mắc sốt xuất huyết
10:43 | 09/09/2024 Sức khỏe
Cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Phấn đấu hình thành 1 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu
10:38 | 24/09/2024 Thuốc nam cho người Việt
Bồ công anh dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe
19:34 | 04/04/2024 Thuốc nam cho người Việt
Bài thuốc chữa bệnh của dược liệu hương nhu
07:00 | 21/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Công dụng chữa bệnh của cây lá bỏng
15:00 | 10/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Vị thuốc chuối hột rừng
07:43 | 10/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Danh mục một số cây thuốc Nam theo nhóm bệnh
19:36 | 09/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Các tin khác
12 bài thuốc chữa bệnh hiệu quả của xà sàng tử
18:00 | 08/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Công dụng và các bài thuốc trị bệnh của cây chùm ngây
18:00 | 04/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
5 vị thuốc nam phòng chữa bệnh thường gặp
07:10 | 04/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - bậc thầy của những bài thuốc Nam
13:26 | 03/03/2024 Thuốc nam cho người Việt
Những lưu ý khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên trong các bài thuốc nam gia truyền
11:39 | 28/02/2024 Thuốc nam cho người Việt
Vấn đề nguyên liệu tự nhiên của các bài thuốc nam gia truyền
06:00 | 28/02/2024 Y học cổ truyền
Đặc điểm nổi bật của bài thuốc Nam gia truyền
17:00 | 27/02/2024 Thuốc nam cho người Việt
Vai trò của thuốc Nam trong y học hiện đại
19:00 | 26/02/2024 Thuốc nam cho người Việt
Nguyên tắc cơ bản cần biết khi sử dụng thuốc Nam
13:00 | 26/02/2024 Thuốc nam cho người Việt
Cây thuốc Nam: Công dụng chữa bệnh của bạch đồng nữ
07:00 | 26/02/2024 Thuốc nam cho người Việt
An Giang: Hội nghị khoa học Đông dược bào chế
12-11-2024 10:00 Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam công bố quyết định thành lập Chi hội Nam y Thái Bình
21-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam và Công ty Cổ phần Ao Vua hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với nhân dân xã Phượng Vĩ (Cẩm Khê, Phú Thọ)
12-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam y Việt Nam chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng cao Nậm Nhùn (Lai Châu)
12-10-2024 00:00 Hoạt động hội
Hội Nam Y Việt Nam: Xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức "Giải thưởng Tuệ Tĩnh" năm 2024
06-10-2024 15:00 Hoạt động hội