Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục nhận được phản ánh từ các tổ chức, cá nhân về những bất cập trong việc ghi nhãn và quảng cáo thực phẩm bổ sung - một trong những nhóm sản phẩm đang ngày càng phổ biến trên thị trường và chịu sự quản lý của các cơ quan y tế địa phương.
![]() |
Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu trong hoạt động ghi nhãn và quảng cáo, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là nội dung liên quan đến khuyến cáo sức khỏe. Ảnh minh họa. |
Trước thực trạng này, ngày 29/5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 1130/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc, yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát hoạt động ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung.
Theo đó, Cục yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát việc phân loại và phân nhóm sản phẩm thực phẩm bổ sung theo đúng quy định tại Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng. Đồng thời, thực hiện đúng hướng dẫn tại Công văn số 2792/ATTP-SP ngày 14/11/2024 của Cục An toàn thực phẩm liên quan đến phân loại sản phẩm tự công bố và đăng ký bản công bố.
Đặc biệt, trong hoạt động ghi nhãn và quảng cáo, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là nội dung liên quan đến khuyến cáo sức khỏe. Việc thể hiện thông tin trên nhãn sản phẩm và trong quảng cáo phải phù hợp với Khoản 2 Điều 8 Thông tư 43/2014/TT-BYT, cũng như các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 17/2023/TT-BYT.
![]() |
Một phần công văn số 1130/ATTP-NĐTT của Cục An toàn Thực phẩm. |
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, các đơn vị tại địa phương cần chủ động hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết quả xử lý cần được công khai theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Việc siết chặt quản lý trong lĩnh vực này được xem là bước đi cần thiết nhằm lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh thực phẩm bổ sung - lĩnh vực đang phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.